Pháp luật bảo đảm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

(Mặt trận) - Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, có nghĩa người dân là chủ và dân được làm chủ. Nhưng để dân là chủ và có quyền làm chủ trên thực tế, cần được bảo đảm bằng pháp luật. Trên cơ sở khẳng định những thành tựu nổi bật trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bài viết chỉ rõ những hạn chế, bất cập và đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó giữa giai cấp vô sản bị thống trị bóc lột với giai cấp tư sản bóc lột. Sau khi cách mạng vô sản thành công, nhà nước vô sản là chính quyền của Nhân dân được thiết lập, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời. Dân chủ xã hội chủ nghĩa về bản chất là một chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, quyền dân chủ thuộc về Nhân dân.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động đã khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nền dân chủ nhân dân ra đời. Từ nền dân chủ nhân dân, chúng ta chuyển lên thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, có nghĩa người dân là chủ và dân được làm chủ.

Nhưng để Dân là chủ và có quyền làm chủ, trên thực tế cần được bảo đảm bằng pháp luật. Pháp luật vừa là công cụ, vừa là phương tiện quy định vai trò chủ thể của Nhân dân trong mọi hoạt động xã hội và đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân trên lĩnh vực kinh tế, quyền về chính trị, văn hóa xã hội. Không có pháp luật, dân chủ sẽ không được bảo đảm cả từ hai phía: người dân và các cơ quan quyền lực nhà nước. Nội dung dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được luật hóa, thể hiện trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, và vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Nhà nước pháp quyền với những quy định pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh, đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp vừa là phương tiện thực hiện dân chủ, đồng thời là công cụ quan trọng để bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, của xã hội và Nhân dân.

Trong nhà nước pháp quyền, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là do dân “ủy quyền” mà có được nên Nhân dân đồng thời cũng là chủ thể tối cao phân công và phối hợp giữa ba nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhân dân giao quyền, ủy quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ, quyền tư pháp cho Tòa án. Cán bộ công chức nhà nước cũng là người do dân “ủy quyền”, trung thành với lợi ích của Nhân dân, thay mặt Nhân dân thực thi công vụ, phục vụ Nhân dân và xã hội, không phải là những “ông quan cách mạng”, nhằm chống tha hóa quyền lực, sử dụng quyền lực vì mục đích tư lợi cá nhân.

Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định quyền gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo. Văn kiện Đại hội Đảng XII đã ghi nhận: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Để đảm bảo tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước thống nhất và thuộc về Nhân dân, không bị lạm quyền, tha hóa quyền lực thì quyền lực cần được kiểm tra, giám sát bên trong nhà nước, tức là kiểm tra giám sát các quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, cũng như ở bên ngoài nhà nước, đó là giám sát của Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, và phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là báo chí. Nhờ những nguyên tắc vận hành như vậy, qua 35 năm đổi mới việc phát huy dân chủ và đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Trong thời gian qua, Quốc hội không chỉ là cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhân dân, có quyền lập Hiến, lập pháp, mà thể hiện rõ trong việc kiểm soát đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cụ thể là của các cơ quan Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Tính đến 30/6/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 93/ 151 văn bản chi tiết Luật, Pháp lệnh. Trong đó có 49/60 văn bản đã có hiệu lực, Cụ thể, có 28 nghị định, 4 quyết định, 13 thông tư, 4 thông tư liên tịch, đạt 81,67% kế hoạch.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 44/91 văn bản để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực pháp luật. Trong đó, đã ban hành được 1 nghị định, 33 thông tư. Còn lại 47/91 văn bản gồm 21 nghị định, 1 quyết định, 25 thông tư đang được các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu xây dựng để ban hành hoặc trình để các cấp có thẩm quyền ban hành.

Mở rộng quyền dân chủ, trong 35 năm thực hiện đổi mới người dân Việt Nam đã được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, và được thụ hưởng thành quả to lớn từ việc mở rộng dân chủ, đồng thuận xã hội được tăng cường, nền kinh tế nước nhà đã ghi nhận nhiều thành tựu to lớn. Nhiều năm nước ta đạt mức tăng trưởng trên 7.5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 58 % năm 1993 xuống dưới 11,3% năm 2009, và thấp hơn 4 % năm 2019. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đang là quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân còn những hạn chế bất cập. Tại một số địa phương, diễn ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lợi ích nhóm tiêu cực của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý với mức độ tinh vi phức tạp, nhưng thiếu cơ chế bảo vệ người dân đấu tranh chống tiêu cực. Bên cạnh đó, chưa gắn kết việc thực hành dân chủ với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là nguy cơ của dân chủ.

Thể chế kinh tế thị trường và các chính sách của nhà nước còn thiếu đồng bộ, nhất quán, chồng chéo, chưa phù hợp. Vẫn có những biểu hiện thiếu dân chủ, bất bình đẳng trong đối xử với các chủ thể, các thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân về nghĩa vụ với nhà nước, về thuế, vay vốn sản xuất kinh doanh, về thuê đất, thuê nhà xưởng, các thủ tục xuất nhập khẩu.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn được triển khai đã lâu, nhưng chậm được đổi mới và tái cơ cấu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng và nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Xác định trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trên địa bàn do mình quản lý, đang đi vào cuộc sống nhưng nhiều nơi còn hình thức, thiếu cơ chế ràng buộc, chưa ai chịu trách nhiệm pháp lý đến cùng cũng làm cho xã hội vận hành thiếu kỷ cương pháp luật.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, xuất hiện lệch chuẩn trong lối sống, văn hóa tiêu dùng, sinh hoạt của một bộ phận người dân bởi lối sống vị kỷ, bon chen, đố kỵ, cá nhân chủ nghĩa, xa hoa, lãng phí, kệch cỡm trong khi nhiều người dân còn phải chạy ăn từng bữa, đói khổ.

“Dân biết, dân bàn” là những nội dung trọng yếu của Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở nhưng vẫn còn có một bộ phận người dân chưa được biết, chưa được bàn luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ, đặc biệt là về phát triển kinh tế, về quy hoạch và sử dụng đất đai, về việc làm, về mức đóng góp tài chính tại địa phương, về xây dựng hương ước, đời sống dân cư...

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân

Thượng tôn pháp luật, mọi hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đều phải tuân thủ pháp luật. Cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều pháp luật quy định. Công dân được phép làm mọi thứ mà “pháp luật không cấm”.

Bảo đảm dân chủ, tức là thực hiện nguyên tắc Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước; do Nhân dân ủy quyền mà nhà nước mới có quyền lực. Nhưng Nhân dân không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước mà ủy quyền, trao quyền thực hiện cho cán bộ, công chức thay mặt Nhân dân thực hiện. Vì vậy, thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp không chỉ nhằm khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, mà còn góp phần làm rõ cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện các quyền của Nhân dân trao cho nhà nước thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cụ thể là:

Nâng cao chất lượng hoạt động và kiện toàn tổ chức cơ quan lập pháp

Để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm vụ cần giải quyết là: 1) Đổi mới quy trình lập pháp theo hướng giảm bớt những quy định mang tính nguyên tắc chung, nâng cao chất lượng, tăng tính công khai minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật; 2) Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, cơ quan tham dự vào quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản pháp luật; 3) Đảm bảo về cơ cấu và tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu theo hướng tăng dần tính chuyên nghiệp, chuyên trách, giảm bớt tính kiêm nhiệm của đại biểu Quốc hội; khắc phục tính hình thức trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực.

Nâng cao chất lượng hoạt động và kiện toàn tổ chức cơ quan hành pháp

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặt trọng tâm vào cải cách hành chính, được thể hiện trên ba mặt là cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp. Giải pháp cụ thể là: 1) Tiếp tục hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành pháp; 2) Nâng cao chất lượng hoạt động lập quy và phương thức kiểm soát đối với việc thực hiện quyền hành pháp; 3) Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy phép con trong sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy gọn nhẹ hiệu quả, đào tạo bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính vì dân phục vụ.

Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp

Thực hiện đổi mới trên tinh thần độc lập, thượng tôn pháp luật, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, đó là: 1) Tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án kết hợp với việc tranh tụng công khai, dân chủ, nghiêm minh; 2) Khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật.

Nâng cao năng lực thực hành dân chủ từ người dân, đồng thời nghiêm trị lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân

Tiếp tục bổ sung hoàn thiện Pháp lệnh dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, người dân biết dùng quyền dân chủ để nói lên tiếng nói của mình, làm những việc làm có ích cho cuộc sống cá nhân và cho cả cộng đồng, tức là có ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, vì vậy, rất cần nâng cao dân trí, nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của Nhân dân.

Dựa vào lực lượng Nhân dân, trên tinh thần đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết, luôn coi trọng việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về thực chất cũng là dân chủ.

Quyền bãi miễn là quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hành dân chủ của Nhân dân, khi đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng Nhân dân không còn đủ tư cách, phẩm chất đại biểu cho Nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Khi người đại biểu không làm tròn vai trò đại biểu cho dân thì dân sẽ bãi miễn họ.

Bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân

Lắng nghe dân, tiếp thu các ý kiến, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của dân, đảm bảo mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả từ công cuộc đổi mới là đảm bảo quyền dân chủ.

Đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển, đảm bảo “dân được thụ hưởng” thành quả dân chủ. Vì có được thụ hưởng thành quả dân chủ mà dân có thêm tính tích cực chính trị, tai mắt Nhân dân được phát huy, cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật người dân phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực, phản dân chủ, quan liêu, tham nhũng được đưa ra ánh sáng.

Nguyễn Trần Thành

TS, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Đảng cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo tổng kết: Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.I.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều