Thanh tra 38 dự án đất vàng chuyển mục đích sử dụng ở Hà Nội: Sai phạm về tài chính gần 4.000 tỉ đồng

Thiếu sót trong định giá, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, tiến độ nhiều dự án còn chậm... là những tồn tại, thiếu sót mà Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra khi thanh tra việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).

 TTCP xác định nhiều vi phạm khi thanh tra 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất công vị trí đắc địa tại Hà Nội (ảnh minh hoạ). Ảnh: K.H

Bất cập trong định giá, chủ đầu tư tự “cơi nới” chỉnh quy hoạch

Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4.9.2018 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ rõ những vấn đề tồn tại của 38 dự án chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, DN nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003-2016).

Cụ thể, liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất, TTCP cho rằng UBND TP.Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các DN 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Một số DN không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên số tiền thu về cho ngân sách thấp như Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án tại 365A Minh Khai; Dự án 167 Thụy Khuê; Dự án 69 Vũ Trọng Phụng; Dự án 47 Nguyễn Tuân; Dự án 108 Nguyễn Trãi, Dự án 44 Yên Phụ, Dự án tại 430 Cầu Am...

TTCP xác định đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát NSNN trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Dự án tại Lô đất C3 là một phần dự án Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn NSNN, nhưng năm 2009 UBND TP.Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá, vi phạm quy định.

TTCP cũng nhận định việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm và việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Việc kiểm tra 38 dự án cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Thực tế một số chủ đầu tư dự án không sử dụng các tầng kỹ thuật vào công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại văn phòng, dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử đụng đất, dẫn đến nhiều chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu NSNN.

Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa được chú trọng; việc thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch, tự ý điều chỉnh mục đích sử dụng đất, sử dụng không đúng công năng, mục đích, ảnh hưởng đến cộng đồng, gây thất thu NSNN.

Sai phạm tài chính tại 38 dự án lên tới gần 4.000 tỉ đồng

Không chỉ có vấn đề trong định giá, quy hoạch các dự án trong diện thanh tra còn có bất cập về tiến độ, sai phạm tài chính cũng như nợ đọng hàng trăm tỉ tiền thuế.

Cụ thể, trong số 38 dự án có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định nhưng chỉ có 1 dự án được UBND thành phố xác định tiền chậm tiến độ (Dự án 47 Nguyễn Tuân) với số tiền trên 13 tỉ đồng, còn lại 3 dự án UBND thành phố không thực hiện, gồm dự án tại 31 Láng Hạ, dự án tại 108 Nguyễn Trãi và dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum gây thất thu NSNN.

Việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với Dự án chuyển mục đích sử dụng đất không căn cứ vào các quy định về phương pháp xác định giá đất và khung các loại giá đất, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi NSNN bị thất thu số tiền lớn. Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền hơn 1.480 tỉ đồng.

Tiền sử dụng đất Dự án Trung tâm thương mại, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy, chủ đầu tư đã chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hằng năm sang hình thức giao đất có thu sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gây thất thoát tạm tính hơn 403 tỉ đồng.

Kiểm tra 38 dự án cho thấy tại thời điểm thanh tra có 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 1.951 tỉ đồng. Từ phát hiện của Đoàn thanh tra, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1.106 tỉ đồng và số tiền còn nợ đọng là hơn 844 tỉ đồng.

Ngoài ra, một số dự án còn “cơi nới” thêm diện tích so với quy hoạch khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép, khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định hay khởi công xây dựng khi được UBND TP.Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

TTCP cũng nhận định tổng số tiền sai phạm được phát hiện là hơn 3.974 tỉ đồng, trong đó có 1.480,302 tỉ đồng, tạm tính tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung, do UBND TP.Hà Nội khi tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đã nêu, rà soát, kiểm tra các dự án chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; có biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý các sai phạm theo thẩm quyển, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư dự án đang còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản thuế còn phải nộp về NSNN, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp không chấp hành.

TTCP kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, rà soát cụ thể để xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với các dự án do chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng; tự chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng không đúng công năng, mục đích; tính chưa đúng về tiền sử dụng đất các chủ đầu tư phải nộp; thu về ngân sách nhà nước và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị KHĐT, TNMT, Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, GTVT, Cục Thuế, UBND quận Long Biên, UBND quận Hoàng Mai, UBND quận Hai Bà Trưng kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan... 

Theo Khánh Hòa/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều