‘Thổi giá' kit xét nghiệm, 'ăn tiền’ lúc dịch bệnh là tình tiết tăng nặng?

Cơ quan điều tra vừa khởi tố Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến và nhiều đồng phạm khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
 Bộ kit test xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần (CP) công nghệ Việt Á.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), vụ án đang được điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao giá xét nghiệm COVID-19 tăng cao? Các đối tượng đã vi phạm pháp luật trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho việc xét nghiệm, làm giá cả đầu vào tăng cao, người xét nghiệm phải trả chi phí rất lớn. “Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, doanh nghiêp kiệt quệ, việc lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là hành vi đáng lên án, là hành vi tăng nặng trách nhiệm hình sự”, luật sư phân tích. 

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyển, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng. Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

"Số tiền hưởng lợi rất lớn, hành vi trục lợi trên nỗi sợ hãi, lo lắng của cộng đồng là rất đáng lên án. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc đưa nhận tiền trong những tình huống như thế này có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Đưa hối lộ, theo Điều 364, Bộ luật hình sự (BLHS) và tội 'Nhận hối lộ', theo Điều 354, BLHS hay không để tiếp tục xử lý các đối tượng này về tội Đưa hối lộ và tội Nhận hối lộ", luật sư Cường nhìn nhận. Với kết quả điều tra xác minh ban đầu cho thấy, đã có sự thông đồng giữa doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế đối với lãnh đạo ngành Y tế ở địa phương để doanh nghiệp đặc quyền, đặc lợi, được chỉ định thầu, doanh nghiệp này đã bán được số vật tư y tế.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với hành vi, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho Nhà nước số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù. Các bị can thực hiện vai trò giúp sức tích cực, hưởng lợi lớn cũng sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, các gói thầu "mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách" sẽ tiến hành chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu rộng rãi. "Tuy nhiên việc chỉ định thầu cũng phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông luật cho biết: Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được số tiền 30 tỷ đồng trên là tiền hối lộ, Giám đốc CDC Hải Dương nếu khắc phục hoàn toàn thì có thể không bị xử kịch khung. Tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021, người phạm tội tham ô tài sản nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. Ví dụ như hình phạt cao nhất của khung là tử hình thì sẽ không áp dụng hình phạt này.

Nhiều ý kiến cho rằng: Quá trình điều tra nếu cứ có căn cứ cho thấy các đối tượng còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, rửa tiền, trốn thuế... thì sẽ tiếp tục khởi tố thêm các tội danh khác và xử lý đối với các những người vi phạm theo quy định của pháp luật. Để xử lý những tồn tại liên quan, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng; cần có quy định về bên thứ ba có đủ năng lực, trình độ và thẩm quyền để kiểm tra giám sát các trường hợp đấu thầu, chỉ định thầu, quy trình thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu.

Công ty CP công nghệ Việt Á được thành lập năm 2007, có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh, với vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ 80 triệu đồng. Công ty Việt Á là công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử và tự giới thiệu có đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử.

Đây cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật Realtime PCR và lai phân tử. Những năm gần đây, Việt Á được biết tới là "ông lớn" trong ngành Dược tại Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đại trà bộ kit test nhanh tại Việt Nam.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều