Sau 3 năm Chủ tịch Hà Nội ra “tối hậu thư” chấm dứt tình trạng “bảo kê”, tham nhũng vỉa hè: Bài học và hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý tại quận Cầu Giấy

(Mặt trận) - Đã hơn 3 năm kể từ ngày Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có bài phát biểu dậy sóng khi thẳng thắn nêu rõ hiện tượng "bảo kê", lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Từng đó thời gian, các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô dần được duy trì, đi vào nề nếp. Tuy nhiên, hiện nay, trên các tuyến phố Dương Đình Nghệ, Trung Kính, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang nở rộng trở lại, thậm chí xuất hiện các doanh nghiệp khai thác điểm đỗ, trông giữ xe ô tô dàn hàng 2, ép người dân đi bộ xuống lòng đường, để “trục lợi” trên vỉa hè.
 
Xe ô tô dừng, đỗ vô tội vạ trên vỉa hè phố Dương Đình Nghệ.

Thời gian qua, nhiều người dân trên phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy rất bức xúc bởi tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.

Tại các tuyến phố Trung Kính, Dương Đình Nghệ, các phương tiện ngang nhiên dừng đỗ trên vỉa hè, dười lòng gây nguy cơ ảnh tắc vào giờ cao điểm, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc di chuyển qua lại của người tham gia giao thông. Nhiều người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường để đi vì vỉa hè đã bị lấn chiếm.

Tại tuyến phố nêu trên, xuất hiện 2 đơn vị cắm biển khai thác dịch vụ trông giữ xe có thu phí là Công ty TNHH Hữu Đức Trí và Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch.

Tại điểm đỗ của Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch quản lý, một hàng dài xe ô tô nằm chình ình trên vỉa hè.

Điều đáng nói, ngoài việc sử dụng một phần lề đường để trông giữ xe ô tô thì hai đơn vị cho hàng loạt ô tô lên vỉa hè để thu phí trông giữ, thậm chí xuất hiện ô tô đậu hàng 2 trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố nói trên đã kéo dài nhiều năm nay, ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông. Chưa kể, việc tụ tập, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn.

Việc chính quyền địa phương là quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa buông lỏng, để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm bãi đỗ xe đã khiến người dân bức xúc.

 

 

Doanh nghiệp dựng tấm biển đỗ xe thu phí nhưng thường xuyên cho xe ô tô lên vỉa hè để trông giữ, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Khi thấy ô tô của khách xuất hiện, đối tượng này thường xuyên ra hiệu và hướng dẫn cho các xe lên vỉa hè để dừng đỗ.

Việc lấy vỉa hè làm bãi đỗ xe diễn ra ngay giữa ban ngày nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm giờ hành chính là khung giờ mà vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố nêu trên bị chiếm dụng nhiều nhất.

Xe ô tô đậu, đỗ tràn lan trên vỉa hè kéo dài từ đầu phố Dương Đình Nghệ (đoạn ngã tư các phố Dương Đình Nghệ, Trung Kính, Phạm Văn Bạch), khu vực trước tòa nhà Mobifone đến trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ. Ở chiều đường bên kia, vỉa hè đoạn qua trước Tổng cục Hải quan đến một số công trình đang được xây dựng.

Anh H.A (làm việc tại một đơn vị trên tuyến phố Dương Đình Nghệ) bức xúc: “Hằng ngày, khi thấy xe ô tô có nhu cầu dừng đỗ, đều xuất hiện một người đàn ông mặc trang phục màu xanh tiến lại gần, để chỉ trỏ chỗ đỗ xe. Tôi để ý thấy họ cắm biển Trung tâm Dịch vụ BĐS Newtatco - Điểm trông giữ ô tô có thu phí ghi theo số hiệu giấy phép của Sở Giao thông vận tải. Không rõ họ được cấp phép tắc thế nào chứ như vậy thì quá bất cập. Chỗ đỗ xe dưới lòng đường chưa đủ họ còn cho ô tô lên cả vỉa hè. Nhiều người đi bộ trên vỉa hè do không để ý đến khi xe ô tô đến sát người mới giật bắn mình, chưa kể nhiều người lái xe ẩu lao vun vút ô tô từ vỉa hè xuống đường, nguy hiểm lắm”.

Chị P. một cư dân sống gần đó cho biết, xe cộ dừng đỗ ngổn ngang trên vỉa hè bao lâu nay không thấy quận, phường kiểm tra xử lý. Nhà tôi có trẻ con mỗi lần đi trên vỉa hè đoạn này đều phát hoảng. Trẻ con rất nhỏ, người điều khiển phương tiện trên ô tô sao bao quát hết tầm nhìn được. Tôi để ý nhiều mẹ hoảng hồn khi dắt con đi bộ cùng lúc xe ô tô trên vỉa hè di chuyển. Thế nhưng, trách người lái xe một thì phải trách những người trông giữ trên vỉa hè phải mười. Sao bọn họ có thể đánh đổi tính mạng, sức khỏe của cả một con người, cả một gia đình chỉ để thu lợi, cho phép xe ô tô lên vỉa hè để trông giữ được nhưu vậy.

 

Tấm biển ghi bãi trông giữ xe của Công ty TNHH MTV Hữu Đức Trí dưới dòng chữ Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ ban hành ngày 13/11/2008, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi như họp chợ, mua, bán hàng hóa, tụ tập đông người trái phép trên đường bộ…

Nghị định 100/2019/NĐ - CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành ngày 30/12/2019 đưa ra mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

Tuyến đường Dương Đình Nghệ là trục giao thông lớn dẫn xe cộ từ đường Vành đai 3 vào nội đô, là nơi có nhiều trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, cũng như chung cư cao tầng nên nhu cầu gửi xe là rất lớn.

Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa được cấp phép trông giữ xe để chiếm dụng vỉa hè thành nơi dừng đỗ xe để thu phí, trục lợi.

 Chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chun tại buổi họp ngày 04/3/2017. Nguồn: VTCNews

Nhớ lại hồi tháng 3/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra những thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ để "bắt bệnh", dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè.

Cụ thể, ngày 4/3/2017, ông Nguyễn Đức Chung đã có bài phát biểu dậy sóng khi thẳng thắn nêu rõ hiện tượng "bảo kê" đứng sau quán bia vỉa hè, người nhà cán bộ đứng sau bãi giữ xe tại Hội nghị Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố

Thế nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, dường như nhiều lãnh đạo phường, xã “đã quên” chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Các địa phương dần buông lỏng, lơ là khiến nhiều đoạn vỉa bị tái lấn chiếm, chiếm dụng. Dấu hỏi nghi vấn bảo kê, chống lưng một lần lại được đặt ra.

Vậy nguồn lợi khủng từ việc trông giữ xe ô tô trái quy định trên vỉa hè đang chảy vào túi ai? Tại sao UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hòa, Thanh tra Giao thông, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự, Công an phường không có biện phép xử lý dứt điểm đối với tình trạng trên? Có hay không việc “bảo kê”, “chống lưng”, giúp cho hoạt động trông giữ xe bị biến tướng, thu lợi bất chính từ vỉa hè bị chiếm dụng? Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội ở đâu khi chỉ biết cấp kinh doanh điểm đỗ xe nhưng “buông lỏng” quản lý khiến vỉa hè bị chiếm dụng?

 

Một đoạn vỉa hè phố Trung Kính cũng bị người điều khiển ô tô chiếm dụng thành nơi đậu, đỗ xe.

Vậy đâu là giải pháp chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm điểm, bãi trong giữ xe.

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể (cụ thể ở đây là quận Cầu Giấy, phường Yên Hòa) tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm chắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thành phố về quản lý giao thông, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè thành điểm kinh doanh bãi đỗ xe trái phép.

Hai là, cần nâng cao trách trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền địa phương, lực lượng công an như Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, Trưởng Công an phường Yên Hòa trong việc xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi phạm và tái vi phạm trong việc trong giữ xe trên vỉa hè nhằm lập lại an ninh, trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn...

Ba là, đề nghị Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Giám đốc  Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm, rút giấy phép đối với các trường hợp cố tình vi phạm, trục lợi trên vỉa hè, thực hiện trông giữ xe ô tô trên vỉa hè sai quy định.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều