Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo “nóng” đối với các dấu hiệu sai phạm đất đai, quy hoạch, TTXD tại quận Cầu Giấy, Hà Nội do Tạp chí Mặt trận phản ánh

(Mặt trận) - Liên quan tới các dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, trong đó có Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết vào năm 2016; các công trình bất thường về quy mô, chiều cao tại phường Dịch Vọng; vụ việc UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, giao hàng nghìn m2 đất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng làm sân tập golf Viettime tại phường Yên Hòa, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chuyển các nội dung do Tạp chí Mặt trận phản ánh đến UBND Thành phố Hà Nội để xem xét.
Ngày 23/10/2020, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đã ký ban hành văn bản số 8867/VPCP-CN gửi UBND Thành phố Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ chuyển 2 bài viết “Hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn từ quy hoạch đô thị bát nháo, lộn xộn: Bài học quản lý trật tự xây dựng tại quận Cầu Giấy” “Sân tập golf rộng hàng nghìn m2 tại quận Cầu Giấy: Bài học quản lý đất đai, quy hoạch và dấu hỏi trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng” đăng vào các ngày 03 và 07/9/2020 đến UBND Thành phố Hà Nội để xem xét.

Trước đó, ngày 20/10/2020, Thừa lệnh của Trưởng ban Nội chính Trung ương, Vụ trưởng Vụ Cơ quan Nội chính Nguyễn Quốc Vinh đã ký ban hành văn bản số 6047-CV/BNCTW gửi Tạp chí Mặt trận cho biết: Ban Nội chính Trung ương đã chuyển các phản ánh của Tạp chí Mặt trận về nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng tại địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề này và thông báo kết quả giải quyết cho Tạp chí Mặt trận.

Liên quan đến 2 bài viết này, Tạp chí Mặt trận đã phản ánh các dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, trong đó có Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết vào năm 2016; các công trình bất thường về quy mô, chiều cao tại phường Dịch Vọng; vụ việc UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, giao hàng nghìn m2 đất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng làm sân tập golf tại phường Yên Hòa…

Cụ thể, vụ cháy quán Karaoke tại số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng đã xảy ra được gần 4 năm. Đối với vụ việc này, UBND quận Cầu Giấy đã nhận trách nhiệm trong quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy cùng nhiều cán bộ đã bị thi hành kỷ luật và các đối tượng có liên quan đã nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Sau gần 4 năm, dàn lãnh đạo của quận Cầu Giấy đã có nhiều sự thay đổi, người đi, người ở, người lên chức, tuy nhiên nỗi đau từ vụ việc thảm khốc và nhiều dấu hỏi lớn về công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn của quận Cầu Giấy vẫn còn đó mà chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí, nhiều công trình có dấu hiệu sai phạm, phá vỡ quy hoạch đô thị với chiều cao ngất ngưởng, mật độ “siêu khủng” vẫn tiếp tục “nở rộ”.

Dư luận cho rằng, bức tranh đô thị quận Cầu Giấy bị “méo mó”, “biến dạng” như hiện nay ngoài sự yếu kém, buông lỏng quản lý còn có sự tiếp tay, “chống lưng” từ các cấp chính quyền từ phường lên đến quận để “thả cửa” cho sai phạm và chiều cao, quy mô những công trình không tuân thủ pháp luật mà tuân theo sự “rủng rỉnh túi tiền” của chủ đầu tư.   

Dư luận đang hoài nghi việc quy hoạch tại quận Cầu Giấy đã phải chạy theo để hợp thức hóa các công trình xây dựng sai phép.

Đa số người dân cho rằng nguyên nhân vụ cháy khiến 13 người thiệt mạng tại quán Karaoke số 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 11/2016 là do công tác quản lý phòng cháy chữa, chữa cháy và quản lý văn hóa, xã hội có vấn đề, gặp nhiều bất cập, nhưng ít ai biết rằng, trong suốt một thời gian dài, Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy đã khác quá xa so với thực trạng xây dựng hiện nay.

Nguyên nhân của vụ cháy quán Karaoke kinh hoàng xảy ra ngày 01/11/2016 tại số 68 Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng được xác định là do trong lúc thợ thi công đang tháo cánh cửa ra vào ở tầng 2, Nguyễn Diệu Linh - chủ quán vẫn cho khách hát tại phòng 502 và 601 từ 12h. Đến 13h30, Hoàng Văn Tuấn, 23 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, là thợ hàn cắt (không có bằng cấp, chứng nhận hành nghề) được thuê làm tại tầng 2, cắt bản lề cửa thì lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách và gây cháy căn nhà số 68 Trần Thái Tông.

 

Nếu các công trình được cấp phép xây dựng đúng chiều cao và mật độ theo quy hoạch, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng quận Cầu Giấy thì liệu vụ cháy thương tâm khiến 13 người thiệt mạng có xảy ra. Ảnh: TL

Sau khi vụ cháy xảy ra, UBND quận Cầu Giấy đã quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung; cách chức Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy đối với bà Nguyễn Thị Xuân Nữ; cách chức Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh; cảnh cáo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng, khiển trách ông Nguyễn Tiến Huy - công chức phường Dịch Vọng Hậu.

Về trách nhiệm hình sự, Công an Thành phố Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can. Ngày 12/9/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm với 3 bị cáo trong vụ án. Theo đó, Nguyễn Diệu Linh bị tuyên phạt 9 năm tù, Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì cùng bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Tuy nhiên, còn một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng có dấu hiệu bỏ sót cán bộ có trách nhiệm liên quan. Cụ thể, đó là việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị.


Tại Quyết định 1129/QĐ-UBND ngày 18/6/2008 của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thời đó là ông Bùi Trương Luân ký phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D6, D11, D2*.

Theo tìm hiểu, số nhà 68, 70, 72… Trần Thái Tông thuộc ô đất đấu giá D2* với chức năng là công trình nhà ở. Tại Quyết định 1129/QĐ-UBND ngày 18/06/2008 của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thời đó là ông Bùi Trương Luân ký phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng mặt bằng đối với ô đất D6, D11, D2*.

Trong đó, ô đất D2* được điều chỉnh từ chỉ tiêu quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt từ mật độ xây dựng 60%, cao 4 tầng sang chỉ tiêu quy hoạch mới với chiều cao cho phép lên đến 6 tầng, 1 hầm, 1 tum, mật độ xây dựng không quá 60%. Theo đó, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Cầu Giấy chịu trách nhiệm xác nhận hồ sơ, bản vẽ thiết kế kèm theo quyết định phê duyệt để thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát, xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp sai quy hoạch. 

Quy định là vậy nhưng thực tế các công trình khi xảy ra vụ cháy đều xây dựng cao từ 8-10 tầng. Trong đó, nhà số 68 Trần Thái Tông xây dựng lên 8 tầng và 1 tum, mật độ xây dựng, chiều cao công trình đều có dấu hiệu sai nghiêm trọng.

Vậy đây có phải là một phần nguyên nhân dẫn đến cháy nổ kinh hoàng khiến 13 người thiệt mạng? Trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, Trưởng phòng Quản lý đô thị, lực lượng Thanh tra Xây dựng qua các thời kỳ ở đây là gì? Ai cho phép các công trình tại ô đất D2* - nơi xảy ra vụ cháy được xây dựng như thế?

Sau vụ cháy thảm khốc, nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của quận Cầu Giấy không những thoát án kỷ luật mà còn được điều động, luân chuyển, đảm nhận các chức vụ cao hơn. Cụ thể, ông Dương Cao Thanh là Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy không phải nhận một hình thức kỷ luật nào và hiện đang làm Bí thư Huyện ủy Ba Vì.

Và ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận lại không hề phải chịu trách nhiệm mà còn được “chễm trệ” ngồi chức Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thay ông Dương Cao Thanh.

Kể từ khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND quận, dưới thời ông Bùi Tuấn Anh, thực trạng quản lý trật tự xây dựng, đô thị, quy hoạch - kiến trúc tại quận Cầu Giấy hiện nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập, yếu kém, phát sinh đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.

Các công trình xây dựng mới tại quận Cầu Giấy ngày càng cao hơn và tăng về mật độ xây dựng so với các công trình trước đó.

Nhiều công trình nằm trong Khu đô thị Cầu Giấy có dấu hiệu “vượt rào”, phá vỡ nghiêm trọng quy hoạch đô thị.

Tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng “khủng” có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt.

Nói là khu đô thị nhưng những công trình ở đây xuất hiện tình trạng cái cao, cái thấp, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn tới mỹ quan chung. Nhiều công trình có chiều cao “khủng” lên đến 9 - 10 tầng, lấn át cả các tòa chung cư xung quanh đã thi công xong và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, không ít công trình được đang gấp rút hoàn thiện, điều này khiến dư luận hoài nghi có hay không sự “bao che”, chống lưng của chính quyền sở tại.

Trên địa bàn phường Dịch Vọng, hàng loạt biệt thự, nhà liền kề có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch vẫn đang thi công rầm rộ.

Với chiều cao “khủng”, kiến trúc độc lạ, công trình 94 - 96 phố Khúc Thừa Dụ “đè bẹp” không gian của các căn nhà xung quanh. 

Công trình 31 Trương Công Giai có chiều cao lấn át các công trình liền kề.

Điển hình là các công trình 31 phố Trương Công Giai, 94 - 96 phố Khúc Thừa Dụ có chiều cao lên đến từ 8 - 10 tầng, mật độ xây dựng khủng khiếp, áp đảo về không gian so với các công trình liền kề, lạc lõng về thiết kế, cảnh quan kiến trúc nhưng chủ đầu tư vẫn thản nhiên thi công nhiều tháng nay. Xung quanh công trình, vật liệu xây dựng tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị đồng thời không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Suốt thời gian dài, những công trình này thi công nhưng không bị chính quyền phường, quận “sờ gáy”.

Cách đó không xa là các căn biệt thự nằm trong Khu đô thị Dịch Vọng. Cả một dãy biệt thự liền kề nhau nhưng hầu hết không đồng nhất về kiến trúc. Các căn biệt thư này đều cơi nới mở rộng diện tích ban công của căn hộ, đáng chú ý, nhiều chủ sở hữu còn cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường, xây dựng vượt tầng, không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bằng mắt thường ai ai cũng có thể nhận thấy sai phạm nghiêm trọng tại các công trình, vậy tại sao UBND phường Dịch Vọng dễ dàng bị “qua mặt”? Liệu có hay không việc “bảo kê”, “chống lưng” cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan mà không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý “trên giấy”?

Tòa nhà London Hotel và nhiều công trình khác có chiều cao lấn át cả khu chung cư cao tầng bên cạnh.

Tầm nhìn quy hoạch quyết định tương lai đô thị, nhưng với thực trạng xây dựng hiện nay tại quận Cầu Giấy đã đi quá xa so với quy hoạch ban đầu. Bởi lẽ, theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, các ô đất tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) được dành thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất gồm D2, D4, D5, D6, D7, D11, D13, D18, D21, D23; đây là vị trí được quy hoạch xây dựng biệt thự, nhà vườn.

Biệt thự trong khu đô thị này phải tuân thủ các tiêu chí: Có diện tích 200-300m2, mật độ xây dựng 50-60%, chiều cao 3 tầng, chỉ giới xây dựng lùi 3m so với chỉ giới đường đỏ. Trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các lô đất biệt thự diện tích 200 - 300m2/lô thành các lô đất nhà vườn diện tích khoảng 150m2/lô, nhưng vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn về chiều cao, mật độ xây dựng nhằm giữ gìn cảnh quan và môi trường cho khu đô thị.

Các căn biệt thự nằm trong Khu đô thị Dịch Vọng bị cải tạo, sửa chữa vô tội vạ khiến bộ mặt của cả khu đô thị bị biến dạng nghiêm trọng.

Có thể thấy, để xảy ra tình cảnh bi đát nêu trên không thể tách rời trách nhiệm chính của các lãnh đạo quận Cầu Giấy, khiến dư luận đang bức xúc, hoài nghi về năng lực quản lý địa bàn của các lãnh đạo quận này? Phải chăng vì yếu kém trình độ, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ nên lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy và UBND các phường trực thuộc đang phải “mặc chiếc áo quá rộng”?

Ngoài ra, cũng cần làm rõ, có hay không việc cán bộ, đảng viên “đứng sau” các công trình có dấu hiệu sai phạm này? Tiếp tay hoặc trực tiếp can thiệp, tác động để cho công trình sai phạm không bị xử lý? Tại sao những công trình này lại có thể “trơ trẽn” đứng trên pháp luật, phớt lờ dư luận được như vậy hay chỉ cần có quyền, có tiền thì họ muốn làm gì thì làm?

Liên quan đến vụ việc “phù phép” sân tập golf Viettime để tư nhân thâu tóm hàng nghìn m2 “đất vàng” trên địa bàn quận Cầu Giấy, dù golf là môn thể thao kén người chơi, nhưng hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Hà Nội cùng các sở ngành, UBND Quận Cầu Giấy đã vận dụng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng (Công ty Tân Sáng) hàng nghìn m2 “đất vàng” đắc địa tại quận Cầu Giấy.

Theo đó, vào năm 2015, con đường hợp thức hóa “đất vàng chui” vào tay Công ty Tân Sáng dần được hé lộ khi các Sở: Quy hoạch - Kiến trúc; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND Quận Cầu Giấy lần lượt có ý kiến thẩm định gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của các Sở, ban ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có Báo cáo thẩm định số 242/BC-KH&ĐT ngày 30/3/2015 trình UBND Thành phố Hà Nội.

Từ đây, “cú việt vị” lịch sử của Công ty Tân Sáng đã được hợp thức hóa bằng Quyết định số 1710/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trường đầu tư Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy ngày 21/4/2015 do Phó Chủ tịch UBND Thành Hà Nội Lê Hồng Sơn ký ban hành.

Quy mô đầu tư dự kiến: Xây dựng, cải tạo công trình nhà điều hành, tập luyện có diện tích xây dựng 530m2; cao 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; tạo cảnh quan sân bãi tập đánh golf ngoài trời với mục tiêu đầu tư xây dựng câu lạc bộ luyện tập thể thao và vui chơi giải trí trong đó có bộ môn tập đánh golf.

Thời gian và tiến độ thực hiện được phân theo giai đoạn hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Quý I/2016; thực hiện đầu tư dự án từ Quý II/2016 đến Quý II/2018; đưa vào khai thác Quý III/2018.

Có thể thấy, UBND Thành phố Hà Nội đã lồng ghép rất “khéo léo” để dự án có bãi sân tập golf nhằm “ăn theo” chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ lại không hề nhắc tới bộ môn golf vào trong danh mục các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Tuy nhiên, trong Danh mục chi tiết các lại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường được ban hành theo Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 cuả Thủ tướng Chính phủ lại không hề nhắc tới bộ môn golf vào trong danh mục.

Có thể thấy, đây không phải bộ môn phổ biến đối với người Việt và có thể chơi rộng rãi trong cộng đồng, thế nhưng bằng sự “cài cắm”, “biến hóa tài tình” UBND Thành phố Hà Nội vẫn đã đưa bộ môn “xa xỉ” dành cho những người có điều kiện vào Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và coi golf như là bộ môn “vua” tại Dự án.

Như một lẽ tất yếu, tại Dự án golf là bộ môn chủ đạo, tất cả mọi thứ tại đây dường như cũng chỉ phục vụ cho bộ môn golf. Thậm chí, Dự án còn được sử dụng là trụ sở hoạt động của Hội Golf Thành phố Hà Nội.


Quyết định số 3027/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành.

Đến ngày 10/6/2016, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký ban hành Quyết định số 3027/QĐ-UBND về việc thu hồi 3.321,3m2 đất tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải trí Tân Sáng thuê để thực hiện Dự án Câu lạc bộ thể thao và vui chơi giải trí Yên Hòa.

Theo Quyết định này, đây là phân diện tích đất kẹt, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích được UBND quận Cầu Giấy thu hồi, giao đất cho UBND phường Yên Hòa quản lý theo 2 giai đoạn vào các năm 2004 và 2009.

Dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 21/4/2015; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Sáng phê duyệt tại Quyết định số 10.2015/QĐ-HĐQT ngày 25/4/2015.

Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thực hiện dự án giới hạn bởi các mốc: từ 1 đến 4, D, 5, 6, 15, 16, 17 = B xác định tại bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh, tỷ lệ 1/500 do Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và công nghệ Sitetech Toàn Cầu lập tháng 01/2016, được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận kèm theo Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 03/2/2016; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận ngày 30/5/2016.

Hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án là thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm và có thời hạn cho thuê lên tới 50 năm.

Hàng nghìn m2 đất tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy được Công ty Tân Sáng sử dụng làm sân tập golf trong suốt nhiều năm.

Bảng giá dịch vụ tập golf khá “đắt đỏ” được Công ty Tân Sáng đưa ra.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao xuyên suốt quá trình thực hiện dự án này, UBND Thành phố Hà Nội chỉ nhất nhất chọn Công ty Tân Sáng làm chủ đầu tư chứ không phải là doanh nghiệp khác? Khi đất đai là nguồn lực và không thể sinh sôi, nảy nở thêm, lý do gì UBND Thành phố Hà Nội giao đất cho Công ty Tân Sáng mà không thông qua đấu thầu hay đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực? Có hay không việc trục lợi, lợi dụng chính sách của UBND Thành phố Hà Nội nhằm giúp Công ty Tân Sáng “một mình một ngựa” dễ bề thâu tóm Dự án? Trách nhiệm một số lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và các sở ban ngành của Hà Nội trong vụ việc này là gì?

Qua thực trạng nhiều dự án tại quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt từ Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an)… để chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, làm rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, đảng viên của các Sở ngành có liên quan, lãnh đạo quận Cầu Giấy qua các thời kỳ khi để xảy ra các dấu hiệu sai phạm quản lý đất đai, quy hoạch, tài chính, xây dựng… tại địa bàn quận Cầu Giấy nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước và thực thi pháp luật...

Hai là, cần tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội. Cơ quan chủ quản tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án có nguy cơ tác động lớn đến quy hoạch, môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Ba là, cần công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình.

Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng sai phạm xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích tràn lan trên địa bàn quận Cầu Giấy trong suốt thời gian dài vừa qua, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe doạ tính mạng, tài sản của người dân mà cử tri hết sức lo lắng!

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều