Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Đề nghị khởi tố vụ việc ngang nhiên lấn chiếm đất công, phá hoại, trộm cắp tài sản liên quan đến Công ty Cổ phần BEEPRO

(Mặt trận) - Một vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về đất đai, ngang nhiên chiếm dụng dải đất quy hoạch hàng lang cây xanh, tự ý lập bãi đỗ xe… thế nhưng, tất cả các sai phạm diễn ra ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” nêu trên của Công ty Cổ phần BEEPRO lại được chính quyền và lực lượng công an quận Nam Từ Liêm, phường Mễ Trì “ngó lơ” trong suốt một thời gian dài, làm ảnh đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây bức xúc dư luận và đơn vị được giao quản lý khu đất.
Công ty Cổ phần BEEPRO ngang nhiên chiếm dụng đất cây xanh, phá hoại, trộm cắp tài sản của Công ty Tu tạo để dựng lên bãi đỗ xe trái phép trên đường Phạm Hùng.

Dự án Xây dựng Khu đô thị mới Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) được UBND Thành phố Hà Nội giao cho Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội (Công ty Tu tạo) làm chủ đầu tư từ năm 2002.

Thực hiện chỉ đạo của UBND phường Mễ Trì tại Thông báo số 1518/TB-UBND ngày 05/9/2018 và Thông báo số 1715/TB-UBND ngày 28/9/2018 của UBND phường Mễ Trì, Công ty Tu tạo đã tiến hành cho rào tôn toàn bộ dải đất quy hoạch làm hàng lang cây xanh cách ly tại mặt đường Phạm Hùng để chống lấn chiếm và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật dự án (Khu vực phía trước Tòa nhà Tvad – VTV, số 8 Phạm Hùng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

 

Bãi xe đỗ xe tự phát của Công ty BEEPRO tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, môi trường nhưng không được các chính quyền quận Nam Từ Liêm, phường Mễ Trì xử lý dứt điểm.

Tháng 1/2019, Công ty Tu tạo đã giao cho Công ty TNHH Quản lý nhà và đô thị CTP số 6 (CTP số 6) là đơn vị trực thuộc để thực hiện quản lý, bảo vệ hàng rào chống tái lấn chiếm. Thế nhưng, ngày 17/4/2019, qua kiểm tra, Công ty CTP số 6 đã phát hiện Công ty Cổ phần BEEPRO cho một số đối tượng “xã hội” tự ý cắt rào tôn, mở cổng, chiếm giữ mặt bằng sử dụng tại khu vực hành lang cách lý cây xanh mặt đường Phạm Hùng và cho xe vào đỗ trên khu vực Công ty Tu tạo đang quản lý.

Sau khi sự việc xảy ra, Công ty Tu tạo đều có văn bản báo cáo UBND phường Mễ Trì, Công an phường Mễ Trì, đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần BEEPRO di chuyển công cụ, tài sản và trả lại mặt bằng ngay lập tức cho Công ty Tu tạo.

Tới ngày 28/6/2019, Công ty CTP số 6 đã tiến hành hàn kín lại toàn bộ toàn bộ khu vực hàng rào tôn có sự chứng kiến của đại diện UBND phường Mễ Trì.

Sự yên ổn “ngắn chẳng tày gang”, chỉ một ngày sau, Công ty Cổ phần BEEPRO lại thể hiện công nhiên, táo tợn khi cho một số đối tượng hung hãn, manh động phá dỡ hàng rào tôn vừa mới hàn lại, lắp dựng lại và đưa xe máy, ô tô vào khu vực nêu trên để trông giữ.

Vụ việc chỉ tạm thời vãn hồi khi Công ty CTP 6 phối hợp với UBND phường Mễ Trì, Công an phường Mễ Trì tiến hành hàn, khóa hàng rào bằng xích sắt và hàng rào barie của lực lượng công an.

Đỉnh điểm của sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng diễn ra gần đây nhất vào các ngày 27-28/6/2020 khi những đối tượng này tiếp tục thực hiện hành vi phá hoại, lấy cắp toàn bộ toàn bộ tài sản hàng rào tôn cao 2m với tổng chiều dài 137m. Thiệt hại tạm tính theo giá trị quyết toán của Công ty Tu tạo là gần 90 triệu đồng.

Điều đáng nói, với tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, lặp đi lặp lại nhiều lần có hệ thống của Công ty Cổ phần BEEPRO, gây thiệt hại lớn về tài sản mà Công ty Tu tạo phải gánh chịu nhưng phía cơ quan chức năng lại xử lý sự vụ rất hời hợt, “bình chân như vại”, chiếu lệ, chắp vá, không sâu sát, không xử lý dứt điểm.

Ghi nhận thực tế tại khu đất được quy hoạch làm dải cây xanh, bãi xe không phép của Công ty Cổ phần BEEPRO ngang nhiên hoạt động đã gây rất nhiều bức xúc đối với người dân. Việc biến tướng cả nghìn m2 đất công thành bãi trông xe không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến môi trường và giao thông…

Qua quan sát, có thể thấy tại bãi xe do Công ty Cổ phần BEEPRO dựng lên đều có lều lán khung thép với sức chứa hàng trăm phương tiện các loại. Công ty Cổ phần BEEPRO đã biến nơi đây thành “đại bản doanh” Sàn giao dịch vận chuyển hành khách có tên Gonow. Mặc dù ghi nhận vào ban ngày nhưng có đến gần 20 xe ô tô được loại từ 12 đến 45 chỗ ngồi đang đậu đỗ tại đây.

Việc “biến tướng” dải đất cây xanh thành bãi trông xe không phép không chỉ tước đi quyền được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh của người dân Khu đô thị Mễ Trì Hạ mà còn ảnh hướng tới đi lại của các phương tiện trên tuyến đường Phạm Hùng do đây là trục giao thông huyết mạch của Thủ đô, lượng xe ô tô, xe máy vào ra bãi xe liên tục khiến giao thông bị xung đột, đặc biệt vào giờ cao điểm tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Theo ông Đ. – một người dân sinh sống gần vị trí bãi xe không phép này bức xúc: “Bãi xe này hoạt động cả ngày lẫn đêm trong thời gian dài, mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe ôtô ra vào nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng vẫn không kiểm tra, xử lý dứt điểm”.

Cũng theo ông Đ., “Mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô ra vào tại đây, khiến khu vực này trở nên ồn ào, liên tục xảy ra tắc đường đặc biệt là lúc sáng sớm và buổi chiều vì có nhiều xe qua lại. Nếu xảy ra tình trạng cháy nổ thì không biết hậu quả sẽ khôn lường thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?. Phía chính quyền và lực lượng công an chỉ làm ráo riết được một vài buổi xong đâu lại đóng đấy. Nhiều khi vì bức xúc mà người dân đặt câu hỏi, chính quyền cơ sở đã ở đâu khi để Công ty Cổ phần BEEPRO làm loạn tại ô đất? Cơ quan chức năng “bất lực” hay có sự dung túng, “bảo kê” cho các sai phạm này?.

UBND Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội cần có những biện pháp hành động cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn, dẹp bỏ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần BEEPRO.

Là địa phương có Trung tâm Hội nghị Quốc gia nằm trên địa bàn, thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng mang tầm quốc gia và đợt cao điểm trấn áp tội phạm bảo vệ Đại hội XIII của Đảng thì rõ ràng, cách chính quyền và lực lượng lực công an quận Nam Từ Liêm và phường Mễ Trì xử trí “điểm nóng” về an ninh trật tự, an toàn xã hội nêu trên là rất chậm trễ và yếu kém.

Điều này còn làm dấy lên nghi vấn, có hay không sự “bảo kê”, “ngớ lơ” cho sai phạm của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng diễn ra trong vụ việc này? Tại sao vụ việc lấn chiếm đất công, vi phạm pháp luật về đất đai, lập bãi trông giữ xe trái phép diễn ra ngang nhiên ngay giữa thanh thiên, bạch nhật mà các cơ quan chức năng lại không kịp thời ngăn chặn, xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”? Vì sao hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản xác định được thiệt hại, các đối tượng chủ mưu, giúp sức tích cực, trực tiếp thực hiện nhưng lại không tiến hành xử lý kiên quyết, dứt điểm, đúng người, đúng tội? Trách nhiệm của UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an phường Mễ Trì trong vụ việc này là gì, những sai phạm đó sẽ được xử lý như thế nào trong khi chủ đầu tư là Công ty Tu tạo đang phải kêu “rát cổ, bỏng họng”, đơn thư khắp nơi để mong chờ sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng.

Nhằm tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bãi trông giữ phương tiện, điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí sai quy định, từ năm 2018 UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo rõ vấn đề này. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, nổi bật là: Các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND thành phố.

Cũng cần phải nói thêm, trong năm 2020, quận Nam Từ Liêm và phường Mễ Trì, Công an quận Nam Từ Liêm đã có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, đương kim Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường, Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm Thượng tá Nguyễn Thành Long hay Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Hứa Đức Minh đều là những cán bộ trẻ, trưởng thành từ cơ sở, thời gian công tác còn dài nên không thể tạo sức ì, xử lý chậm trễ trong công việc được. Dư luận và cử tri mong mỏi sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt, bài bản từ đồng chí Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì thì vụ việc gây bức xúc dư luận nêu trên sẽ được xử lý, giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất.

Đối với vụ việc Công ty Cổ phần BEEPRO ngang nhiên thách thức pháp luật và hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản của một số đối tượng, đề nghị Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền sớm chỉ đạo kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có). Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để bãi trông giữ xe trái phép ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Công ty Cổ phần BEEPRO cũng là doanh nghiệp được Thành phố Hà Nội thuê di dời 106 cây cổ thụ trên đường Kim Mã về vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và chăm sóc để "nhường" đất thi công dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Nhưng chỉ được một thời gian, số cây trên đã bị bỏ rơi, rất nhiều cây đã chết, cả tiền thuê đất của người dân cũng không thấy đâu.

Theo đó, năm 2016, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị (ĐSĐT) Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ là chủ đầu tư thực hiện dự án tuyến ĐSĐT thí điểm của thành phố đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3), tổ chức thi công dốc hạ ngầm tuyến trên cao đoạn từ đền Voi Phục đến ngã tư Kim Mã - Liễu Giai.

Tháng 8/2016, chủ đầu tư có đề nghị xin cấp phép dịch chuyển cây xanh. Ngày 18/8/2016, Sở Xây dựng đã cấp phép cho Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội dịch chuyển, chặt hạ 109 cây xanh. Trong đó, dịch chuyển 106 cây (gồm 103 cây phát triển bình thường nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng và 3 cây có dấu hiệu sâu mục cần dịch chuyển về vườn cây để chữa trị), chặt hạ 2 cây chết nằm trong chỉ giới xây dựng của công trình và cắt tỉa 1 cây có cành vươn vướng vào mặt bằng thi công dự án.

Trong quyết định, Sở Xây dựng đã giao cho BEEPRO thực hiện việc dịch chuyển. Trong thời gian thực hiện việc dịch chuyển (từ tháng 9/2016 đến khi kết thúc), Sở Xây dựng, Ban Quản lý ĐSĐT, UBND quận Ba Đình, UBND phường Ngọc Khánh sẽ giám sát, xác nhận chủng loại và có nghiên cứu phương thức đánh chuyển di dời. Số cây này đã được BEEPRO di dời về Vườn ươm xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) để tái sinh và chăm sóc.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1966), chủ đất của vườn ươm xã Đa Tốn đã tố Công ty BEEPRO bỏ mặc, không chăm sóc số cây xanh này nữa, nhiều cây đã bị chết khô. Ông cho biết, sau khi chuyển đủ số cây xanh về đây, BEEPRO có thuê một người dân ở Hưng Yên về chăm sóc cây được khoảng hai tháng, từ đó đến nay thì không thấy có một ai của công ty quay lại.

Ông Hưng còn tố Công ty Beepro không thực hiện đúng hợp đồng thuê đất đã ký kết. Cụ thể, ngày 17/10/2016, Công ty BEEPRO đã ký hợp đồng thuê thửa đất có diện tích 3.000 m², thời hạn thuê đất là hai năm (từ ngày 2/11-2016 đến 2/11/2018), với giá 150 triệu đồng/năm và Beepro mới chỉ thực hiện thanh toán trả tiền thuê đất hết năm 2017. Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, kể từ năm 2018, ông đã có văn bản gửi Công ty BEEPRO đề nghị thanh toán theo hợp đồng đã ký kết, đồng thời hoàn trả mặt bằng theo nội dung hợp đồng. Vậy nhưng cho đến nay phía công ty vẫn “biệt vô âm tín”.

Có mặt tại vườn ươm xã Đa Tốn, chúng tôi đã đếm sơ bộ, có khoảng hơn 30 cây xanh đã bị chết, vỏ cây bị bong từng mảng lớn, cỏ mọc um tùm cao hơn đầu gối. Trong số cây bị chết có hai cây xà cừ lớn, còn lại là các cây như phượng, hoa sữa, bằng lăng, xoan, muồng… Ông Hưng cho biết, hiện ông đang bị mắc kẹt với số cây ở đây, đã hơn ba năm BEEPRO không trả tiền thuê đất, nhưng ông cũng không thể phá bỏ hợp đồng đã ký kết, không thể tự ý chặt hạ số cây xanh kia để lấy lại mặt bằng. Bởi số cây xanh này thuộc quản lý của thành phố.

Chúng tôi đã liên hệ làm việc với công ty ở địa chỉ đăng ký kinh doanh và trên website công ty là số 99 đường Phạm Hùng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng tới đây lại chỉ là… một bãi đất trống. Địa chỉ của công ty trong hợp đồng thỏa thuận thuê đất với ông Nguyễn Văn Hưng tại số 20A, ngõ 177 Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là địa chỉ không có thật.

Tìm hiểu trên website của Công ty BEEPRO, hoạt động chính của công ty này là kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch, xe cưới hỏi… không phải lĩnh vực chăm sóc cây cảnh (!?).

Đó là chưa kể, thành phố Hà Nội đã phải tốn nhiều tỷ đồng thực hiện di dời cây xanh về Đa Tốn, nhưng số cây này lại bị bỏ rơi, thậm chí là bị chết, rất lãng phí. Trong khi mùa hè oi ả sắp đến, nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn rất thiếu những bóng cây lớn để xoa dịu cái nắng của mùa hè.

 

Phan Anh Tuấn

Nguồn tham khảo:

https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-vande/bo-roi-cay-xanh-580314

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều