Vẫn “chỉ một người không trung thực”

1,1 triệu người kê khai tài sản chỉ 3 người thiếu trung thực. TPHCM 10 năm có 1 trường hợp kê khai tài sản không trung thực. Và hôm qua, tới lượt Hà Nội, có 1 trường hợp phát hiện không trung thực trong kê khai tài sản.

 Bảng công khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo huyện Kim Thành, Hải Dương. Ảnh: Soha.

Nói thêm, 1 trường hợp trong 34.340 trường hợp phải kê khai tài sản. Mở ngoặc thêm chút nữa, trong số 34.340 phải kê khai, có 34.234 người đã và 16 người chưa kê khai. Và đây là các số liệu về công khai bản kê khai: 25.253 bản, trong đó theo hình thức niêm yết 17.817 bản, theo hình thức công bố tại cuộc họp 17.436 bản.

Từ giác độ công bằng sẽ đặt ra mấy câu hỏi: Tại sao có người kê khai còn người khác thì “chưa”! Tại sao chỉ có hơn 25 ngàn người công khai còn gần 9 ngàn thì... chưa!

Nhưng cái lớn hơn, với “chỉ 1 người” tỉ lệ phát hiện “không trung thực” không thể biểu hiện bằng bất cứ con số % nào.

Nhớ lời Cục trưởng Cục PCTN Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt, ngay tại kỳ họp QH vừa rồi, có quan chức nào 4-5 nhà mà đứng tên mình đâu.

Lời ông Đạt là thực tế, là sự thật. Thật như sự bất lực trước thực tế: “Biết nhiều quan chức đưa tài sản cho người khác nhưng mình không thể làm gì được vì không có quy định. Những người được chuyển giao tài sản họ có phải đối tượng kê khai tài sản đâu mà hỏi. Họ nói tài sản đó họ làm ra, còn nếu làm sai thì các anh bắt đi. Làm sao mà bắt được!”. Và thật như chuyện “chỉ 1 người không trung thực”.

Vấn đề đằng sau những kết quả kê khai tài sản ở chỗ không phải chỉ có 1 người thiếu trung thực mà hệ thống, cơ chế kiểm soát tài sản, yếu tố tưởng như then chốt để phòng chống tham nhũng, gần như là bất lực trước tài sản thật của những người thuộc diện kiểm soát.

Bên cạnh câu chuyện “chỉ 1 người không trung thực” còn có thực tế là trong 10 năm qua, cả nước chỉ phát hiện 17 trường hợp không trung thực. Tức là nếu bình quân mỗi tỉnh/thành phát hiện 1 người thì còn có tới hơn 40 địa phương chưa hề phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Tất nhiên, không vì câu chuyện “chỉ 1 người” mà cực đoan đến mức bảo không cần chuyện kê khai tài sản. Vấn đề ở chỗ, cuộc chiến chống tham nhũng đang phải giải một bài toán quá khó: Hơn triệu người kê khai là quá rộng cho việc kiểm tra giám sát, nhưng lại chưa hề đủ khi “có quan chức nào 4-5 nhà mà đứng tên mình đâu” - như lời ông Đạt. Vấn đề ở chỗ cái gọi là công khai dường như chưa đủ để người dân có thể kiểm tra, giám sát.

Nhìn thấy vấn đề có nghĩa là nhìn ra đáp án. Và đáp án không gì khác chính là sự công khai để mỗi người dân đều có thể nhìn thấy.

Theo Anh Đào/Báo Lao động

kê khai tài sản

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều