Phòng, chống tham nhũng: Làm gì để “dưới không lạnh”

Theo nhiều đảng viên lão thành, để khắc phục tình trạng phòng chống tham nhũng ở cơ sở, nên tăng cường luân chuyển cán bộ.

Lời tòa soạn: Trong các bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu phần 1 và 2 của Phóng sự: “ Phòng, chống tham nhũng: Làm gì để “dưới không lạnh”, đề cập thực tế phòng, chống tham nhũng ở các chi bộ, đảng bộ còn nhiều hạn chế, tính chiến đấu của các đảng viên không cao. Do nhiều nguyên nhân như: E ngại, nể nang né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ trù dập, thiếu hiểu biết về luật pháp … Trong khi  đó, hành lang pháp lý, các nghị quyết, quy định của đảng khá đầy đủ và tiếp tục được hoàn hiện, nhưng lại chưa được thực thi đồng bộ. Đây cũng là nội dung phần 3 của Phóng sự 

Theo nhiều đảng viên lão thành cách mạng, để khắc phục tình trạng phòng, chống tham nhũng ở cơ sở, các địa phương “không lạnh” như hiện nay, thì nên tăng cường luân chuyển cán bộ. Đặc biệt là bố trí  bí thư các tỉnh, huyện không phải là người địa phương. Lấy ví dụ trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái, hồi năm ngoái vi phạm đến mức bị kỷ luật cảnh cáo do kê khai tài sản không trung thực và các nguyên nhân khác nữa, nhưng  ở chi bộ, đảng bộ cơ sở không ai dám tố cáo, dù nhiều người cũng biết. Ngoài lý do ông là lãnh đạo, cấp trên trực tiếp,thì chị gái ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (trước đó là Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) liệu có ai cả gan đứng lên nói thẳng, nói thật về những việc làm không đúng của ông.

Mới đây,trong Nghị quyết số 26, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác cán bộ có nêu: “Thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương theo mục tiêu đề ra; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nếu có điều kiện”.

Bà Ngô Thị Thanh Minh, đảng viên, cán bộ hưu trí ở tổ 10, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái cho rằng, nếu thực hiện nghiêm túc nghị quyết này sẽ góp phần khắc phục được tình trạng phòng chống tham nhũng “dưới không lạnh”.

 “Chức danh Bí thư, Chủ tịch là người địa phương khác, chúng tôi cũng rất hoan nghênh. Sẽ không còn cái gọi là "gia đình trị". Việc phê bình cán bộ nếu như là người địa phương có thể còn mang tính chất nể nang, không dám nói sự thật. Nếu như người nơi khác đến làm thì có thể việc phê bình, giúp đỡ sẽ thẳng thắn hơn”, bà Minh bày tỏ quan điểm.

Một yếu tố khác cần phát huy, đó là từ đầu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương  kiểm tra đến cấp huyện. Theo ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra cách cấp, có thể kiểm tra một số đơn vị trực thuộc tỉnh như huyện, qua đó rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng để triển khai diện rộng. Đây là nét mới trong hoạt động kiểm tra của năm 2018. Cách làm được cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ. Qua kiểm tra như thế, đảng viên sinh hoạt ở cơ sở tin tưởng và có thể mạnh dạn tham gia tố cáo tham nhũng.

Như vụ gian lận trong  kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Sơn La vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố 6 cán bộ, đảng viên. Trước đó, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La - ông Hoàng Tiến Đức khẳng định: “Trong suốt kì thi vừa qua, chúng tôi đã làm đúng các quy trình, quy định. Tôi đã chỉ đạo anh em làm trực tiếp đúng theo quy trình”. Thế nhưng, chỉ sau mấy ngày Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo lên kiểm tra đã phát hiện ra, không những không đúng quy trình mà còn gian lận trong chấm thi các bài thi môn thi trắc nghiệm, trong kỳ thi PTTH Quốc gia 2018 ở Sơn La, dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên  bị khởi tố, bắt tạm giam…

Vụ việc cho thấy, nếu để địa phương tự kiểm tra, tự rà soát dễ dẫn đến “đóng cửa bảo nhau”. Ông Đinh Văn Tôn, một đảng viên lão thành cách mạng ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đồng tình, ủng hộ cao với chủ trương này, phấn khởi: “Chống tham nhũng từ Trung ương cho đến huyện, không chỉ riêng đảng viên tin tưởng, mà cả quần chúng nhân dân rất hoan nghênh, tin tưởng. Mong các đồng chí Trung ương chỉ đạo xuống dưới chặt chẽ hơn nữa, cụ thể hơn nữa, sâu sát hơn nữa và xử lý kiên quyết, nhanh chóng hơn nữa”.

Người tố cáo tham nhũng cần được bảo vệ. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra  thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, trong đó có nội dung người tố cáo tham nhũng sẽ được bảo vệ và khen thưởng kịp thời, xứng đáng… Đây là điều kiện cần thiết góp phần để toàn Đảng, toàn dân tham gia đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, để Luật Phòng, chống tham nhũng, cũng như các luật liên quan đi vào cuộc sống, nên tổ chức giáo dục pháp luật bài bản trong các nhà trường, học viện, các khóa bồi dưỡng cán bộ; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu biết về pháp luật...

Nếu không như vụ 17 cán bộ ở Sơn La liên quan đến di dân tái định cư dính vào vòng lao lý, mà theo kết luận điều tra của Công an Sơn La hoàn tất tháng 9 vừa qua, có nguyên nhân từ Kế hoạch 41, do ông Trương Tuấn Dũng lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường La ký.  Kết luận của Công an tỉnh Sơn La nêu rõ: Kế hoạch 41 được ban hành sai quy định; chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La; đo đạc trước, hoàn thiện hồ sơ pháp lý sau… 

Tuy nhiên, Kế hoạch 41 ban hành đã gửi cho Phòng Tài nguyên Môi trường, Hạt kiểm lâm, Ban chỉ đạo di dân tái định cư của huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban , nhưng không ai phản biện. Theo các luật sư, yếu tố khách quan ở đây có thể là do hiểu biết về  pháp luật còn hạn chế nên không thấy được cái sai của Kế hoạch 41 để chỉ ra.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Tuy chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện nhưng việc tổ chức thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế. Đặc biệt là vấn đề về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tố cáo và những quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, cũng như người thân của họ”.

Một số cán bộ, đảng viên mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết: Để công tác phòng, chống tham nhũng dưới “không lạnh”, song song với việc tiếp tục bổ sung và  hoàn thiện triển khai đồng bộ hệ thống luật pháp, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống; mọi đảng viên cần nâng cao tinh thần gương mẫu như: Quy định số 08- QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…  Các đảng viên, cấp ủy chi bộ, đảng bộ cơ sở không e ngại, nể nang né tránh, dĩ hòa vi quý, dám đấu tranh mạnh mẽ với thói hư tật xấu, tự diễn biến, tự chuyển hóa; tham ô, tham nhũng, lãng phí xem như là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao của người đảng viên.

Theo VOV-Tây Bắc

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều