Từ vụ 7 công an ở TP HCM bị bắt nhớ lại vụ 7 công an Hà Nội và vấn nạn ma túy

7 công an một phường ở TP HCM vừa bị bắt và hơn chục năm trước, 7 công an ở 2 phường ở Hà Nội bị bắt cũng vì ma túy. Phải chăng, đó là một trong những lý do quan trọng khiến vấn nạn ma túy chưa thể thuyên giảm?
Trong ngày chất vấn đầu tiên hôm 6.11, đại biểu Quốc hội (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng đề cập đến hiện tượng mỗi dịp lễ tết, công an phường đi thu tiền của những người buôn bán ở phường. Về nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm một mặt khẳng định, nếu có thì cũng chỉ là trường hợp cá biệt, đồng thời "đề nghị ĐB Lưu Bình Nhưỡng, các ĐB khác, cử tri và nhân dân nếu phát hiện trường hợp công an tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an. Ở mọi cấp chúng tôi sẵn sang tiếp nhận thông tin đó để xác minh, đánh giá, xử lý kịp thời...". Bảo vệ quan điểm của mình, ông Nhưỡng đứng dậy nói tiếp, mới hôm qua, báo chí đăng tải việc 7 công an phường bị bắt vì liên quan đến ma túy, thì nói gì đến những tiêu cực như trên. 

Là phóng viên theo dõi nội chính nhiều năm, tôi vẫn sốc khi vụ 7 công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP HCM bị bắt chỉ cách đây vài ngày, vì cho "chìm xuồng" 2 vụ ma túy để lấy 240 triệu đồng và 2 chỉ vàng.

Từ trước đến nay, chưa có vụ án nào cả Trưởng và hai Phó phường và một số thuộc cấp của mình cùng đồng lõa tống tiến các đối tượng nghi vấn buôn bán ma túy một cách trắng trợn như vậy. Tôi muốn dùng từ "tống tiến", bởi nó rất đặc trưng cho cách tống tiến của những băng nhóm xã hội đen, dù rằng, họ bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Hai vụ án ma túy bị chìm xuồng này chỉ cách nhau 3 tháng, đây là hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất về tiêu cực trong lực lượng công an ở cấp cơ sở.

Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, nên vẫn chưa rõ lý do gì khiến vụ tống tiền này bị bại lộ, khi hai vụ án ma túy này đã diễn ra từ tháng 9 và 12/2019. Câu hỏi cần đặt ra, thời gian trước đó và năm 2020, liệu còn vụ án nào bị chìm xuồng nữa hay không và công an phường này phá được bao nhiêu vụ án để hoàn thành "chỉ tiêu"?

Ảnh minh họa của plo.vn.

Chúng tôi đề cập đến nội dung này bởi, vụ án này cho thấy, đây là địa bàn nóng bỏng về ma túy. Mặt khác, cách công an phường cho đối tượng mượn điện thoại để gọi người nhà mang tiền đến, cách chỉ cho đối tượng để tiền vào nhà vệ sinh mà không cầm trực tiếp tiền từ nghi can, cho thấy hành vi tống tiền của các cảnh sát này là rất tinh vi, có lang có lớp.

Khi đã cầm tiền của đối tượng, việc bắt tay sau đó giữa công an phường và các đối tượng để băng nhóm buôn cái chết trắng hoạt động mạnh mẽ hơn là chuyện đương nhiên.

 Minh chứng rõ nhất, năm 2006, Bộ Công an tung quân bắt băng nhóm ma túy buôn bán ma túy gần như công khai ở hai phường Thanh Nhàn và Quỳnh Lôi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong vụ án này, 7 công an ở hai phường này bị khởi tố về tội nhận hối lộ, trong đó có 2 Phó phường phụ trách hình sự. 

Chúng tôi nói việc bán lẻ ma túy gần như công khai bởi, những băng tư liệu của Cục Cảnh sát ma túy Bộ Công an đăng tải trên truyền hình cho thấy, các con nghiện lũ lượt đến mua bán giữa ban ngày qua ô cửa sổ. Trung bình mỗi ngày có cả trăm con nghiện qua căn nhà nhỏ trong ngõ để mua ma túy. Dư luận cả nước ngày đó kinh hoàng khi những clip đó được đăng tải. Để hoạt động được như vậy, những đối tượng buôn ma túy phải "nộp tô" trực tiếp cho cảnh sát khu vực mỗi ngày trung bình 300- 500 nghìn đồng, không kể những lần nộp trực tiếp cho lãnh đạo. 

Người dân càng sốc hơn, sau thời điểm phá các tụ điểm đó, vì con nghiện quá nhiều, lãi xuất khủng, các ổ buôn bán lại tiếp tục hoạt động ở công viên Thanh Nhàn. Tới mức, lực lượng công an phải lập các chốt chặn công khai ở các cửa ngõ đi vào công viên. Là nhà báo, nhưng cũng phải nhờ quen biết, tôi mới có thể lọt qua các trạm gác này để vào công viên. Dù có cảnh sát đi cùng, nhưng chứng kiến hình ảnh kim tiêm la liệt, những con nghiện vật vờ và không khí căng thẳng nơi đây khiến tôi không khỏi rùng mình.

Vậy mà, theo kết quả điều tra, hoạt động mua bán ở khu vực Thanh Nhàn diễn ra khoảng 5 năm. Một thời gian quá dài cho một tụ điểm ma túy công khai, nhưng công an quận Hai Bà Trưng và công an TP Hà Nội không phát hiện ra. Nếu Bộ Công an không vào cuộc, không biết diễn biến ở đây sẽ kéo dài bao lâu nữa. Quá kinh hoàng.

Và hiện nay, sau các vụ án liên quan tới Đường Nhuệ ở Thái Bình, đang tiếp tục "lộ sáng" những công an biến chất ở địa bàn. Điều đó cho thấy, chính những "ê kíp" công an biến chất mới đủ khả năng dung dưỡng, là "đất sống" cho các loại tội phạm.  

Những vụ án này phần nào lý giải, các vụ trộm cắp, cướp của giết người thường gắn liền với tội phạm ma túy ở một số địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp và nhức nhối. Hy vọng Bộ Công an sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội.

Mặt khác, việc bắt 7 cựu công an vừa qua chứng minh, không những không có chuyện dung túng, không bao che sai phạm trong lực lượng mà còn cho thấy, Công an TP HCM không ngại "vạch áo cho người xem lưng" khi khởi tố vụ án. Bởi nói gì thì nói, để thuộc cấp của mình phạm trọng tội, lãnh đạo công an quận, công an thành phố cũng có phần trách nhiệm không nhỏ.

Công an là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh trật tự cho xã hội. Sự bình yên của chúng ta là nỗ lực đêm ngày không ngơi nghỉ của các chiến sĩ công an. Nhưng chỉ cần một vài con sâu bỏ rầu nồi canh là đủ để làm xói mòn công sức những người đồng đội của họ. Chỉ có xử lý nghiêm minh những "con sâu" đó thì mới giữ vững bình yên cuộc sống và trọn vẹn lòng tin của nhân dân.

Theo Vương Hà/Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều