Phong hàm giáo sư, thả thiên nga và câu chuyện kỷ luật, kỷ cương

Vì sao hàng loạt giáo sư, phó giáo sư được phong tặng ồ ạt? Những con thiên nga ở trời Tây sao dễ dàng bơi lội ở giữa di tích Quốc gia?

Ở giữa thủ đô, ngay giữa hồ Hoàn Kiếm, bỗng đâu người ta đưa hàng chục con thiên nga đen – trắng về thả, bơi lội tung tăng, gây nhiều tranh cãi.

Ở Đà Nẵng - thành phố được cho là đáng sống nhất Việt Nam, bỗng dưng một ngày, Sở Thông tin – Truyền thông cho ra một văn bản được cho là muốn kiểm duyệt báo chí trước khi đăng tải gây khiến ai cũng ngỡ ngàng vì sự chéo ngoe, sai luật của nó.

Cả hai sự việc trên đều bất ngờ xuất hiện và nhanh chóng được “sửa sai”. Mấy con thiên nga sau 1 đêm thì di dời sang hết hồ Thiền Quang, vì Hồ Gươm là một di tích quốc gia nên mọi ứng xử với nó phải theo Luật Di sản và nhiều văn bản luật pháp khác.

Văn bản của Sở TT-TT Đà Nẵng sau chưa đầy 48 giờ ban hành đã phải thu hồi kèm theo lời xin lỗi của lãnh đạo của Sở này vì thấy rằng không đúng với quy định của Luật Báo chí.

Thiên nga bơi giữa hồ Hoàn Kiếm - thể hiện lối làm việc không có nguyên tắc, không tuân thủ pháp luật.

Chưa hết, một "rừng" giáo sư, phó giáo sư sắp được phong tặng khiến Thủ tướng phải chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải rà soát lại. Rõ ràng, ai cũng thấy bất bình, lo lắng khi mà số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng vùn vụt nhưng chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo lại đang thụt lùi, Việt Nam không có tên tuổi gì trong bảng xếp hạng giáo dục quốc tế và rất nhiều bất cập khác từ đội ngũ các trí thức này.

Con thiên nga, cái quyết định kiểm duyệt báo chí hay các giáo sư, phó giáo sư được phong tặng rầm rộ như một chuyến tàu vét… âu cũng là điều rất dễ hiểu. Đó có thể là sự kém hiểu biết của chính những người trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cố tình làm trái nhằm trục lợi cho các nhóm lợi ích mà bỏ qua các quy định của pháp luật, các tiêu chí cụ thể.

Thủ tướng nêu quyết tâm về việc xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả, nhưng trên hết kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính phải được tuân thủ một cách nghiêm túc nhất. Kỷ luật lúc này có thể khiến ai đó khó chịu, bực dọc vì công việc không được hanh thông như ý, nhưng nó là tiền đề, là bộ tiêu chuẩn để tất cả mọi việc sau đó phải đi theo một quỹ đạo.

Một xã hội mà con người phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật nhưng rất nhiều quy định của pháp luật lại bị chính những cán bộ Nhà nước bỏ qua, nhiều khi họ còn đi đầu trong vi phạm các quy định của pháp luật thì sao dân nể, dân tin vào bộ máy ấy được (!).

Chỉ khi bộ máy Nhà nước, hoạt động của xã hội có kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch thì niềm tin xã hội mới thực sự vững chắc. Niềm tin ấy phải được xây dựng trên những con người thật, việc thật chứ không thể hô hào mà có. Nếu chỉ hô hào sẽ trở nên giáo điều, sáo rỗng.

Xã hội là tấm gương phản chiếu sức mạnh, hiệu quả của hệ thống quản trị. Đơn giản như nếu vẫn còn cảnh sát giao thông nhận mãi lộ thì vẫn còn người vi phạm giao thông, coi thường luật pháp. Giờ đây, ra đường, nhiều người sợ cái camera hơn cảnh sát. Vì sao vậy? Vì cái camera kia phản ánh trung thực hành động của người tham gia giao thông, xử lý đúng hành vi vi phạm mà không thể xin xỏ hay đút lót để được bỏ qua.

Việc đầu tư cho một hệ thống công nghệ thông tin nhiều khi không phải quá đắt đỏ vượt quá khả năng của một đơn vị nào đó. Phần nhiều là do còn quá nhiều khâu chúng ta không muốn chuẩn hoá để còn có việc cho anh A, chị B trong hệ thống bộ máy quá cồng kềnh này còn có cơ hội vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp. Nếu có một cái máy đứng ở góc phòng thì hàng chục con người sẽ thất nghiệp thì thử hỏi ai dám “cầm dao gọt vào chân mình”?

Chính những thứ lợi ích giằng xé, loằng ngoằng này đã khiến cho việc tinh giản biên chế của chúng ta khó lòng thành công nếu không thực sự quyết tâm. Trong một hệ thống nhân lực hùng hậu mà có những con người bất chấp tất cả để làm việc theo ý muốn chủ quan của cá nhân thì tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ mãi bị đẩy lùi, niềm tin xã hội bị lung lay, đặc biệt sự coi thường, thiếu tôn trọng với những người thừa thành pháp luật là điều khó tránh. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, “Kỷ luật, kỷ cương” cần được đặt ở tất cả các hoạt động của hệ thống thực thi pháp luật./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều