Sẵn sàng đón nhận thời cơ, thuận lợi mới của năm Mậu Tuất

(Mặt trận) - Năm Đinh Dậu qua đi đã để lại trong lòng người Việt Nam không ít lo âu. Dự đoán của nhiều nhà khoa học cho rằng, Việt Nam là đất nước sẽ bị chịu hậu quả nặng nề của hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm dần lên đã trở thành sự thật. Mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, núi lở, đất sập, triều cường, rét đậm, rét hại trong phút chốc đã làm tiêu tan, xóa sạch cơ nghiệp của nhiều người dân ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Cùng với thiên tai, các tệ nạn lâm tặc, cát tặc… đã làm cho môi trường Việt Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với tâm trạng phân vân, lo lắng, nhiều người tự hỏi không biết Việt Nam có thể vượt qua được những tai họa khủng khiếp do thiên nhiên và con người tự gây ra cho mình hay không. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, mà những người lạc quan nhất cũng không thể dự đoán được trước. Việt Nam đã vượt qua được những thử thách, tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Vậy điều gì đã làm nên những thành tích kỳ diệu ấy?

Các nhà chuyên môn dự đoán, trong năm Mậu Tuất, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn. Ảnh VOV

Trước hết và trên hết là do những chính sách kinh tế đúng, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội đem lại. Đảng và Nhà nước đã xác định rõ quan điểm, nhận thức đúng về vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể và tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần. Với số vốn và cơ sở vật chất, kỹ thuật lớn nhất, nhưng hiệu quả kinh tế kém là điều bất cập của kinh tế quốc doanh. Đảng và Nhà nước đã thấy rõ hơn nhược điểm này và đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục.

Có một thời, kinh tế tư nhân bị phân biệt đối xử, kỳ thị, nay đã bắt đầu được coi là quan trọng. Chính sách chống vàng hóa và đôla hóa tiền đồng Việt Nam là chính sách rất có hiệu quả trong việc huy động tiền nhàn rỗi trong dân để phát triển sản xuất. Trước đây không lâu, người dân đua nhau đem tiền đồng đi mua vàng hoặc đổi đôla để tích trữ, thì nay không còn là vấn đề nóng của xã hội. Các bà nội trợ không còn cảm giác bị “mất cắp” vì tiền đồng mất giá. Xã hội sẽ trở nên cởi mở hơn khi động cơ, mục đích kinh tế được khơi thông và không còn bị những hạn chế, cấm đoán một cách võ đoán nữa. Đầu năm 2017, dự báo mức phát triển kinh tế trong năm của cả nước là 6,3%. Cho đến đầu quý III của năm, vẫn còn không ít người lo ngại rằng Việt Nam khó đạt được chỉ tiêu đề ra, nhưng thực tế mức phát triển trong cả năm đã đạt được 6,7%.

Tại Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận xét rằng: “Ngày nay nền kinh tế cởi mở của Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên trái đất. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 30 lần và các sinh viên Việt Nam nằm trong số những sinh viên giỏi nhất trên thế giới…” (trích diễn văn của Tổng thống Mỹ tại Diễn đàn APEC 2017).

Bài học rút ra là khi động cơ, mục đích kinh tế được khơi thông thì sự phát triển, thịnh vượng của xã hội sẽ nhanh hơn, cao hơn và có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Đây còn là quy luật phát triển của xã hội ở mọi thời đại.  

Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam. Với chính sách làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Ở tất cả các nước, giữa phái tả và phái hữu, giữa phái bảo thủ và cấp tiến thường có những mâu thuẫn lắm khi rất gay gắt, nhưng họ dễ dàng hợp tác với nhau trong việc ủng hộ Việt Nam. Việt Nam được các nước coi là đối tác tin cậy. Tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trên các diễn đàn quốc tế. Nổi bật nhất là, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017. Với vai trò chủ trì của Việt Nam, Hội nghị đã làm nổi bật lên những xu thế tất yếu của thời đại. Mở rộng giao lưu kinh tế trên cơ sở các bên đều bình đẳng và cùng có lợi, tự do đi lại trên biển, trên không là xu thế áp đảo tại Diễn đàn APEC 2017. Thành công về mặt đối ngoại của Việt Nam càng làm rõ thêm giá trị câu trả lời của Trần Hưng Đạo ở thế kỷ XIII với vua Trần về chính sách trị nước khi ông sắp lâm chung: “Hòa trong nước thì không cần quân điếu phạt (đàn áp), hòa với nước ngoài thì không phải dụng binh”.

Những thành tựu của năm 2017 còn do nhiều yếu tố khác, nhưng việc khai thông động cơ, mục đích kinh tế và đường lối đối ngoại rộng mở, làm bạn với tất cả các nước là những nguyên nhân cốt lõi làm cho xã hội Việt Nam trở nên năng động hơn. Trong năm 2017, đã có 120.000 xí nghiệp mới được thành lập. Nhân Hội nghị APEC, Việt Nam đã ký kết được 121 thỏa thuận kinh tế với nước ngoài có giá trị hơn 20 tỷ USD. Đây là những dấu hiệu chứng tỏ xã hội Việt Nam đã khởi sắc. Trên cơ sở những thành tựu trong năm Đinh Dậu, nhân dân Việt Nam tin rằng đất nước sẽ tiến nhanh, tiến mạnh hơn trong năm Mậu Tuất.

Việc khai thông động cơ, mục đích kinh tế và đường lối đối ngoại rộng mở, làm bạn với tất cả các nước là những nguyên nhân cốt lõi làm cho xã hội Việt Nam có sự phát triển ổn định và vượt qua được mọi biến cố. Thế của Việt Nam nay đã vững vàng hơn trước, nhưng lực của Việt Nam, cụ thể là nền kinh tế vẫn chưa đủ mạnh. Việt Nam được xếp là quốc gia có mức thu nhập trung bình. Nếu không nhanh chóng đưa Việt Nam phát triển thành quốc gia có mức thu nhập trung bình khá và sớm gia nhập danh sách các quốc gia phát triển thì khoảng cách tụt hậu sẽ bị nới rộng thêm. Sức mạnh quốc phòng, chính trị, ngoại giao,… của quốc gia, xét đến cùng, đều do sức mạnh kinh tế của đất nước quyết định. Vị thế cường quốc của nước Nga sa sút nghiêm trọng khi nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng. Nước Nga đã lấy lại vị thế cường quốc của mình khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ trở lại. Trong cuộc họp báo vào ngày 14/12/2017, Tổng thống Putin đã khẳng định: “Nước Nga của tương lai phải là một quốc gia “hiện đại” dựa trên những công nghệ cao và phải tăng trưởng nhiều lần nữa”. Bài học của nước Nga là bài học “nóng hổi” cho mọi quốc gia. Toàn Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam đang ra sức tìm tòi, phát huy sáng kiến, sửa đổi luật pháp, chính sách để thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục đích cơ bản nhất là đưa nền kinh tế nước ta phát triển một cách nhanh hơn, bền vững hơn và nhanh chóng khỏa lấp sự tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Trong năm 2017 có sự đổi mới đó là, các cơ quan nhà nước đã coi trọng và tăng cường đối thoại với nhân dân. Đó là những cuộc đối thoại giữa các bộ với các chủ thể chịu sự quản lý, giữa các cơ quan thuế vụ với các đối tượng nộp thuế, giữa cơ quan hải quan với các xí nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa, giữa nhân dân các vùng bị thu hồi đất với chính quyền… Qua các cuộc đối thoại, các bên đã tìm ra những quy định bất hợp lý trong chính sách, luật pháp và đề ra các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Điều này dẫn đến việc tiết kiệm đáng kể thời gian, sức lực, tiền bạc cho dân, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thương trường trong và ngoài nước. Điều đặc biệt quý là nó góp phần làm xã hội trở nên ổn định hơn.

Bên cạnh những thành tích nổi bật về mặt kinh tế và đối ngoại, Đảng và Nhà nước cũng đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng và nguyên nhân của một số yếu kém đang kìm hãm xã hội vươn lên những thành tựu cao hơn, đó là tệ nạn tham nhũng và tình trạng quan liêu, cồng kềnh của bộ máy nhà nước.

Nhân dân cảm nhận được rằng, quan điểm “không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng” đã bắt đầu được chứng minh bằng một số hành động cụ thể. Nhiều vụ án tham nhũng lớn mà những kẻ phạm tội là cán bộ cao cấp thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị đã được điều tra, xử lý. Tuy vậy, việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ làm cho tệ nạn tham nhũng diễn biến phức tạp chưa được sáng tỏ. Trên “phát” mà dưới vẫn chưa “động” là điều mà nhân dân còn thấy xảy ra ở nhiều cấp, nhiều địa phương. Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, lợi ích nhóm diễn ra ngày càng tinh vi. Qua các cuộc tiếp xúc của đại biểu dân cử với cử tri, nhân dân cả nước mong rằng, Đảng và Nhà nước cần đi sâu nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, làm cho những kẻ muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng. Không thể tham nhũng là điều cốt lõi của ba phương châm: không thể, không cần và không muốn tham nhũng.

Những hệ quả từ bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh, nặng nề, thiếu nhạy bén, năng động trong công tác quản lý cũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm khắc phục. Vào thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn có câu nói nổi tiếng rằng: “Có 10 con dê mà dùng đến 9 người chăn dắt thì chủ dê không còn thịt dê để ăn”. Ông dùng câu nói này để phê phán tình trạng cồng kềnh của bộ máy cai trị thời phong kiến. Ở nước ta có hiện tượng mỗi lần có chủ trương tinh giản biên chế thì biên chế lại phình to hơn. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, khoản chi thường xuyên cho bộ máy nhà nước chiếm 70% của ngân sách, trong đó chi cho tiền lương chiếm 47%. Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, nếu tinh giản được bộ máy nhà nước thì có thể hạ thấp khoản chi thường xuyên của bộ máy. Ngân sách sẽ có thêm tiền để phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng lương cho viên chức, tăng mức trợ cấp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Có một số chủ trương tinh giản biên chế đã được tiến hành thí điểm, nay được thực thi rộng hơn, như: Giảm bớt các cấp trung gian, giảm bớt cấp tổng cục, cục, phòng; giảm bớt cấp phó, hợp nhất các bộ phận phục vụ; đánh giá thành tích phục vụ theo kết quả thực tế, theo sự bằng lòng của dân; đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động quản lý nhà nước, áp dụng chế độ thi tuyển thay cho tuyển chọn… Chắc chắn còn nhiều biện pháp thực thi chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước sẽ được tìm ra và áp dụng.   

Tựu chung lại, trong năm Đinh Dậu, đất nước đã phải đương đầu với nhiều thử thách gay cấn, nhưng qua đó đã tạo ra được những tiền đề cho sự phát triển của năm Mậu Tuất. Trong rất nhiều chủ trương, chính sách đã áp dụng cho thấy, việc giải phóng động cơ, mục đích kinh tế khỏi những cấm đoán, cản trở một cách trái quy luật và ráo riết tinh giản biên chế bộ máy nhà nước là hai phương hướng cơ bản. Như cha ông ta đã nói: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”. Thông qua những kinh nghiệm của năm Đinh Dậu, chúng tôi tin tưởng rằng trong năm Mậu Tuất, đất nước sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.

Luật sư Lê Đức Tiết

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều