Sự tùy tiện và trục lợi trong dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất: Dấu hiệu và biện pháp khắc phục

(Mặt trận) - Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong nông nghiệp. Thế nhưng tại xã thuần nông Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, từ nhiều năm nay, lợi dụng danh nghĩa dồn điền đổi thửa, hàng nghìn m2 đất trồng lúa đã bị biến tướng, cùng với đó một lượng lớn đất đai bị tích tụ trái pháp luật, xuất hiện các biểu hiện trục lợi, nằm trong vòng tay thao túng của nguyên lãnh đạo xã, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và công dân.

 Khu đất được ông Nguyễn Trọng Hỷ - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Việt Đoàn biến tướng chuyển sang đất trồng cây lâu năm.

Những bất cấp trong dồn điền đổi thửa

Vùng ruộng xứ đồng Cổng Đàng, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là vùng đất giao ổn định dài cấy lúa trồng màu. Tuy nhiên, từ những năm 2004, mặc dù chưa có sự chấp thuận, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, thế nhưng ông Nguyễn Trọng Hỷ - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Việt Đoàn đã thực hiện dồn điền đổi thửa, tự ý hoán cải hơn 5.400m2 đất giao trồng lúa lâu dài sang làm trang trại, trồng trọt cây lâu năm.

Về mặt pháp lý, quyền chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đào ao, hoặc trồng cây ăn quả của hộ gia đình được quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 như sau:

“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.”

Như vậy, ông Nguyễn Trọng Hỷ - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Việt Đoàn chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ đất trồng lúa sang hướng kinh tế trang trại thực chất là chuyển đổi mô hình sử dụng đất. Theo quy định thì khi chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp này phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà cụ thể ở đây chính là Ủy ban nhân dân huyện Tiên Du.

Trong trường hợp này, là đảng viên, nguyên lãnh đạo chủ chốt của xã Việt Đoàn, đáng lẽ ông Nguyễn Trọng Hỷ phải là người mẫu mực, đi tiên phong trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước thì lại có biểu hiện trục lợi từ đất đai, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất trong nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Hữu Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Việt Đoàn thừa nhận, việc ông Nguyễn Trọng Hỷ thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mục đích đất từ trồng lúa sang mô hình trang trại không phép, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt là có thật và đã diễn ra từ những năm 2003, 2004. Ông Hỷ cũng đã thu được không ít lợi ích kinh tế từ hai loại cây ăn quả là bưởi và cam đối với việc chuyển đổi trái pháp luật này. Thời gian trước, ông Hỷ có lập hồ sơ dự án, nhưng không được huyện chấp thuận. Hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương đưa dự án về khu vực đất nêu trên, đối với trường hợp của ông Hỷ, xã sẽ làm đúng theo quy định của pháp luật.

 

Bảng thống kê diện tích đất chuyển đổi sang đất trang trại.

Theo tìm hiểu, sự tùy tiện, dấu hiệu trục lợi của người dân cộng với sự yếu kém, thiếu quyết liệt trong xử lý sai phạm về đất đai của chính quyền địa phương đã để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng.  Cụ thể, việc ông Nguyễn Trọng Hỷ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không bị xử lý, nên khi triển khai quy hoạch thì chi phí bồi thường của doanh nghiệp đầu tư dự án sẽ vượt quá dự kiến ban đầu, từ đó ảnh hưởng đến tính bền vững của quy hoạch mới, làm chậm tiến độ triển khai dự án đầu tư, gây bức xúc cả cho nhà đầu tư và cơ quan chính quyền có trách nhiệm thu hồi đất.

Cũng cần phải nói thêm, tham nhũng đất đai diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến việc quan chức chỉ lo vun vén làm sao có lợi nhất cho bản thân và gia đình. Đáng chú ý, trong vụ việc này, “mầm mồng” trục lợi đất đai đã nảy sinh từ rất lâu, nhưng ông Nguyễn Trọng Hỷ vẫn ung dung tự tại leo lên đến chức Phó Bí thư Đảng ủy xã cho đến khi nghỉ công tác. Đến nay, cấp ủy và chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó nhấn mạnh, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời; tổ chức rà soát các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất mà theo quy định của pháp luật đất đai thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để chuyển sang thuê đất ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bản đồ địa chính khu đất.

Bài học xương máu cho công tác dồn điền đổi thửa

Sau hơn 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch mạnh mẽ, thoát ra khỏi tình trạng một nền kinh tế nông nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm từ 38% (năm 1986) xuống còn 16,32% (năm 2016). Trong khoảng thời gian đó, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp cũng giảm từ 72,9% xuống còn 41,9% tổng lao động xã hội. Ngay ở nông thôn, chỉ khoảng 49% số hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp (năm 2016). Do quy mô sản xuất nông nghiệp quá nhỏ, đóng góp của nông nghiệp trong tổng thu nhập của gia đình ngày càng giảm nên vai trò là tư liệu sản xuất quan trọng nhất của đất đã giảm sút đáng kể.

Trong bối cảnh ngày nay, đất nước đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, thế nên dồn điền đổi thửa vừa đảm bảo là “đòn bẩy” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nhưng không lỡ thời cơ thu hút các dự án công nghiệp - dịch vụ là bài toán khó đặt ra với nhiều địa phương. Vậy đâu là bài học xương máu cho công tác dồn điền đổi thửa?

Để tránh tình trạng lộng quyền và tùy tiện trong việc sử dụng đất đai thì việc xử lý các sai phạm về đất đai phải thực sự nghiêm minh và hiệu quả. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, có biện pháp triệt để thu hồi các khu đất bị chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tình trạng giao đất, cho thuê đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, do đó, ngay từ khâu xét duyệt dự án đầu tư có sử dụng đất hoặc hồ sơ xét duyệt nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất phải chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng, không vụ lợi cá nhân.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến UBND huyện Tiên Du tiếp tục tìm hiểu thông tin, làm rõ sự việc, tuy nhiên, ông Ngô Xuân Tính, Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện cho biết, huyện đang vào dịp Hội Lim nên lãnh đạo Huyện rất bận, chưa thể bố trí thời gian làm việc ngay. Đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía UBND huyện Tiên Du về vấn đề này.

Trước các dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trong vụ việc trên, đã đến lúc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND huyện Tiên Du cần khẩn trương vào cuộc tiếp tục làm rõ, xác định và xử lý trách nhiệm của các cán bộ, đối tượng có liên quan theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời công khai kết quả xử lý kiểm điểm cán bộ qua các thời kỳ để xảy ra tình trạng tiêu cực về đất đai dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và UBND huyện Tiên Du nói riêng đã và đang khiến dư luận và cử tri bức trong nhiều năm qua.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều