Phó Tổng cục trưởng THADS Nguyễn Văn Lực: Sẽ xử lý dứt điểm vụ việc chậm trễ thi hành án kéo dài gần 15 năm tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Thái Bình

(Mặt trận) - Đối với vụ việc gần 15 năm bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa được thi hành triệt để, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Lâm Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực khẳng định sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình thi hành dứt điểm vụ việc.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Thông tin tới Tạp chí Mặt trận tại văn bản 2378/TCTHADS-GQKNTC ngày 25/7/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Văn Lực cho biết: Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chánh hành viên đã giải thích và động viện Trường THPT Nguyễn Công Trứ tự nguyện thi hành nhưng nhà trường không tự nguyện và cũng không có thiện chí tìm giải pháp để thi hành án.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình đã thu và chi trả cho Công ty Lâm Hà được 203,5 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, Trường THPT Nguyễn Công Trứ còn phải trả cho Công ty TNHH Lâm Hà tổng số tiền gốc và lãi chậm thi hành án khoảng 2,3 tỷ đồng.

“Đây là vụ việc khó thi hành án, kéo dài nhiều năm do Trường THPT Nguyễn Công Trứ không có tài sản đảm bảo để thi hành án mà chỉ có các công trình xây dựng gắn liền với đất của trường có giá trị lớn hơn nhiều so với số tiền phải thi hành án, nếu kê biên thì phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh, giáo viên và người lao động. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã nhiều lần họp bàn biện pháp giải quyết nhưng chưa thi hành án được dứt điểm.

Do vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình đã đề xuất phương án kê biên tài sản là toàn bộ công trình xây dựng của nhà trường để thi hành án theo quy định. Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình thi hành dứt điểm vụ việc trên” - ông Nguyễn Văn Lực thông tin.

Trước đó, ngày 04/6/2020, Tạp chí Mặt trận có bài viết “Bản án gần 15 năm vẫn chưa được thi hành dứt điểm: Bài học trong công tác thi hành án dân sự tại tỉnh Thái Bình” phản ánh vụ việc gần 15 năm sau khi bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình có hiệu lực thi hành, với nội dung tòa tuyên Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ phải trả cho Công ty Lâm Hà số tiền 1,155 tỷ đồng; tuy nhiên cũng chừng ấy năm, bản án bị các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình xem nhẹ, không thực thi triệt để, dẫn đến bên bị đơn là Trường THPT Nguyễn Công Trứ “nhờn” luật, coi thường kỷ cương, phép nước.

Theo phản ánh của ông Dương Văn Quân - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Hà (Công ty Lâm Hà), có trụ sở tại số 44 phố Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Năm 2006, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình (TAND tỉnh Thái Bình) tuyên xử buộc Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ (nay là Trường THPT Nguyễn Công Trứ - có địa chỉ tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) phải trả cho Công ty Lâm Hà số tiền gần số tiền 1.115.570.917 đồng  theo Bản án số 02/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006 của TAND tỉnh Thái Bình và Quyết định số 214/2006/QĐPT ngày 17/10/2006 của Tòa Phúc thẩm - TAND tối cao tại Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn đến Công ty Lâm Hà khởi kiện Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ là do: Ngày 20/3/2002, Công ty Lâm Hà ký Hợp đồng số 01/XL với Trường Nguyễn Công Trứ, xây lắp công trình nhà học 3 tầng (18 phòng học), giá trúng thấu là 2.333.222.000 đồng.

Bên cạnh đó, ngày 06/8/2002, Công ty Lâm Hà ký hợp đồng số 02/XL xây lắp phần móng nhà Ban Giám hiệu cho Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ theo giá trị quyết toán và thanh lý hợp đồng ngày 08/1/2003 là 566.248.562 đồng. Theo hai hợp đồng thì tổng giá trị xây lắp mà Công ty Lâm Hà thực hiện cho Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ là 3.191.369.575 đồng, và Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ đã thanh toán cho Công ty Lâm Hà 2.880.000.000 đồng, còn nợ lại 311.369.575 đồng.

Ngoài ra, kể từ ngày 18/12/2001 đến tháng 9/2003, ông Ngô Thế Thông - Hiệu trưởng còn vay của Công ty Lâm Hà để thanh toán tiền đền bù GPMB và mua vật liệu với tổng số tiền là 734 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền này Công ty Lâm Hà đồng ý ủy nhiệm cho Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ thanh toán trả tiền lắp đặt của ông Nguyễn Tiến Đức 23.362.000 đồng; trả cho Xí nghiệp Gạch Vũ Thư 22.769.000 đồng và tạm ứng cho tổ công nhân của Công ty Lâm Hà 10 triệu đồng. Theo đó, Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ còn nợ Công ty Lâm Hà tổng số tiền là 999.211.575 đồng không chịu thanh toán.

Do Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ không chịu thanh toán nên Công ty Lâm Hà đã khởi kiện ra TAND tỉnh Thái Bình. Theo Bản án số 02/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006, TAND tỉnh Thái Bình quyết định xử buộc Trường Nguyễn Công Trứ phải thanh toán cho Công ty Lâm Hà số tiền 1.155.587.917 đồng, trong đó cộng lãi là 156.376.442 đồng.

Trích lục Bản án Thương mại sơ thẩm số 02/DSST ngày 01/8/2006.

Quyết định Thi hành án số 17/QĐ-TĐYC.THA ngày 06/11/2006 của THADS tỉnh Thái Bình.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 06/11/2006, Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thái Bình ra Quyết định thi hành án số 17/QĐ-TĐYC.THA buộc Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ phải trả cho Công ty Lâm Hà 1.155.587.917 đồng, nếu bên phải thi hành án chậm thi hành còn phải chịu theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định kể từ ngày 06/11/2006.

Cứ tưởng vụ việc sẽ sớm được giải quyết, thế nhưng, Công ty Lâm Hà đã phải chờ đợi nhiều năm để được thi hành án.

Sau khi ông Ngô Thế Thông kết thúc quyền điều hành Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ. Đến tháng 8/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình có quyết định chuyển đổi Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ thành trường THPT tư thực và Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) tỉnh Thái Bình cũng có các quyết định kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Trường, trong đó đáng chú ý, ông Phạm Xuân Ruyện được Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình công nhận chức danh Chủ tịch HĐQT.

Sau khi có ban lãnh đạo mới, việc thi hành án cũng không có tiến triển gì sáng sủa hơn khiến nguyên đơn vô cùng bức xúc vì sự thiếu tôn trọng pháp luật của các cá nhân lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Công Trứ vẫn không thực hiện nghiêm túc Bản án số 02/KDTM/ST của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.

Bức xúc trước việc chậm thi hành án của Trường Nguyễn Công Trứ cũng như Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình, Công ty Lâm Hà đã có đơn thư gửi tới Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Thái Bình.

Từ đó đến nay đã qua rất nhiều năm, vụ việc gần như “chìm xuống”, tổng số tiền mà Cục Thi hành tỉnh Thái Bình kê biên được từ Trường THPT Nguyễn Công Trứ để trả cho Công ty Lâm Hà chỉ vọn vẹn hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, khoản nợ gốc cộng với lãi suất chậm thi hành án phát sinh đến thời điểm hiện tại do Công ty Lâm Hà tạm tính đã lên đến con số nhiều tỷ đồng.

Theo ông Dương Văn Quân cho biết, “việc UBND tỉnh Thái Bình thu hồi và bàn giao ngôi trường nhưng trả nợ cho Công ty Lâm Hà không qua hình thức đấu giá phần nào đã gây thiệt hại cho chúng tôi và dẫn đến hệ lụy như ngày hôm nay.

Việc thu hồi tài sản (trong đó có cả phần công trình xây dựng) và toàn bộ ngôi trường (chủ sở hữu lúc đó là ông Ngô Thế Thông) là UBND tỉnh Thái Bình đã thu hồi phần tài sản hợp pháp của chúng tôi, vì Công ty Lâm Hà đã ứng toàn bộ vốn ra để xây dựng nhưng mới được thanh toán một phần. Do đó đã làm cho Công ty bị thiệt hại nặng về mặt vật chất cũng như tinh thần”.

“Ngoài ra, sau khi thu hồi Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ, UBND tỉnh Thái Bình cũng không có động thái trả nợ cho Công ty Lâm Hà theo như bản án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình chuyển giao Trường Nguyễn Công Trứ cho nhóm cổ đông mới không qua đấu giá liệu có đúng quy định pháp luật hay không? Thực tế đã chứng minh, qua 12 năm nhận bàn giao cho nhóm HĐQT mới, hoạt động của Trường THPT Nguyễn Công Trứ không có gì khởi sắc, không có năng lực tài chính để trả nợ, số lượng học sinh ít ỏi, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, diện tích mặt bằng thì cho đơn vị khác thuê lại…”, ông Quân nói.

 

Đề xuất tại văn bản số 359/BC-THA của THADS tỉnh Thái Bình nhưng không được UBND tỉnh Thái Bình quan tâm đúng mức dẫn đến thiệt hại về lâu dài và nặng nề cho doanh nghiệp.

Mặt khác, theo tìm hiểu của PV, ngày 26/12/2007, ông Nguyễn Văn Thái - Q. Trưởng THADS tỉnh Thái Bình khi đó đã có văn bản số 359/BC-THA gửi Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Thái Bình, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, Công an tỉnh Thái Bình có nội dung: “… Để đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức kinh tế trong việc thi hành án dân sự và giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật, THADS tỉnh Thái Bình báo cáo và đề nghị với Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Thái Bình, Sở Giáo dục tỉnh Thái Bình chỉ đạo yêu cầu Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ phải nghiêm túc chấp hành nghĩa vụ thi hành án nếu không chấp hành thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục Thái Bình và các cơ quan hữu quan không cho Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ chuyển nhượng tài sản khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.”

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mặc dù đã có đề xuất của Cơ quan THADS, UBND tỉnh và các cấp ngành của tỉnh Thái Bình lại cho phép chuyển đổi mô hình đối với Trường THPT Dân lập Nguyễn Công Trứ và bàn giao lại ngôi trường cho nhóm cổ đông mới như đã nêu ở trên. Trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Bình đến đâu trong vụ việc này? Tại sao UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng lại bàn giao toàn bộ ngôi trường cho một đơn vị có biểu hiện yếu kém trong năng lực điều hành, quản lý dẫn đến hoạt động của Trường THPT Nguyễn Công Trứ bết bát trong suốt một thời gian dài? Và vì sao UBND tỉnh Thái Bình không hề có trách nhiệm với khoản nợ của Trường Nguyễn Công Trứ, ngôi trường do mình sinh ra? Vì sao Cục Thi hành án tỉnh Thái Bình lại chậm trễ trong việc thi hành bản án trên, khiến cho một doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn đốn như Công ty Lâm Hà?

Văn bản số 01/CV-NCT ngày 14/01/2019 của Trường THPT Nguyễn Công Trứ gửi Công ty Lâm Hà.

Về phía Trường THPT Nguyễn Công Trứ, HĐQT mới của ngôi trường này luôn thoái thác nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Lâm Hà theo như bản án của Tòa đã tuyên. Theo đó, tại văn bản số 01/CV-NCT ngày 14/01/2019 gửi Công ty Lâm Hà, ông Nguyễn Quang Hiển - Phó Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho rằng, Bản án số 02/2006/KDTM-ST của TAND tỉnh Thái Bình xử không đúng người, không đúng tội; trong Biên bản bàn giao của Sở Tài chính và Sở Giáo dục không có khoản tiền 734 triệu đồng….

Ông Lê Thanh Tình - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình.

Để rộng đường dư luận, PV đã cuộc làm việc với ông Lê Thanh Tình - Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Thái Bình về tiến trình thi hành án theo Bản án số 02/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006 của TAND tỉnh Thái Bình, cũng như tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cảu Công ty Lâm Hà như theo phản ánh.

Theo đó, ông Lê Thanh Tình - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình thừa nhận, nội dung phản ánh liên quan đến việc chậm trễ thi hành án đối với Trường THPT Nguyễn Công Trứ như báo chí nêu là đúng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật 14 năm nay, THADS của tỉnh đã có tác nghiệp, họp bàn nhưng đến giờ phút này vẫn chưa giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Tình, “sau khi có Bản án của Tòa cũng như quyết định thi hành án, Chấp hành viên cũng tiến hành giải thích động viên, tạo điều kiện thời gian để 2 bên đương sự thỏa thuận giải quyết thi hành án. Đến nay, kết quả thi hành án lần 1, nhà trường mới nộp được hơn 138 triệu vào tháng 9/2013, đây là số tiền nhà trường cho rằng trong Biên bản bàn giao có ghi khoản nợ Công ty Lâm Hà hay nói cách khác là tiền xây dựng trường”.

“Lần thứ 2 vào ngày 10/1/2019, sau khi xác minh được tài khoản Nhà trường có một khoản tiền tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Thái Bình, khoảng 66,6 triệu đồng. Chấp hành viên đã thực hiện khấu trừ tiền trong tài khoản của Trường THPT Nguyễn Công Trứ số tiền trên, trả lại cho Công ty Lâm Hà 64,9 triệu đồng, sau khi trừ án phí là 1,7 triệu đồng.

Hiện nay số tiền còn lại phải thi hành và tiền lãi chậm thi hành án đối với bên phải thi hành án là Trường THPT Nguyễn Công Trứ đã lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà trường vẫn không có thiện chí, không có giải pháp và kiên quyết không chịu thi hành án” - Ông Lê Thanh Tình, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình nói.

Thông tin về điều kiện thi hành đối với Trường THPT Nguyễn Công Trứ, ông Lê Thanh Tình cho rằng, chúng tôi đã xác minh tài sản của nhà trường rất nhiều lần. Nhà trường gần như không có tài sản nào khác ngoài công trình xây dựng gắn liền với đất và các tài sản khác của Trường Nguyễn Công Trứ có giá trị nhỏ. Trong khi đó, các công trình xây dựng có giá trị gấp nhiều lần so với nghĩa vụ thi hành án. Đồng thời, cơ quan thi hành án không thể kê biên quyền sử dụng đất của Nhà trường do UBND tỉnh giao không thu tiền sử dụng đất và quyền sử dụng đất không thể chuyển nhượng. “Ở đây, khi kê biên để xử lý thì chỉ xử lý được tài sản trên đất thôi” - Ông Tình biện bạch.

Nói về việc Trường THPT Nguyễn Công Trứ thoái thác nghĩa vụ trả nợ, ông Lê Thanh Tình nêu quan điểm của Cục THADS tỉnh Thái Bình về Bản án số 02/2006/KDTM-ST ngày 01/8/2006 của TAND tỉnh Thái Bình là đúng pháp luật, đảm bảo thi hành, không có vấn đề gì phải lăn tăn, bàn cãi gì.

“Công ty Lâm Hà có đơn kiện Trường Nguyễn Công Trứ chứ không phải kiện ông Ngô Thế Thông cho nên việc xác định mối quan hệ là đúng, số tiền thì cũng được xác định một cách cụ thể bằng chứng cứ đầy đủ. Vì vậy, Tòa đã xử Nhà trường phải trả số tiền cho Công ty Lâm Hà là đúng. Do đó, bản án đã xác định đúng đối tượng, chủ thể bên vay, bên mượn, đúng số tiền” - Ông Tình nêu quan điểm.

Ông Lê Thanh Tình khẳng định, “Việc này, chúng tôi đã giải thích, gửi văn bản của Cục THADS tỉnh rất chi tiết, tỉ mỉ, lưu hồ sơ. Khi nhận văn bản, Nhà trường vẫn cố tình cho rằng việc đó là không đúng, đó là quan điểm của nhà trường. Vấn đề sau này, thi hành án thế nào, nếu không động viên được thì phải xác minh, kê biên, khó đến đâu gỡ đến đấy”.

Ông Tình cho biết thêm, số tiền Nhà trường phải thi hành án đều thể hiện trong hồ sơ thi hành án. Một số lãnh đạo của nhà trường hiện nay, cụ thể là ông Phạm Xuân Ruyện còn tham gia khởi kiện (thời điểm chưa bàn giao trường) đều biết. Khi nhận bàn giao từ các cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Tài chính và Sở GD&ĐT, đúng ra ông Ruyện phải có ý kiến. Nhưng thời điểm đó, những người này không có ý kiến gì.

Thứ nữa, việc bàn giao của Sở Tài chính và Sở GD&ĐT chỉ là mặt thủ tục, không phải căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính của Nhà trường. Nếu phát hiện bàn giao chưa đủ thể bàn giao bổ sung. Còn bản án đã hiệu lực pháp luật nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa đã xử rất rõ ràng rồi không thể thay đổi được và không thể không thi hành.

“Theo quy tại Điều 54 Luật Thi hành án, quy định việc thay đổi pháp nhân, quyền ông nhận thì ông phải nhận cả nghĩa vụ. Tới đây, chúng tôi sẽ tham gia, tham mưu một cách cụ thể, quyết liệt hơn vấn đề này” - Ông Tình thông tin.

Đại diện THADS Thái Bình nêu, “Trước đây, trường có nhiều học sinh, giáo viên nếu khi kê biên phải giải tỏa là rất khó khăn, mất ổn định. Tại thời điểm này, số lượng học sinh, giáo viên còn rất ít, giải pháp kê biên sẽ thuận lợi hơn. Chưa biết tỉnh sẽ chỉ đạo ra sao nhưng cũng khó làm khác được.  Chúng tôi sẽ đề xuất Ban Chỉ đạo THADS tỉnh (ông Nguyễn Khắc Thận - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình là Trưởng ban) phương án kê biên tài sản trên đất ngay trong tháng 6 này. Mấy trăm triệu còn không thỏa thuận được nói gì đến mấy tỷ”.

“Luật quy định có tài sản phải kê biên thì THADS là sẽ đề xuất kê biên. Nếu đặc thù là trường học, vướng về nghiệp vụ, THADS sẽ hỏi Tổng cục để đảm bảo về chuyên môn. Về chỉ đạo, phối hợp, chúng tôi sẽ báo cáo với tỉnh. Việc kê biên này sẽ rất khó, phải nghiên cứu mổ xẻ, xem loại đất này là đất gì, nhưng khó cũng phải làm vì đã có bản án rồi, không thể để kéo dài mãi thế được” - Ông Lê Thanh Tình, Cục trưởng Cục THADS tỉnh khẳng định với báo chí.

Do đó, để giải dứt điểm các vấn đề dân sinh gây bức xúc, khiến kiện kéo dài, làm ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh, trật tự, môi trường đầu tư tại địa phương, cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, kiến nghị thực hiện những giải pháp sau:

Một là, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương mà cụ thể ở đây là trên địa bàn tỉnh Thái Bình đối với việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, góp phần giải quyết thỏa đáng những bức xúc, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, để làm sáng tỏ vấn đề và giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như doanh nghiệp, đã đến lúc Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, … cần khẩn trương vào cuộc, lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ khiếu kiện của doanh nghiệp đối với việc sử dụng đất tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, làm rõ việc UBND tỉnh Thái Bình thu hồi, rồi bàn giao ngôi trường cho HĐQT mới có đúng quy định của pháp luật, khách quan, minh bạch hay không?

Ba là, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp trực tiếp có chỉ đạo đối với các đơn vị thi hành án, mà cụ thể là Cục THADS tỉnh Thái Bình có biện pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc thi hành án tồn đọng, phức tạp, kéo dài, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện, nhất là các vụ việc có điều kiện kéo dài trên 3 năm nhưng chưa được giải quyết xong góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều