Quận Nam Từ Liêm ồ ạt ban hành văn bản đền bù, giải phóng mặt bằng dịp cận Tết: Bài học an dân, lấy dân làm gốc

(Mặt trận) - Trước thềm Năm mới, đón Xuân Kỷ Hợi 2019, thay vì cảnh nô nức, vui vẻ như mọi năm, hàng chục hộ dân tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang “ngồi trên đống lửa”, chóng váng vì bỗng dưng rơi vào cảnh sắp mất đất, mất nhà khi ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ồ ạt ký ban hành hàng loạt văn bản thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ngay trong những ngày cuối năm.

Ngay trước Tết Nguyên đán, người dân tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ, tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng bàng hoàng nhận tin UBND quận Nam Từ Liêm thu đất của họ để GPMB triển khai dự án.

Dân bức xúc vì chính quyền thu đất, làm đường kiểu “lạ”

Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì được UBND thành phố Hà Nội quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu từ tháng 12/2014.

Dự án có chiều dài khoảng 800m, mặt cắt từ 30 - 48m do UBND quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư, dự kiến có mức kinh phí là 326 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách cấp từ nguồn thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Gần đây, nhiều hộ dân có đất thuộc dự án có đơn thư gửi tới chính quyền quận Nam Từ Liêm và thành phố Hà Nội cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, dự án có dấu hiệu lợi ích nhóm theo kiểu “tim người” điều khiển quy hoạch…?

Ông Phạm Văn Đạc, tổ dân phố 3 Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì cho rằng, việc xây dựng đường mới là rất cần thiết, góp phần giảm tải, chống ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế địa phương.

“Tuy nhiên, dự án làm đường với nhiều vấn đề khuất tất, thiếu minh bạch đã khiến cho người dân thất vọng và phẫn nộ. Theo như phương án hiện tại với bản đồ quy hoạch mà chúng tôi đã biết trước đây thì có sự khác biệt đáng kể. Có hay không “lợi ích nhóm” trong việc này khi dự án được thực hiện nhưng không lấy ý kiến nhân dân trong vùng quy hoạch, không công khai, minh bạch các giai đoạn thực hiện dự án theo đúng Luật Quy hoạch hiện hành?” - Ông Phạm Văn Đạc nói.

Đơn thư của người dân.

Theo phản ánh của người dân tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ, tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng, họ sinh sống liên tục từ nhiều đời nay tại đây, thậm chí có cả những hộ thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng nhưng chưa hề được phổ biến, chưa được bất cứ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tổ chức họp lấy ý kiến cho dự án trên.

Cũng theo người dân, chính việc không lấy ý kiến rộng rãi khi thực hiện đã khiến dự án tồn tại nhiều bất cập, vừa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, kinh tế, vừa gây lãng phí ngân sách cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ, việc đánh cong con đường đoạn từ cho Mễ Trì Hạ đi theo đường Ao Khoang đã lấy vào đất của dân đang sinh sống ổn định, trong khi phía đối diện là đất lưu không.

“Nhìn vào một phần bản đồ quy hoạch dự án, chúng tôi thấy rõ, bên phần đối diện với nhà chúng tôi là phần đất lưu không còn rất nhiều. Không hiểu vì lý do gì mà họ lại vẽ con đường đến chợ Mễ Trì Hạ thì bị đánh võng sang phần diện tích đã được cấp sổ đỏ của người dân.”, bà Nguyễn Thị Điệp - một người dân thuộc diện mất đất bức xúc cho biết.

Một dự án cho dù ý nghĩa thế nào nhưng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, sử dụng tiền ngân sách thì cần phải công khai, minh bạch và thực hiện đúng pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận từ người dân và các tổ chức xã hội. Không thể đùng một cái thích làm gì thì làm, càng không thể đùng một cái làm ảnh hưởng tới cuộc sống yên lành của người dân.

Cái Tết đắng cho hàng chục hộ dân Mễ Trì

Quyết định thu hồi đất do Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường ký ban hành.

Hiện nay, giá đất mua bán trên thị trường tại khu vực này tùy vào từng vị trí có giá dao động từ 120 - 200 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, theo phương án đã được công bố đến các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ cho Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì mà UBND, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Nam Từ Liêm đưa ra khiến nhiều hộ dân phải bật khóc bởi con số đền bù chỉ vọn vẹn từ 20 - 46 triệu đồng/m2 đất.

“Khi được hỏi vì sao đền bù giá rẻ thế thì đại diện quận Nam Từ Liêm trả lời là việc chi trả theo khung giá đất hiện hành. Rõ ràng, đây là điểm phi lý, bất công mà người dân chúng tôi đang phải gánh chịu. Họ nói đến đền bù giá đất như thế là nói theo kiểu đút chân gầm bàn mà làm chính sách. Bản thân tôi là người nhận chuyển nhượng bất động sản từ năm 2015. Trong khi vị trí chưa phải là tốt nhất, đẹp nhất đã phải chịu các loại mức thuế nộp ngân sách theo đơn giá mua bán, chuyển nhượng là 50 triệu đồng/m2 đất. Giữa trung tâm Hà Nội mà đền bù kiểu đó thì dân nào chịu được” - bà Lê Thị Nhiệm, người mua đất từ năm 2015 cho biết.

Mặt khác, tại một số hộ, mặc dù chung một dải đất, đều sử dụng ổn định, liên tục, không có tranh chấp từ trước ngày 15/10/1993, tuy nhiên, khi xây dựng phương án áp giá đến bù thì UBND, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Nam Từ Liêm lại chia ra thành nhiều loại đất như đất giao thông, thủy lợi do UBND phường quản lý để không phải thực hiện việc chi trả, đền bù.

Và nhiều hộ dù đã được giao đất giãn dân do Hợp tác xã Hồng Tiến cấp và thu tiền đất nhưng nay lại không được công nhận?

“Ngoài phần bồi thường thiếu diện tích đất, trên thực tế để thi công 1m2 nhà trên thị trường có mức giá từ 5 - 7 triệu đồng.  Nhưng đơn giá bồi thường áp dụng cho các công trình, vật dụng kiến trúc bằng 10% giá thực tế như hiện này là chưa phù hợp. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhà đất bị thu hồi” - bà Lê Thị Nhiệm nói.

Trả lời báo chí, đa số người dân đều cho rằng, để hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà nước, giảm tối đa thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống người dân mà vẫn đảm bảo lưu thông khu vực, dự án cần điều chỉnh cục bộ dự án theo hướng lấy đất chếch sang phần đất lưu không do UBND phường Mễ Trì quản lý về phía chợ Mễ Trì Hạ.

Theo khảo sát của phóng viên thì nhiều gia đình bám mặt ngõ này để làm nơi mưu sinh, kiếm sống hằng ngày. Bây giờ lấy đất làm đường thì nhiều người chưa biết làm gì để có thể tồn tại. Dự án đường công cộng, phục vụ dân sinh nhưng ở đây, nhiều hộ dân có nhà, đất nằm trong chỉ giới vạch đỏ của phường Mễ Trì được thành phố, quận phê duyệt thuộc diện có thể thu hồi phục vụ công tác giải phóng mặt bằng song người dân không hề hay biết, không được bàn mà hoàn toàn bị đẩy vào thế bị động.

Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã cận kề, đối với người Việt, Tết là ngày đoàn viên, là những khoảnh khắc thiêng liêng và được mong chờ nhất. Đạo lý, truyền thông của người Việt cũng tránh làm phiền ai dịp năm hết, Tết về.

Thế nhưng, nhiều người dân cho rằng, việc ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm liên tiếp ký ban hành hàng loạt văn bản thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ngay trước thêm Năm mới là hành động nhạy cảm, gây tâm lý bất an, hoang mang cho người dân.

Được biết, ngày 12/6/2018, UBND quận Nam Từ Liêm đã có Quyết định số 2240/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, phân công nhiệm vụ đối với ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách chỉ đạo triển khai thực hiện đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Người dân tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ, tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đề nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ trắng đen. Đồng thời làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến dự án do UBND quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư, mà trực tiếp là ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách chỉ đạo triển khai thực hiện đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Một là, trong Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng đều có quy định “Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng”.

Vậy dự án trên đã được lấy ý kiến nhân dân rộng rãi chưa, khi nào, được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao?

Hai là, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải công khai minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất.

Trong diện tích đất bị thu hồi của các hộ dân thì có nhiều hộ dân bị trừ diện tích mà UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng đất giao thông, thủy lợi. Vậy đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm giải đáp bằng văn bản cho người dân được biết, rằng đất giao thông, thủy lợi là đất gì? Dự án giao thông, thủy lợi thực hiện khi nào? Khi thực hiện các dự án trước đó có được thu hồi đất hay không?

Ba là, có hay không việc khuất tất, thiếu công bằng trong việc giải quyết quyền lợi của người dân trong công tác bồi thường, tái định cư?. Cụ thể, đến nay, nhiều hộ dân chưa nhận được dự thảo, bồi thường tái định cư. Vậy mà có hộ đã nhận được giấy mời họp lần 3 “tổ chức bắt thăm, lựa chọn ô đất tái định cư”.

Việc bồi thường còn diễn ra tùy hứng đến mức, nhiều hộ mất hàng trăm m2 đất, với nhiều nhận khẩu nhưng lại không được bố trí tái định cư.

Để bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, người dân đề nghị, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sớm cho kiểm tra, xem xét toàn bộ vụ việc và có biện pháp xử lý những sai phạm (nếu có) trong vụ việc trên để người dân sớm được ổn định cuộc sống.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Vân anh - 18:15 28/01/2019

Đề nghị làm rõ vấn đề trên, hiện tại dân ở đó nhiều năm rồi. Giá thị trường đất lên cao tại hà nội, mà trả dân giá bèo không bằng 1 cái trung cư cao cấp. Thì họ sống kiểu gì?

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều