Thủ đoạn hô biến rừng cây cổ thụ (Bài 2): Vào thủ phủ “bắt sống lão mộc tinh” từ rừng về nhà

Từ điều tra ban đầu của nhóm PV tại Hà Nội, chúng tôi đã vượt hàng nghìn cây số vào Tây Nguyên để lần theo đường đi của những "lão mộc tinh". Sau nhiều ngày thâm nhập, hành trình của cây cổ thụ từ rừng về vườn nhà dân dần hé lộ.

"Khai sinh hồ sơ" cho hàng trăm cây cổ thụ có tuổi đời trăm năm

Chúng tôi đi theo "đơn hàng" vào khu vực ven thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Thật bất ngờ trước các "rừng" cây cổ thụ ven Quốc lộ 14 (cũng là đường Hồ Chí Minh). Nhưng, sự "hoành tráng" đó vẫn chỉ là mặt tiền trưng bày thôi. 

Càng đi sâu, càng thân thiết, họ càng tiết lộ các "vườn ươm bí mật" khiến bất cứ ai cũng phải xót xa cho việc "bứng rừng" về, đẵn bỏ ngọn và thân (chỉ giữ lại độ 3-7m chiều cao), rồi dùng xích sắt trói buộc, cẩu gốc cây lớn đem đi ươm, "linh hồn của rừng già" sống lắt lay, có khi chết rục, mục ruỗng ở xó vườn nhà thương lái.

Chủ vườn thẳng đuột: "Xem các cây trị giá cả trăm triệu trưng bày ở rìa đường nhựa kia là được rồi. Chu vi gốc mấy người ôm. Bộ rễ và thân cây kì lạ chưa? Cổ thụ đến thế còn… muốn đến đâu nữa! Vì sợ anh là công an kinh tế hay nhà báo điều tra, nên tôi chưa cho xem….". 

Thế nhưng, bên trong các vườn ươm đại thụ bí mật, sự thật khốc liệt hơn nhiều.

Trong một vườn cây cổ thụ luôn có nhiều người chăm sóc, cắt ghép cành cho cây phát triển và ra hoa theo ý mình

Các chủ vườn cây cũng thẳng thắn đưa ra hết giấy tờ nguồn gốc các cây cổ thụ. Hồ sơ nào cũng có vẻ hợp lệ. "Đều như vắt chanh", sổ đỏ chủ đất, đơn trình bày về việc bán cây trong vườn của ai đó, xác nhận của cán bộ cơ sở về điều này. 

Những ông chủ toàn số điện thoại được dân "mê tín" coi là siêu đẹp, vườn ươm cây cổ thụ thì mênh mông toàn những loại cây vừa to về đường kính gốc, vừa muôn hình vạn trạng về thế cây, vừa được ghép đủ loại ti-gôn đang nở hoa tím rồi ướp ủ bao nhiêu là thuốc "dưỡng da cây", "kích thích nảy mầm ra lá", truyền dinh dưỡng cho cây.

Hình ảnh trớ trêu và đáng ngơ ngác nhất là các cây cổ thụ đứng như các chiến tướng vạm vỡ (đường kính 50cm đến hơn 1m, có khi gần 3m), nhưng tất cả đều "cụt đầu". Trên đỉnh của "cây" bị cắt cụt, bao giờ cũng có những người thợ đang ghép mầm các cây hoa vào để chúng "sống kí sinh" trên đó.

Những cây bằng lăng cổ thụ được ươm và rao bán ven quốc lộ 14 (đường HCM) đoạn qua thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Người chăm sóc "vỏ" cây để tạo hình, đồng thời ghép hoa lên cây như thế, họ cho biết: mỗi ngày được trả công 500 nghìn đồng. Nhưng nghề này nguy hiểm, vì suốt ngày như con khỉ leo trèo dọc thân cây siêu to khổng lồ, đỉnh cây đã bị cắt cụt, giữa cái nắng nổ nứa của Tây Nguyên. 

Một cây cổ thụ chắc khỏe và đẹp như thế, bán giá khoảng 30 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng (có khi cả tỷ đồng), nên các nghề đào cây, cẩu cây, chăm sóc cây đều theo đó mà "có đồng ra đồng vào".

Tại "vựa" cây Phượng Huỳnh, ven thành phố Pleiku, dọc Quốc lộ 14 từ Gia Lai đi Kon Tum, có một bà chủ trẻ đẹp lái ô tô láng cóng đón chúng tôi. Phố ồn ào. Xung quanh, xe cẩu chạy ầm ầm, cẩu các cái cây vĩ đại làm tắc cả một đoạn đường. 

Bà chủ răng gắn đá quý lấp lánh, trong tủ đông bán đủ loại cầy cáo, lợn rừng; ngoài vườn thì bát ngát cây cổ thụ, số điện thoại quảng bá gắn đỏ các gốc cây.

Trên zalo để công khai giao dịch bán hàng: đủ loại cây khổng lồ, chủ yếu là cây bằng lăng. Nhiều cây to như "cột chống trời", xe cẩu lớn đánh vật, buộc xích lớn cẩu về "vườn ươm", cẩu ra khỏi các quả đồi, các thung lũng, cẩu từ vườn đi bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Phượng công khai tất cả, vì Phượng tin là mình có đủ hồ sơ hợp lệ.

Bà chủ tên Phượng rất tự tin cho rằng có thể vận chuyển những cây gỗ cổ thụ này đến mọi nơi trên đất nước.

Phượng tiết lộ: "Em có rất nhiều các bộ hồ sơ mua cây từ rẫy nhà người ta. Xếp đầy trong tủ. Anh mua bao nhiêu cây, cẩu lên xe, em lo giấy tờ, bao sống (tức là cây chết được đền - PV), em lo cả xe tải đi nghìn rưởi cây số (1.500km) ra Hà Nội cho anh. 

Ngoài đó họ mua cây của em ầm ầm. Anh cứ chọn cây, em ngó xem cây đó to hay bé, ước chừng vừa hồ sơ nào em đưa cho anh cái hồ sơ đó. Cả núi hồ sơ".

Nói rồi, bà Phượng cùng chúng tôi vào nhà, bà ôm trong tủ ra một sấp hồ sơ nặng cả chục kg các loài giấy tờ. Từ bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến bảng kê lâm sản, đơn xin khai thác viết tay, đánh máy hoặc mẫu sẵn theo quy định của Nhà nước. 

Theo bà Phượng, với những "hồ sơ" vừa mới được khai sinh này thì gỗ cổ thụ của bà có thể đi bất cứ nơi đâu mà không bị bắt giữ, xử phạt hay vi phạm pháp luật Lâm nghiệp.

Những cây cổ thụ có thế dáng độc lạ luôn được các đối tượng phá rừng săn lùng

Đào cây cổ thụ từ rừng về "hô biến" thành cây vườn nhà trên đất có sổ đỏ

Cũng tại tỉnh Gia Lai, khu vực gần núi Hàm Rồng có một "vườn" cây cổ thụ rộng cả ha, bên trong trồng hàng trăm cây cổ thụ các loài, xe cẩu ra vào vận chuyển, công nhân chăm sóc, tưới tắm nườm nượp. 

Ngược tiếp quốc lộ về phía cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ - Gia Lai), đoạn qua huyện ChưPrông hai bên đường nhiều vườn ươm bằng lăng cổ thụ với đủ kích cỡ và thế dáng như đang cúi đầu chào khách vào mua hàng. Tìm hiểu của PV, tất cả cây cổ thụ đều được chuyển từ nơi khác đến vườn nhà có sổ đỏ để ươm trước khi bán.

Cây bằng lăng cổ thụ được ươm tại huyện ChưPrông, tỉnh Gia Lai

Cách đó không xa, tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, một người đàn ông tên N. (SN 1984), một chủ đào và buôn cây bằng lăng cổ thụ lâu năm, nói thẳng: "Cây em bứng từ rừng về. Dùng xe chở mang về đây, là thành cây trong rẫy của em. Em có sổ đỏ. Mai anh mua, em nhờ kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã chứng nhận em bứng cây vườn nhà bán cho anh. Thế là xong.

Khi những người có chức năng xác nhận đến cho họ mấy xị (mấy trăm nghìn) thì càng vui. Anh mang cây ra Bắc, ai thắc mắc bảo họ vào đây kiểm tra xác minh, hố em bứng cây bán cho anh vẫn còn đầy đây này. Trưa nay em mời kiểm lâm đến nhà em ngồi nhậu với anh, để cho anh tin là bọn em làm hồ sơ ngon thế nào".

Chúng tôi đã có mặt trong bữa tiệc đó, lời N. nói không sai tí nào. Một cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng xác nhận với nhóm PV về lời N., nói và bày cách cho PV đưa gỗ từ Tây Nguyên ra Hà Nội mà không bị thu giữ…

Cây bằng lăng cổ thụ được khai thác trái phép từ rừng về vườm ươm trước khi mời kiểm lâm và chính quyền đến xác nhận

Vị cán bộ kiểm lâm còn nói: "Các anh cứ yên tâm, em đảm bảo với các anh là chuyển cây cổ thụ ra Hà Nội được, chỉ sợ không có cây mà chuyển. Xưa nay người ta vẫn chuyển ầm ầm, nếu không muốn dễ bị phát hiện thì để cây trong container, xe đầu kéo phủ bạt kín, khi bị kiểm tra thì nói của người này, người kia… là đi được hết".

N., ngồi trên tấm phản gỗ có giá hàng trăm triệu đồng, phía sau là những tờ lịch của ngành kiểm lâm tặng được treo trang trọng trên cột nhà bằng gỗ, chỉ tay vào những bức tượng gỗ để quanh nhà từ nóc tủ đến cửa sổ.

N. nói: "Gỗ ở rừng là của rừng, nhưng khi về đến nhà mình là của mình, nhà em còn có cả xưởng gỗ, sau chế tác gỗ thành phẩm bày bán ngoài mặt đường Hồ Chí Minh. Những cây bằng lăng cổ thụ cũng thế, về đến vườn nhà mình, trồng vào đó, có sổ đỏ các anh kiểm lâm ở đây xác nhận là chuyển được. 

Nhưng nói thật là anh chưa mua thì cây chưa có giấy tờ gì cả đâu nhé. Anh mua em mới làm hồ sơ". 

Rồi N., nhìn các anh kiểm lâm cười khềnh khệch.

Một cây gỗ mà những người khai thác cho biết phải mất 3 ngày mới lấy được từ lâm trường về vườn để hợp thức hóa.

Theo tìm hiểu của PV, pháp luật quy định chỉ được bán cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ do tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tự gây trồng và cây có nguồn gốc nhập khẩu kinh doanh. 

Đó là nguyên tắc xuất khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ tại Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 39/2012/QĐ-TTg ngày 5/10/2012.

Văn bản trên cũng nêu rõ, hồ sơ vận chuyển, cất giữ, kinh doanh trong nước đối với các loại cây cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán, nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên của tổ chức xuất ra đều phải có hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại hoặc UBND cấp xã. 

Trường hợp do cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra phải có bảng cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có xác nhận của UBND cấp xã.

Cây bằng lăng cổ thụ đang được một số người dân khai thác trong rừng

Cây cổ thụ bao gồm những cây thân gỗ có cả rễ, thân, cành, có hoặc không có lá; có độ tuổi trên 50 năm hoặc đường kính thân cây tại vị trí 1,3m từ 50 cm trở lên. Cách nhận biết được tuổi thọ của cây dễ nhất là khoan ở vị trí cao 1,3m rồi đếm vòng là biết cây đã "sống" được bao nhiêu "tuổi đời".

Vận chuyển cây cổ thụ đi tiêu thụ

Theo Nhóm PV Điều tra/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều