Sau loạt chỉ đạo của thành phố, quy hoạch Nam Từ Liêm “loạn vẫn loạn”: Bài học nhận diện từ phường Trung Văn

(Mặt trận) - Mặc dù lãnh đạo thành phố thường xuyên quan tâm, có chỉ đạo sát sao và các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm cũng không ít lần hứa hẹn, khẳng định sẽ tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Thế nhưng, cũng chính tại quận này, tình trạng sai phạm về trật tự xây dựng ngày càng nở rộ, trở thành “điểm nóng”, đặc biệt là dự án khu biệt thự - liền kề Bắc Hà-C37, phường Trung Văn.

Lối vào dự án C37 do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại Bắc Hà làm chủ đầu tư.

Dự án hỗn hợp nhà cao tầng, xen kẽ biệt thự - liền kề (Bắc Hà Tower-C37), do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương Mại Bắc Hà làm chủ đầu tư, được xây dựng trên khu đất đất có quy mô gần 24.000 m2, bao gồm các hạng mục nhà liên kề, nhà vườn, chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị.

Theo thiết kế ban đầu, kết cấu chung của khu biệt thự - liền kề C37 là các ngôi nhà được xây dựng cao 3 tầng, tum, với thiết kế mặt ngoài giống nhau.

Tuy nhiên hiện nay, tại dự án này xuất hiện hàng loạt các công trình được xây dựng có kiến trúc hoàn toàn “khác lạ” so với quy hoạch.

Sau khi dự án được triển khai và bàn giao đã xảy ra nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, biến tướng sử dụng đất và xây dựng, thế nhưng những sai phạm khủng tiếp tục “ung dung” tồn tại còn cấp chính quyền địa phương là UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Trung Văn vẫn “làm ngơ” cho các chủ hộ phá vỡ quy hoạch, cơi nới sai hồ sơ thiết kế được duyệt khiến bộ mặt của cả dự án bị “băm nát” không thương tiếc.

Trong đó, nhiều căn biệt thự, liền kề đang được sửa chữa rầm rộ ngay giữa ban ngày nhưng không hề thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý. Thực trạng xây dựng tại đây diễn ra như chốn vô pháp luật.

Trong khi theo quy định, việc xây dựng, sửa chữa tại khu đô thị mới phải được thi công theo đúng thiết kế đã được phê duyệt của cơ quan chức năng.

Ấy vậy, có mặt tại dự án C37 tại thời điểm này, PV ghi nhận được hàng loạt căn biệt đang vô tư đập phá, cơi nới, xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu, tự ý thay đổi kết cấu công trình, phá vỡ quy hoạch.

Thậm chí, có những công trình, tầng nóc của các ngôi nhà bị phá bỏ, nhường chỗ cho việc xây dựng thêm tầng. Có căn chủ sở hữu thay đổi công năng sử dụng, thiết kế gần như mới hoàn toàn.

Tầng cao, rào thép “mọc lên như nấm sau mưa” trước sự “bất lực” hoàn toàn của cả bộ máy công quyền từ UBND quận Nam Từ Liêm xuống đến phường Trung Văn.

 

Căn biệt thự số 24 dự án C37 Trung Văn bình an vô sự từ lúc xây dựng đến khi hoàn công.

Tại căn biệt thự số 24, đây có lẽ là căn có địa thế độc đắc bậc nhất của dự án vì thế chủ nhân của biệt thự này cho xây dựng, sửa chữa lại, tạo điểm nhấn chẳng giống căn nhà nào tại dự án.

Với kiến trúc lạc lõng, tùy tiện như trên cũng chẳng có gì khó hiểu khi dự án C37 Trung Văn không còn tính đồng bộ, cảnh quan chung của đô thị bị phá vỡ.

Cách đó không xa, tại biệt thự số 14, biệt thự số 3, các chủ hộ không ngần ngại phá đi phần mái cũ, thay đổi kiến trúc mặt ngoài của công trình.

 

Hai trong số rất nhiều công trình bị phá dỡ phần mái, thay đổi thiết kế bên ngoài.

Nổi cộm hơn, theo quan sát của phóng viên, cả một dãy nhà liền kề hầu hết đều cơi nới mở rộng diện tích phần sân của căn hộ, đáng chú ý, nhiều chủ sở hữu còn cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường, xây dựng vượt tầng, không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Suốt thời gian dài, công trình này thi công nhưng không hề bị chính quyền phường, quận “sờ gáy” và đến nay đã nhiều công trình đã thi công xong, hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Hạng mục thi công sai phép có thể ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu, khả năng chịu lực của tòa nhà cũng như sự an toàn các hộ dân xung quanh, thế nhưng các tốp công nhân vẫn đang thi công thoải mái, còn các công trình không hiểu sao vẫn được “lờ đi” để hoàn thiện tiếp.

Dãy nhà liền kề bị các chủ sở hữu lần chiếm toàn bộ phần, xe cộ để ngổn ngang trên vỉa hè.

Bằng mắt thường ai ai cũng có thể nhận thấy sai phạm nghiêm trọng tại các công trình, vậy tại sao UBND phường Trung Văn bị “bịt mắt, che tai” đối với những sai phạm này? Liệu có hay không tình trạng “bảo kê”, “chống lưng” cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan mà không bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý trên giấy?

UBND quận Nam Từ Liêm có xử lý dứt điểm, triệt để các sai phạm được không hay chỉ hô hào rồi “bắt cóc, bỏ đĩa”? Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm gì trong vụ việc này hay chủ đầu tư bán nhà xong là hết trách nhiệm? Động cơ nào khiến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, chậm xử lý? Giải pháp nào để kiên quyết chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong việc quản lý trật tự xây dựng, xử lý, khắc phục hậu quả?

Ngày 26/5/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Đây là chỉ thị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vi phạm trật tự xây dựng đang là thách thức lớn của Hà Nội và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn phải thực hiện.

Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn. 

Trả lời tại phiên chất vấn của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8/2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ 2016 đến nay, thành phố đã xử lý 18 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý vì liên đới trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng.

Cụ thể, các đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra, xử lý tới 18 cán bộ thuộc diện quản lý của Thành ủy, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch các quận/ huyện phụ trách trực tiếp; một số lãnh đạo sở ngành, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra...

Vậy tại sao, trái với sự quyết liệt của lãnh đạo UBND thành phố trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng thì ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, hoạt động quản lý trật tự xây dựng lại bị buông lỏng một cách kỳ lạ, khó kiểu đến như vậy? Điều gì bất thường nằm sau những vụ việc này hay chỉ đơn thuần là sự yếu kém trong công tác quản lý, chỉ đạo.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ làm việc với UBND phường Trung Văn để tìm hiểu thông tin, tuy nhiên sau rất nhiều ngày chờ đợi UBND phường vẫn né tránh việc làm việc với báo chí. 

Những công trình sở hữu chiều cao bất thường nhưng tại dự án C37 nhưng không hề bị xử lý hay cưỡng chế phá dỡ.

Trước những bất thường trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án C37 Trung Văn, đã đến lúc Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý dứt điểm vi phạm ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý những kiến nghị sau:

Một là, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch. Tất cả các hành vi vi phạm quy hoạch xây dựng phải bị đình chỉ ngay và được xử lý kịp thời theo các quy định của pháp luật.

Người có thẩm quyền quản lý quy hoạch xây dựng theo phân cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công việc quản lý được giao và phải bồi thường thiệt hại do các quyết định không đúng, không kịp thời, trái thẩm quyền gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Kiên quyết đình chỉ xây dựng, cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, xây dựng sai giấy phép, xây dựng không tuân thủ theo quy hoạch xây dựng.

Hai là, công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. UBND các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình. Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.

Ba là, HĐND, MTTQ các cấp đưa nội dung công tác giám sát việc thực hiện quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn vào chương trình công tác hằng năm. Khuyến khích MTTQ xây dựng cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.

Bốn là, thực hiện luân chuyển, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng. Trong trường hợp cần thiết, cần công khai hình thức xử lý, kỷ luật cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng sai phép, không để chủ đầu tư “lách luật” bằng hình thức “phạt cho tồn tại”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng, chây ỳ giải quyết đơn thư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm trong các bài viết tiếp theo.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều