Tiết lộ lý do hồ sơ của Bộ trưởng Kim Tiến bị kết luận là “chưa chuẩn xác”

Sau khi làm việc với từng hội đồng ngành, từng ứng viên, tổ thanh tra độc lập của Bộ GDĐT đã để lại 41 hồ sơ trong số 95 hồ sơ cần rà soát. Phần lớn những hồ sơ bị để lại là do không có đủ minh chứng về giờ giảng dạy.

 Hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục bị để lại sau khi rà soát chức danh GS, PGS.

Chiều 2/4, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Bùi Văn Ga cho biết, kết luận thanh tra của Bộ GDĐT cho thấy, trong 95 hồ sơ ứng viên Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) được rà soát, có 41 hồ sơ chưa đủ điều kiện để công nhận. Trong đó có 30 hồ sơ chưa đạt chuẩn là của cán bộ thỉnh giảng và một số quan chức.

Lý do những hồ sơ này bị để lại là vì thiếu minh chứng về giờ giảng dạy.

Theo Quyết định 174 về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để minh chứng về giờ giảng dạy, ứng viên phải có hợp đồng giảng dạy, thanh lý hợp đồng, xác nhận của cơ sở giáo dục đại học. Tất cả ứng viên khi nộp hồ sơ đều kèm 3 chứng cứ ấy.

Những chứng cứ chi tiết như lịch dạy, thời khóa biểu, thời gian giảng dạy... ứng viên không phải nộp, nhưng vẫn cần chuẩn bị để khi có vấn đề gì phải trình đủ minh chứng cho thanh tra.

Hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nằm trong nhóm không có đủ minh chứng về điều này.

Chia sẻ với Lao Động, GS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành y tế - cho biết, kết thúc đợt rà soát, tổ công tác của thanh tra Bộ GDĐT đã kết luận có hồ sơ của Bộ trưởng Kim Tiến là “chưa chuẩn xác”, vì thiếu minh chứng về giảng dạy.

Cũng theo GS Phạm Gia Khánh, về tiêu chí giảng dạy, bà Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà tham gia giảng dạy, kiêm chủ nhiệm 2 môn Dịch tễ học dinh dưỡng và Dinh Dưỡng cộng đồng tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Vậy vì sao hồ sơ của Bộ trưởng Kim Tiến lại bị kết luận là “thiếu giờ giảng dạy”?

Theo GS Lê Danh Tuyên - Giám đốc viện Dinh dưỡng Quốc gia, đúng là Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang làm công tác giảng dạy kiêm chủ nhiệm 2 môn tại đây. Tuy nhiên, do chủ quan nên nhà trường và Bộ trưởng đã không làm hợp đồng giảng dạy, vì thế không có căn cứ để thanh lý hợp đồng, chứng minh được số tiết dạy…

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Bùi Văn Ga chia sẻ, nhiều giảng viên thỉnh giảng không lưu giữ những giấy tờ, chứng cứ chi tiết, nên rất đáng tiếc khi chưa đủ minh chứng để được công nhận đạt chuẩn GS. Vì thế từ những năm sau, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước sẽ hướng dẫn kỹ lưỡng các chứng từ cần lưu trữ, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Theo Đặng Chung - Huyên Nguyễn/Báo Lao động

Bình luận

NVC - 15:37 06/04/2018

Không có hợp đồng vậy có nhận thù lao, lương không và nếu có thì có đóng thuế thu nhập cá nhân không? Hãy minh bạch để công luận biết rõ. Đàng hoàng.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều