Từ câu chuyện 8B Lê Trực, ngẫm thấy những bất công trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Vừa qua Hà Nội lại “ồn ào” việc khởi động phá dỡ tầng 18 tòa nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, cũng thuộc quận Ba Đình, nhưng một vi phạm “khủng” khác tại mương Phan Kế Bính vẫn tồn tại dù đã có Kết luận có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từ năm 2017. Điều này khiến dư luận hoài nghi, có hay không sự “bao che” cho các công trình sai phạm tại mương Phan Kế Bình? Phải chăng Hà Nội đang thiếu công bằng trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng?
Mặc dù đã được kết luận từ 3 năm trước, nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa hoàn thành việc xử lý vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính.

Liên tiếp có chỉ đạo xử lý vi phạm

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình một lần nữa yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến mương thoát nước trên theo đúng nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các Văn bản số 609/TB-VPCP ngày 28/12/2017, số 10106/VPCP-V.I ngày 17/10/2018 và số 6960/VPCP-V.I ngày 6/8/2019 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2020.

Trước đó, tại Thông báo 609/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ: Theo quy định của pháp luật về đất đai thì mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, việc UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để “cống hóa” làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ, nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi “cống hóa” đã được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng, một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiến hành thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Tính từ năm 2017 đến nay, Phó Thủ tướng đã 3 lần có chỉ đạo liên quan đến sai phạm tại dự án cống hóa 2 mương thoát nước Phan Kế Bính và Nghĩa Đô. Và lần này là lần thứ 4 Phó Thủ tướng lại phải có ý kiến chỉ đạo. Tại chỉ đạo lần này, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2020.

Nhìn vào thực tế, dư luận phải đặt câu hỏi: Vì sao sai phạm đã rõ, nhưng suốt hơn 3 năm qua UBND quận Ba Đình cứ “loay hoay” trong việc xử lý? Điều này khiến dư luận hoài nghi, có hay không sự “bao che” cho các công trình sai phạm tại mương Phan Kế Bính?

Để các công trình vi phạm kéo dài, dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của chính quyền quận Ba Đình?

Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Trả lời về vấn đề này, UBND quận Ba Đình đã có Văn bản số 882/UBND-TTr gửi Báo Xây dựng. Văn bản viện dẫn: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Ba Đình đã tiến hành xử lý các sai phạm tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính theo quy định.

Đối với phần công trình xây dựng không phép (đã xử lý cưỡng chế xong): Căn cứ hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng, ngày 01/6/2018 UBND quận Ba Đình đã ban hành 04 Quyết định số 896/QĐ-UBND, số 897/QĐ-UBND, số 898/QĐ-UBND, số 899/QĐ-UBND) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính đối với 04 công trình xây dựng không phép do Công ty Cổ phần Đa Quốc gia xây dựng.

Ngày 11/06/2018, UBND quận Ba Đình đã ban hành 04 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (Quyết định số 951/QĐ-UBND, Quyết định số 952/QĐ-UBND, Quyết định số 953/QĐ-UBND, Quyết định số 954/QĐ-UBND).

Đến nay, công tác cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục, công trình vi phạm trật tự xây dựng không phép tại tuyến mương Phan Kế Bính đã hoàn thành, đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia cưỡng chế. Chủ đầu tư đã tổ chức thu dọn toàn bộ phế thải và đang sử dụng làm điểm trông giữ phương tiện giao thông.

Tuy nhiên hiện nay, trên dự án cống hóa mương Phan Kế Bính còn 02 khối nhà Showroom, văn phòng và các dịch vụ + Công trình Nhà dịch vụ phụ trợ đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tạm số 03/GPXD ngày 07/01/2009 cấp cho Công ty Cổ phần Đa Quốc Gia được phép xây dựng các công trình thuộc dự án “Cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ”, khi khởi công xây dựng từ khoảng năm 2010 chủ đầu tư đã thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Công trình nhà showroom: Đã đưa vào sử dụng trước năm 2012, hiện nay Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Dịch vụ Thành phố Xanh đang thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng Hải sản phố; Công trình nhà dịch vụ phụ trợ: Đã đưa vào sử dụng trước năm 2012. Hiện nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Pizza 4Ps đang thuê để kinh doanh..

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý: Đối tượng vi phạm hành chính là Công ty Cổ phần Đa Quốc Gia đã cho các đơn vị kinh doanh thuê và sử dụng từ nhiều năm nay và được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký địa điểm kinh doanh. Bên cạnh đó, Chủ đầu tư và các đơn vị kinh doanh không hợp tác và dẫn đến việc xử lý vi phạm rất phức tạp.

Việc xử lý phần công trình xây dựng sai phép nêu trên, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kết cấu, an toàn trong quá trình thi công tháo dỡ cũng như các bộ phận còn lại của công trình xây dựng.

UBND quận Ba Đình đã báo cáo, đề xuất UBND Thành phố phương án xử lý đối với phần công trình xây dựng sai phép: Tháo dỡ công trình xây dựng sai phép đồng thời khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng tuyến đường Phan Kế Bính theo Quyết định số 5802/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 UBND Thành phố có phê duyệt Dự án. Hiện nay đang thực hiện các bước trong quy trình giải phóng mặt bằng theo quy định.

Có lẽ, đây chỉ là những viện dẫn mang tính giải trình cho sự việc, bởi lẽ những vi phạm tại điểm đen mương Phan Kế Bính vẫn còn hiện hữu. Cũng ngay trên địa bàn quận, vừa qua lại rầm rộ việc phá dỡ phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự công bằng trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại quận Ba Đình?.

Theo Khánh Hòa/Báo Xây dựng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều