Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và những quan chức giàu bất thường

Thứ trưởng Kim Thoa sở hữu tài sản hàng trăm tỷ đồng; nhiều quan chức giàu có bất thường… khiến lòng tin của người dân vào bộ máy quản lý suy giảm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương hôm 3/7 đã thẳng thắn nói rằng: “Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để tai tiếng do tham nhũng, lợi ích nhóm".

Cũng trong ngày 3/7, Uỷ ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận về những sai phạm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và một số cá nhân khác. Điều này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, nhưng cũng cho thấy một thực tế đáng buồn là nhiều cá nhân, nhóm lợi ích lũng đoạn đất nước, nếu muốn loại bỏ rất khó khăn.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Câu chuyện của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khiến nhiều người phải suy ngẫm về hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước và những thất thoát trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp này. Vốn, tài sản, chính sách ưu đãi… dành cho các DN này cuối cùng chỉ “béo” các cá nhân, lãnh đạo DN. Họ có thể thu lợi cho cá nhân số tiền lớn nhưng số tiền mà Nhà nước mất đi do bị thất thoát còn lớn hơn rất nhiều. Thêm vào đó, điều này còn làm cho cạnh tranh kinh tế bị méo mó, không minh bạch, không đúng với cơ chế thị trường. Hệ luỵ vô cùng lớn.

Vì đâu, một đất nước kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo còn cao mà số lượng cán bộ, công chức, lãnh đạo giàu có cỡ “khủng” lại nhiều đến thế? Lẽ ra, đất nước có nhiều người giàu chúng ta phải mừng mới đúng. Nhưng ngược lại, sự giàu có của nhóm người có quyền ấy lại khiến cả xã hội lo ngại! Bởi họ giàu có không phải từ tài năng quản lý hay trí tuệ, từ những hoạt động đầu tư làm ăn hiệu quả, từ sáng tạo trong sản xuất, dịch vụ… mà là trục lợi từ chính sách, từ lợi ích nhóm, từ tham nhũng.

Làm công chức không có nghĩa là phải sống kham khổ, đói rách. Quan chức trước tiên phải lo cho cuộc sống của mình khấm khá hơn. Với đồng lương công chức đúng nghĩa, với những bổng lộc do địa vị xã hội mang lại, họ có thể có cuộc sống đầy đủ hơn cộng đồng xung quanh. Nhưng nếu công chức giàu có một cách bất thường, giàu tới mức có tài sản trăm tỷ, giàu tới mức mà 7 đời làm trong cơ quan nhà nước cũng không dám mơ... thì lại là một dấu hỏi lớn. Bởi có rất nhiều quan chức, sau khi xây các loại biệt phủ, biệt thự, bị dư luận phản ứng, cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện ra hàng loạt sai phạm để trục lợi.

Họ giàu có từ đâu? Giàu có dựa trên sự trục lợi chính sách, chiếm đoạt tài nguyên của quốc gia, dân tộc. Cách làm giàu này không phải ai cũng có cơ hội làm được. Khi đất nước giao cho họ trọng trách, có địa vị, lẽ ra họ cần nỗ lực để xây dựng đất nước giàu mạnh, tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho những người dân lao động, những người nộp thuế để nuôi họ, thì ngược lại, họ lấy đó làm bàn đạp, làm cơ hội để chăm lo cho bản thân, gia đình, dòng họ của riêng mình.

Yêu cầu về kê khai, minh bạch tài sản đối với những người làm công tác quản lý Nhà nước đã được thực hiện nhiều năm qua. Thế nhưng thực tế đã khẳng định việc kê khai và công khai tài sản còn nửa vời, hình thức, chưa hiệu quả. Sau tất cả, người dân cần một sự minh bạch đúng nghĩa. Chỉ có minh bạch mới tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đủ tâm, tầm, tài điều hành đất nước. Khi đó, nền kinh tế, chính trị, xã hội mới thực sự vững mạnh và phát triển bền vững. Còn như hiện nay, biệt phủ càng to, tiền mặt càng “khủng” thì niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền càng suy giảm.

Theo An Nhi/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều