Tranh chấp đất đai phát sinh hệ lụy ảnh hưởng đến an ninh, trật tự: Bài học nhìn từ huyện Thanh Trì, Hà Nội

(Mặt trận) - Tranh chấp đất đai hiện đang là vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội ở nước ta. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn rườm rà, nguồn gốc lịch sử đất đai phức tạp, cơ chế giải quyết còn nhiều bất cập dẫn đến việc tranh chấp kéo dài. Tranh chấp đất đai không được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và kịp thời còn phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Lô đất D10-1-cụm sản xuất làng nghề tập trung, xã Tân Triều bị lấn chiếm, ngăn cản thi công, xây dựng làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Từ thực tiễn cụ thể của vụ việc tranh chấp đất đai tại huyện Thanh Trì cho thấy, nếu chậm trễ giải quyết sẽ làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, gây nhiều thiệt hại cho tổ chức sử dụng đất và tạo một tiền lệ xấu cho những hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật tương tự.

Theo phản ánh của ông Trần Quốc Tuấn (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là người được Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Anh Vũ ủy quyền hợp pháp cho biết, thời điểm tháng 11/2018, trong quá trình triển khai xây dựng, lắp đặt nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh tại vị trí lô đất D10-1-cụm sản xuất làng nghề tập trung, xã Tân Triều có diện tích 998,8m2 theo Giấy phép xây dựng do UBND huyện Thanh Trì cấp thì bị một nhóm người không rõ lai lịch, trong đó người tự xưng tên C. và T. đến ngăn cản, không cho tiếp tục việc thi công xây dựng với lý do đất có tranh chấp.

 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CI909859, số vào sổ cấp GCN: CT 07249 cấp ngày 31/7/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội cấp cho Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Anh Vũ.

Khu đất tại địa chỉ D10-1-cụm sản xuất làng nghề tập trung, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì đã được Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Anh Vũ sở hữu và quản lý theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CI909859, số vào sổ cấp GCN: CT 07249 cấp ngày 31/7/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội.

Đến ngày 16/5/2020, sự việc diễn biến ở mức nghiêm trọng hơn khi người đàn ông tên T. dẫn đầu, kéo theo khoảng chục đối tượng xã hội khác đến có lời lẽ thiếu chuẩn mực, tự ý lấn chiếm, quây tôn (khoảng 200m2) trên phần diện tích đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thương mại và Truyền thông Anh Vũ.

Vụ việc tranh chấp đã kéo dài hơn 2 năm nay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho doanh nghiệp. Trong khi hàng năm, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ.

Liên quan đến vụ việc này, Thượng tá Trần Văn Hóa - Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ký ban hành Phiếu chuyển tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố số 3655PC/VPCQCSĐT ngày 10/11/2020 gửi Công an huyện Thanh Trì để giải quyết theo quy định của pháp luật; Thông báo kết quả cho Tạp chí Mặt trận, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hà Nội và người có đơn biết.

Trao đổi với PV, một cán bộ Công an huyện Thanh Trì cho biết, vụ việc đã được Công an huyện tiếp nhận và đang trong giai đoạn xác minh.

Để tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức sử dụng đất, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi tương tự, đề nghị lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội, Công an huyện Thanh Trì có chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng (nếu có) để tạo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Hai là, nếu tranh chấp đất đai không được quan tâm, xử lý kịp thời sẽ phát sinh nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến tình hinh an ninh, trật tự, do đó, UBND các cấp và các cơ quan chức năng cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động, hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai; có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường, quản lý nhà nước về đất đai; bảo đảm ổn định tình hình địa phương.

Ba là, đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai cần phải được thực hiện một cách khoa học, đầy đủ, bảo đảm xây dựng một hệ thống pháp luật về đất đai hoàn chỉnh, toàn diện, bao quát các vấn đề liên quan, minh bạch về thông tin đất đai.

Mặt khác, tại Điều 203, Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp như sau:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

(1) Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

(2) Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều