Văn phòng Chính phủ chuyển Hà Nội giải quyết vụ người dân 8 năm mất đất làm đường vẫn chưa được tái định cư

(Mặt trận) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chuyển Hà Nội xem xét, giải quyết vụ việc sau hơn 8 năm, nhiều hộ dân thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư mở rộng và hoàn thiện đường Láng Hòa Lạc tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) vẫn chưa được bố trí chỗ tái định cư ổn định.

Ngày 04/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8370/VPCP-V.I gửi UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với đơn thư của ông Nguyễn Hữu Điều và một số hộ dân trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội phản ánh một số nội dung liên quan đến việc chậm trễ bố trí tái định cư cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng các nút giao Seagame, Phú Đô, Đại học Tây Nam, tỉnh lộ 70 thuộc Dự án đầu tư và hoàn thiện đường Láng Hòa Lạc, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, nay là phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

8 năm trôi qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi được đất đền bù.

Trước đó, Tạp chí Mặt trận đã có bài viết “Nam Từ Liêm, Hà Nội: Mất đất làm đường, người dân mòn mỏi chờ đợi tái định cư” phản ánh vụ việc, trong khi UBND quận Nam Từ Liêm “ than khó” trong công tác giải phóng mặt bằng để trả lại đất tái định cư cho người dân thì thời gian gần đây, tại những lô đất này liên tục “mọc lên” những công trình lều lán, quán nhậu… có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng.  Chính sự thờ ơ, vô cảm của các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm đã khiến 7 hộ dân, trong số đó có nhiều hộ thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, hiện đang sống trong cảnh lay lắt, tạm bợ suốt nhiều năm qua.

Năm 2008, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi 247.972m2 đất tại các xã Mễ Trì, Đại Mỗ, Tây Mỗ thuộc huyện Từ Liêm giao cho Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinaconex) xây dựng các nút giao Seagame, Phú Đô, Đại học Tây Nam, tỉnh lộ 70 thuộc dự án đầu tư mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc.

Khi triển khai dự án, UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) phải có trách nhiệm bố trí địa điểm di dân, tái định cư cho các hộ gia đình và cá nhân vào khu X1 thôn Phú Đô, xã Mễ Trì (nay là phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) để ổn định cuộc sống. Nguồn kinh phí, tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân mất đất phục vụ dự án do chủ đầu tư Vinaconex chi trả.

Trong đợt giải tỏa có 18 hộ dân tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm đã chấp nhận phương án bồi thường, nhận tiền đền bù, khấu trừ tiền bố trí tái định cư với Hội đồng BT, HT & Tái định cư huyện, thực hiện di dời khẩn trương, nhanh chóng để công trình trọng điểm quốc gia chào mừng 1.000 năm Thăng Long thi công đúng tiến độ.

Nhưng trái lại, dù dự án mở rộng và hoàn thiện nút giao thông Láng - Hòa Lạc tỉnh lộ 70 đã hoàn thành từ lâu; tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay còn 7 hộ dân mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng khi UBND huyện Từ Liêm, sau này là UBND quận Nam Từ Liêm ì ạch, trễ nải giao đất.

Thậm chí, từ tháng 1/2017, chủ đầu tư và các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm trốn tránh trách nhiệm thanh toán số tiền tạm cư ít ỏi hàng tháng, đẩy hàng chục nhân khẩu của tất cả các gia đình, trong số đó có gia đình là thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh và một số thuộc diện cận nghèo vào tình cảnh lay lắt, tạm bợ.

Quá bức xúc, những người dân mất đất tại phường Tây Mỗ đã nhiều lần đến gặp chính quyền quận Nam Từ Liêm và chủ đầu tư để đòi hỏi quyền lợi; tuy nhiên, sau nhiều năm, câu trả lời của UBND quận Nam Từ Liêm khiến các hộ dân không khỏi ngán ngẩm.

 

 

 

Văn bản trả lời công dân số 1075/UBND-BTGPMB ngày 04/7/2016 do ông Nguyễn Trọng Lượng – Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ký ban hành.

Tại văn bản trả lời công dân số 1075/UBND-BTGPMB ngày 04/7/2016, ông Nguyễn Trọng Lượng – Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm biện minh: Hiện nay tiến độ thực hiện công tác GPMB dự án khu tái định cư X1 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần nhiều thời gian để thực hiện, dẫn đến các hộ chưa được nhận đất tái định cư. Do vậy, để đảm bảo đời ổn định đời sống và sinh hoạt cho các hộ dân chưa được nhận đất, ngày 09/5/2015, UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức buổi làm việc với các hộ gia đình, cá nhân chưa được nhận đất tái định cư để giải quyết khó khăn vướng mắc và đưa ra phương án điều chuyển vị trí tái định cư từ khu X1 về khu tái định cư 1,9ha; khu tái định cư Đồng Me và khu tái định cư 7.3-8.1 để các hộ  cho ý kiến. Về việc này, UBND quân Nam Từ Liêm đã có tờ trình UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, sau nhiều năm ròng hứa hẹn, UBND quận Nam Từ Liêm lại cho người dân “ăn bánh vẽ”, bằng một loạt tờ trình xin ý kiến UBND thành phố và Sở, ngành liên quan về việc đề xuất địa điểm giao đất tái định cư; đồng thời tổ chức các buổi làm việc với các hộ gia đình chưa nhận được đất đền bù. Tiếp đến, UBND quận Nam Từ Liêm thông báo đợi có văn bản trả lời của UBND thành phố Hà Nội, sẽ mời các hộ dân để thống nhất giải quyết bố trí tái định cư.

Chưa hết, UBND quận Nam Từ Liêm còn trích dẫn báo cáo của chủ đầu tư Vinaconex cho biết, “… đến nay, dự án đã hoàn thành công tác GPMB và đã được chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010, do đó nguồn kinh phí để thực hiện công tác GPMB đã được quyết toán, hiện nay chủ đầu tư không còn nguồn vốn chi trả cho các hộ”.

Bỏ mặc người dân khắc khoải đợi chờ, UBND quận Nam Từ Liêm thông tin, Quận đã chỉ đạo BQL DA quận và các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án khu tái định cư X1 báo cáo UBND thành phố cho phép quận bố trí nguồn kinh phí còn thiếu để thực hiện tiếp dự án. Sau khi bố trí được nguồn vốn, UBND quận Nam Từ Liêm giao BQL DA quận bố trí kinh phí trả tiền tạm cư và phối hợp Chi cục Thuế quận hướng dẫn thay mặt các hộ gia đình kê khai nộp tiền sử dụng đất.

 

Khu đất tái định cư cho người dân, vậy nhưng UBND phường Phú Đô lại có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để cho sai phạm về trật tự quản lý đất đai, trật tự xây dựng hoành hành.

Việc chính quyền quận Nam Từ Liêm chậm trễ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất tái định cư sạch đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho người dân dẫn đến bức xúc, đơn thư khiếu kiện kéo dài tại địa phương. Và hậu quả của tình trạng chậm trễ, chây ỳ giao đất cho người dân là sự xuất hiện của các khu ổ chuột, xóm liều, xóm nhảy dù, xóm ma giữa lòng đô thị.

Bất chấp lời “than khó” từ ông Nguyễn Trọng Lượng, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, trên khu đất có ký hiệu X1, rộng hàng nghìn m2 mà đáng lẽ các hộ thuộc diện giải tỏa phải được nhận, thì UBND phường Phú Đô lại để phát sinh hàng loạt công trình lều lán, quán nhậu được quây tôn lụp xụp, tạm bợ, có dấu hiệu sai phạm quản lý về đất đai, trật tự xây dựng.

Người dân tái định cư phường Tây Mỗ bức xúc cho biết, do chậm triển khai, UBND quận Nam Từ Liêm chẳng những bỏ đất hoang lãng phí mà còn biến khu đất này thành là nơi trú ngụ của nhiều thành phần bất hảo, nghiện ngập, hút chích dạt về đây kiếm sống bằng những công việc không ổn định, gây mất an ninh trật tự, tạo ra “điểm đen” về tệ nạn xã hội. Để tiện cho mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ, những người này không ngần ngại lấn chiếm khu đất đã được xác định là đất bố trí tái định cư để dựng những căn nhà tồi tàn, nhếch nhác, tạm bợ, quây bạt, quây tôn nham nhở, chắp vá hình thành các bãi tập kết phế liệu, thu gom rác thải, đồng nát, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Quận ủy Quận Nam Từ Liêm đã có chỉ đạo và Văn phòng Quận ủy đã chuyển các hồ sơ tài liệu đến Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm xem xét, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết theo quy định, đồng thời thông báo kết quả giải quyết, có thông tin phản hồi đến Tạp chí Mặt trận.

Tuy nhiên, đến nay, UBND quận Nam Từ Liêm vẫn chưa có thông tin chính thức nào trả lời Tạp chí Mặt trận đối với vụ việc trên.

Câu chuyện người dân mất đất làm đường khiến họ mất đi sinh kế, chỗ ở ổn định nhưng vì cái chung, vì lợi ích cộng đồng đã buộc họ phải hi sinh.

Mong muốn có một chỗ tái định cư đáng lẽ là trách nhiệm của chính quyền với người dân, ấy vậy họ vẫn phải cạy cục, xin xỏ, gõ cửa từng nơi để được giải quyết; tuy nhiên mọi thứ vẫn chìm vào im lặng. Có thể thấy, quận Nam Từ Liêm đã thiếu sòng phẳng, vô vảm với người trong vụ việc này.

Để vụ việc tránh đi vào lối cũ, theo kiểu “đá bóng” trách nhiệm, “ra văn bản cho xong… rồi để đấy”, đã đến lúc, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, cùng các Sở, ngành liên quan có giải pháp nhằm khắc phục hậu quả, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều