Phú Quốc: Ai đã biến gần 1,7ha đất chùa Chuông Am thành của riêng?

(Mặt trận) - Không chỉ gần 17.000m2 đất dinh Bổn cảnh Thành hoàng Chuông Am, khu phố 10, thị trấn Dương Đông bị biến thành của riêng, mà huyện Phú Quốc còn cấp sổ đỏ cho lô đất này sai đối tượng. Đó là nội dung theo đơn tố cáo của Ban Quản trị dinh Bổn cảnh Thành hoàng Chuông Am gửi đến Tạp chí Mặt trận. Những gì phóng viên tìm hiểu được từ vụ việc cho thấy, Phú Quốc còn rất nhiều việc phải làm dù ngưỡng cửa lên “đặc khu” không còn xa.

Đất Chuông Am có từ bao giờ?

Chuông Am ngày nay nằm ở vị trí đắc địa của con đường Nguyễn Trung Trực chạy đến trung tâm thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. Theo tài liệu phóng viên có được, khu vực núi Chuông Am có diện tích khoảng 17.000m2, thời điểm từ năm 1975 đến năm 1997 thuộc ấp Cây Bến, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Đến năm 1998, khu vực này được tách thành 3 ấp: Bến Tràm, Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài; khu vực núi Chuông Am sau này tách ra thành khu phố 10 như hiện nay.

Dinh Bổn cảnh Thành hoàng Chuông Am bên đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 10, thị trấn Dương Đông.

Thông tin người dân cho biết, phần đất của ngôi chùa Chuông Am có nguồn gốc hàng trăm năm từ thời Pháp thuộc, trên đó hình thành ngôi chùa mà người dân địa phương gọi là chùa Chuông Am. Qua nhiều đời, khu vực này vừa là nơi tín ngưỡng của bà con trên đảo, vừa là nơi bốc thuốc Nam, châm cứu trị bệnh cho người dân.

Trong số những người hiện trong Ban Quản trị Chuông Am, có ông Nguyễn Văn Đấu (thường gọi là Tư Đấu) từng tham gia chiến đấu ở đây trong thời chiến tranh. Như vậy, núi chùa Chuông Am không chỉ là cơ sở thờ tự tôn giáo, mà còn là địa danh lịch sử gắn với cuộc đấu tranh cách mạng Việt Nam.

Ngày 8/2/2018, ông Võ Văn Thành (thường gọi là Năm Thành) có đơn xin xác nhận, được UBND xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc chứng thực cho biết, từ năm 1980 đến hết năm 1994, ông lần lượt giữ cương vị Phó rồi Trưởng ấp Cây Bến, xã Cửa Dương (núi chùa Chuông Am nằm trên địa bàn này). Năm 1987, do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trên đảo Phú Quốc, ông Hà Đức Bảo (thường gọi là Ba Bảo, đã mất) đến xin phép ông Năm Thành được lập thêm một dinh để thờ cúng (nay là dinh Bổn cảnh Thành hoàng Chuông Am). Diện tích dinh nằm trong phần đất núi chùa Chuông Am… Ông Năm Thành khẳng định: “Núi chùa Chuông Am là một địa danh của đảo Phú Quốc từ thời Pháp thuộc tới nay, là di sản của bà con nhân dân trên đảo, một di tích lịch sử, tín ngưỡng dân gian từ hàng trăm năm trước…”.

Không chỉ ông Võ Văn Thành mà nhiều vị cao niên sinh sống tại địa phương như: Cụ Phan Xuân Nhựt, sinh năm 1927, cụ Huỳnh Bá Mùi, sinh năm 1930, ông Nguyễn Hồng Son, sinh năm 1949, ông Hà Văn Em, sinh năm 1946 (là cựu chiến binh từng chiến đấu tại khu vực núi chùa Chuông Am)… đều xác nhận những nội dung trong đơn của Ban Quản trị Chuông Am là đúng sự thật. Theo đó, nguồn gốc ngôi chùa Chuông Am tọa lạc trên toàn bộ khuôn viên đất có diện tích khoảng 17.000m2. Vị trí, mặt tiền giáp đường Nguyễn Trung Trực, phía sau giáp núi, phía bên hông giáp đất của ông Trần Văn Đời.

Trong khi đó, ông Dương Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc xác nhận, nội dung trong đơn của Ban Quản trị là đúng sự thật, đồng thời cho biết: “Khu vực chùa Chuông Am trước năm 1975 là khu vực giáp ranh giữa chính quyền cách mạng và chế độ cũ. Các đồng chí kí tên trong đơn đều là những cán bộ, chiến sĩ từng sinh sống, chiến đấu, nằm vùng tại chùa Chuông Am…”. 

Phần đất khu vực chùa Chuông Am được UBND huyện Phú Quốc cấp sai đối tượng cho ông Nguyễn Văn Mười.

Ai đã cắt gần 17.000m2 đất Chuông Am cho ông Nguyễn Văn Mười?

Những người dân đứng đơn cho biết, khoảng năm 2009, bắt đầu xảy ra tranh chấp ranh giới đất giữa ông Nguyễn Văn Mười và vợ chồng ông Thái Ngọc Lý, bà Lê Thị Ngọc Thu (nhận chuyển nhượng đất từ ông Trần Văn Đời). Sau khi bà Thu khởi kiện ông Mười ra tòa để đòi 200m2 đất mà bà cho rằng bị ông Mười lấn chiếm, mới hé lộ thêm nhiều bằng chứng khu đất ông Mười đang quản lí là đất thuộc chùa Chuông Am.

Đáng chú ý, chính ông Nguyễn Minh Hùng, người được ông Mười ủy quyền đã khai trước tòa như sau: “Ông Mười chủ trì chùa Chuông Am nên ông là người đại diện đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho chùa Chuông Am, chứ không phải đứng tên cho cá nhân ông”.

Ông Thái Ngọc Lý, người được Ban Quản trị Chuông Am ủy quyền đại diện khiếu nại cho biết: “Vào năm 2010, Nhà nước mở đường đi sau nhà chùa, quá trình đo đạc để bồi thường mới phát hiện, đất của nhà chùa quản lí, sử dụng hơn thế kỉ bị xẻo gần 16.950m2 cấp cho ông Nguyễn Văn Mười từ năm 2006”.

Khu vực chùa (ảnh trên) và con đường dẫn lên Chuông Am.

Tài liệu người dân cung cấp cho thấy, ngày 20/12/2006, ông Thái Thành Lượm, khi đó là Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đã kí, cấp sổ đỏ mang số hiệu AH 392466 cho ông Nguyễn Văn Mười, diện tích đất 16.950m2, loại đất trồng cây lâu năm, hình thức sử dụng riêng, thời hạn sử dụng đến tháng 10/2043. Có điều bất thường là sổ đỏ này để trống mục số thửa và số bản đồ. Còn tại Biên bản xác định ranh giới sử dụng đất, chỉ có chữ kí giáp ranh của các ông: Hà Đức Bảo, Lê Hoàng Giao và Huỳnh Bá Mùi. Riêng cạnh từ đường Nguyễn Trung Trực chạy vào phía sau có 3 hộ liền kề: ông Lê Hoàng Giao, bà Lê Thị Ngọc Thu, bà Trần Việt Liên, thì chỉ có chữ kí của ông Giao, không có chữ kí của 2 hộ bà Thu và bà Liên. 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp gần 17.000m2 đất Chuông Am cho ông Nguyễn Văn Mười.

Như vậy, rõ ràng nội dung phản ánh của Ban Quản trị Chuông Am về việc UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Mười không đúng đối tượng, trái pháp luật là có căn cứ.

Chưa dừng lại ở đó, người dân cho biết, gần một năm sau ngày được cấp sổ đỏ, tháng 7/2007, ông Mười làm Giấy hiến đất và ủy quyền quản lí cho người khác, nhưng hơn 10 năm sau ông lại lập Hợp đồng ủy quyền cho ông Lâm Việt Hải, người ở tận TP. Hồ Chí Minh toàn quyền quản lí, sửa chữa, cải tạo các tài sản trên đất đối với khu vực gần 1,7ha đất của chùa Chuông Am, thời gian ủy quyền lên tới 20 năm, trong khi ông Nguyễn Văn Mười đã gần 100 tuổi, quả là điều bất bình thường.

Bàn lời chứng của công chứng viên đối với Hợp đồng ủy quyền lô đất nói trên giữa ông Nguyễn Văn Mười và ông Lâm Việt Hải.

Trước hiện trạng đó, Ban Quản trị dinh Bổn cảnh Thành hoàng Chuông Am tiếp tục có đơn gửi các cấp chính quyền, phản ánh việc UBND huyện Phú Quốc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng cho ông Nguyễn Văn Mười; kiến nghị thu hồi đất và Giấy chứng nhận nói trên, giao đất cho Nhà nước và Ban Quản trị quản lý. Đến ngày 12/9/2017, UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc và báo cáo lên Chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên văn bản báo cáo Chủ tịch tỉnh của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang lại hé lộ nhiều điều đáng bàn khác.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục xác minh và thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

Đỗ Đông

Bình luận

Thông - 14:09 15/05/2018

Cảm ơn!

Trả lời

Thông - 14:09 15/05/2018

Thanks

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều