Trị COVID-19 theo phác đồ trên mạng: Cẩn thận tiền mất tật mang

Nhiều cách thức điều trị COVID-19 thiếu cơ sở khoa học đang được lan truyền trên mạng xã hội. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên làm theo các hướng dẫn này vì không xuất phát từ thực tế cơ sở bệnh lý và không thể kiểm chứng về tính hiệu quả.
 Nhiều toa thuốc không có chỉ định của cơ sở y tế đang lan truyền trên mạng. Ảnh: Chụp màn hình
Tràn lan bài thuốc trên mạng

Theo ghi nhận, lợi dụng sự hoang mang, lo lắng về tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều tài khoản trên mạng xã hội đã đăng tải các phương pháp chữa bệnh trôi nổi, khiến không ít người tin theo. Điều đáng nói, các bài thuốc, phác đồ lan truyền này chưa hề được kiểm chứng hay xác nhận tính hiệu quả bởi cơ quan chức năng.

Mới đây, tài khoản mạng xã hội của một nữ diễn viên tên P.T đã gây xôn xao khi đăng tải thông tin có thể chữa được COVID-19 bằng giun đất. Thông tin trên fanpage với hơn 2,2 triệu lượt theo dõi của diễn viên này bỗng dưng được chia sẻ một cách chóng mặt...

Cũng theo ghi nhận của PV, trên các hội nhóm kín, dưới mỗi bài đăng hoang mang, hỏi han về tình hình dịch bệnh hay triệu chứng của COVID-19 luôn có các tài khoản chia sẻ về những phương pháp chữa bệnh kiểu truyền miệng. Một vài bài thuốc như “Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cafe giấm (con virus nấm nó sợ chua), xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hằng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp. Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục. Đeo khẩu trang khi ra đường, nhớ thoa dầu gió vào lỗ mũi. Chú ý: Loại virus này nó sợ nóng, sợ dầu nên thoa dầu, hít dầu nhiều lần”.

Hay có người còn bày cách kết hợp cả Đông lẫn Tây y khi đưa ra bài thuốc "ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Khi khó thở thì uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin".

Và trong nhiều ngày qua, ghi nhận cũng cho thấy, dù chưa có chỉ định từ bác sĩ hay cơ sở y tế, nhiều người dân vẫn tự ý mua các loại thuốc kháng đông, kháng viêm như: Rivaroxaban, Examethasone, Prednisolone... Việc săn lùng thuốc dẫn đến nhiều nhà thuốc rơi vào tình trạng khan hàng do nhu cầu cao đột biến.

Cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người dân nên cẩn trọng về những bài thuốc đang trôi nổi trên mạng. Những bài thuốc được lan truyền này không có căn cứ hay cơ sở khoa học, không xuất phát từ cơ sở thực tế bệnh lý nên không thể kiểm chứng về hiệu quả phòng, chữa bệnh.

Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) - khẳng định thay vì làm theo các bài thuốc trôi nổi trên mạng xã hội, người dân hãy tuân thủ và thực hiện theo các hướng dẫn được ngành Y tế đã công bố.

Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã ra văn bản về việc hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 cách ly tại nhà. Trong đó, các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus và các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định (riêng thuốc kháng virus sẽ có hướng dẫn sử dụng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế).

Đáng chú ý, chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: Người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Phía Sở Y tế cũng khuyến cáo F0 điều trị tại nhà cần mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang. Thường xuyên sát khuẩn tay, khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo... Đo thân nhiệt, nồng độ oxy trong máu (SpO2) tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "khai báo y tế điện tử".

 

Theo ĐÌNH TRƯỜNG
/Báo Lao động

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều