Phát huy vai trò giám sát của nhân dân

Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Nhờ phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, Quảng Ninh đã nhanh chóng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. (Ảnh ĐỖ PHƯƠNG)

Với cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn, công tác này giúp xây dựng đội ngũ cán bộ gương mẫu, đi đầu, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương.

Từ năm 2020 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện nhiệm vụ giám sát cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, các đại biểu dân cử. Nội dung giám sát tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống; vai trò, trách nhiệm nêu gương, quy tắc ứng xử của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo; trách nhiệm tham gia sinh hoạt chi bộ nơi công tác và nơi cư trú…

Chủ động nhận diện, phát hiện

Năm 2020, thành phố Cẩm Phả là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai chương trình giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử ở nơi công tác và nơi cư trú đối với các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, lãnh đạo các phòng chuyên môn. Để bảo đảm tính khách quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố lấy ý kiến đánh giá của nhân dân tại các khu dân cư thông qua Ban công tác Mặt trận bằng phiếu, niêm phong gửi về Mặt trận Tổ quốc thành phố phân loại, tổng hợp.

Đây chính là cơ sở để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố làm việc với cá nhân, tổ chức được nhân dân nhận xét, đánh giá. Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Cẩm Phả Ðoàn Thị Liên chia sẻ: “Sau khi triển khai, chúng tôi đã nhận nhiều góp ý chân thành, thẳng thắn của nhân dân với cán bộ, đảng viên. Một đảng viên là lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh được nhân dân nhận xét ít tham gia sinh hoạt tại khu dân cư.

Tại phường Cẩm Sơn, một đảng viên là công chức, kế toán cũng được nhân dân góp ý cần tích cực hơn với công việc của khu dân cư. Những nội dung góp ý của nhân dân thông qua chương trình giám sát là cơ sở để cấp ủy đảng, cơ quan đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên”.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, triển khai công tác giám sát cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử là việc mới và khó. Khi thực hiện nhiệm vụ này, các cán bộ mặt trận chuyển yêu cầu giám sát từ “tròn vai-thuộc bài” sang “nhận diện-phát hiện”.

Việc giám sát được thực hiện thận trọng, bài bản, công phu, lồng ghép các hình thức giám sát, có hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường cũng như uy tín của đối tượng được giám sát và cơ quan công tác; đồng thời bảo đảm các kiến nghị sau giám sát được đối tượng giám sát nghiêm túc tiếp thu. Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên cho nên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ động nghiên cứu, tìm cách làm phù hợp nhất.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu. Việc giám sát là để phát huy các ưu điểm và kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh. Một yêu cầu quan trọng trong giám sát là đánh giá sự tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống ở nơi làm việc và nơi cư trú của cán bộ, đảng viên.

Nội dung giám sát tập trung vào kết quả tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo. Việc thực hiện đạo đức, văn hóa công vụ, trách nhiệm thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ của đảng viên về sinh hoạt chi bộ nơi công tác và nơi cư trú; việc thực hiện quy định về công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tham nhũng, tiêu cực… cũng là những nội dung giám sát.

Người được giám sát có báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền (có kèm theo văn bản); kết quả rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống; vai trò trách nhiệm nêu gương. Công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tham nhũng tiêu cực; việc chấp hành pháp luật tiếp công dân, thực hiện đạo đức, văn hóa công vụ; tham gia sinh hoạt chi bộ nơi công tác, nơi cư trú đều được nêu cụ thể, chi tiết.

Việc lựa chọn đối tượng giám sát được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu triển khai bài bản. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành giám sát trực tiếp 10 đồng chí Chủ tịch, 26 đồng chí Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Năm 2022, đối tượng giám sát là 16 đồng chí là giám đốc, trưởng ban, cục trưởng; 45 đồng chí là phó giám đốc, phó trưởng ban, phó cục trưởng. Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai kế hoạch giám sát trực tiếp 18 đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Lê Thị Kim Cúc, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: Việc triển khai các chương trình giám sát cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lề lối, tác phong, đạo đức công vụ cũng như tinh thần sáng tạo, tính tiền phong, gương mẫu.

Đây là động lực, nền tảng để Đảng bộ tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức trở thành là địa phương 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí “quán quân” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Năm 2023, Quảng Ninh cũng là địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông…

Hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng cán bộ

Khảo sát thực tế công tác giám sát cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử tại các địa phương ở Quảng Ninh ghi nhận, để công tác này đạt hiệu quả, trước hết cần chú trọng đổi mới nội dung và hình thức giám sát phù hợp thực tiễn. Việc xác định nội dung giám sát căn cứ trên kết quả, những hạn chế trong triển khai chương trình, kế hoạch đề ra của các địa phương, đơn vị để nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Những nội dung này cần được cụ thể tại đề cương báo cáo giám sát cán bộ, đảng viên. Cùng với giám sát thông qua báo cáo của đối tượng được giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh kết hợp giám sát trực tiếp để thẩm định, xác minh. Phương thức này giúp kết quả giám sát khách quan, đầy đủ, chính xác.

Quy trình năm bước trong giám sát cán bộ, đảng viên ở Quảng Ninh cũng là kinh nghiệm hay. Đó là, Mặt trận giao cho từng thành viên nghiên cứu các nội dung giám sát trong báo cáo của đối tượng giám sát, từ đó lựa chọn những vấn đề cần làm rõ, cần thẩm định, xác minh.

Các tổ giám sát đi xác minh, thẩm định tại đơn vị, đối với từng nội dung cần làm rõ, có lập biên bản cuộc làm việc. Các tổ tiếp tục xác minh, thẩm định, lấy ý kiến tại chi bộ nơi cư trú. Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát làm việc với đối tượng giám sát và tập thể lãnh đạo cơ quan có đối tượng giám sát để thống nhất ra kết luận giám sát.

Cuối cùng là tổng hợp báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị. Kèm theo các báo cáo còn có biểu bảng liên quan như tổng hợp số liệu tiếp công dân; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại thuộc trách nhiệm, thẩm quyền… Năm bước này kết hợp với việc lựa chọn thành viên tham gia đoàn giám sát là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực giám sát đã góp phần nâng cao chất lượng kết quả giám sát.

Tuy nhiên, thực tiễn từ công tác giám sát cán bộ, đảng viên tại Quảng Ninh cho thấy cần hoàn thiện quy định, quy chế làm việc, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ thực hiện giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Phương Thảo, việc giám sát cán bộ, đảng viên của Đoàn Thanh niên có khó khăn do đặc điểm tuổi còn trẻ và thường xuyên luân chuyển công tác cho nên thiếu cán bộ có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về hoạt động giám sát.

Trong khi đó, tại nhiều cơ sở, tư duy họ hàng, người thân còn khá nặng nề nên khó khăn trong thực hiện giám sát đối tượng là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cẩm Phả đánh giá hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ vẫn có những hạn chế.

Nguyên nhân cũng do trình độ hiểu biết về chính sách, luật pháp, nghiệp vụ về công tác giám sát, phản biện xã hội của cán bộ khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở chưa sâu. Công tác phối hợp, theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa thật sự được quan tâm và gặp nhiều khó khăn. Cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng còn bất cập…

Việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức giám sát của cán bộ trong khối là cần thiết; đồng thời cần có các quy định, quy chế, bảo đảm các cơ quan cùng vào cuộc một cách thực chất, hiệu quả. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nguyễn Thị Ngân đề xuất việc nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương. Vì hiện nay, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương ngày càng được mở rộng nhưng biên chế chưa điều chỉnh, bổ sung tương xứng.

Không chỉ Quảng Ninh, đây cũng là những khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương trong công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhất là giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mới đây, Ban Bí thư có Kết luận số 54-KL/TW, ngày 9/5/2023 về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Kết luận của Ban Bí thư nhận định: Vẫn còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; một số phản ánh, kiến nghị của nhân dân chưa được xem xét kịp thời thấu đáo.

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng Đảng.

Ban Bí thư yêu cầu cần phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đối với người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều