Văn phòng Chính phủ đề nghị tỉnh Thái Nguyên giải quyết vụ việc thu hồi dự án Hồng Hưng

(Mặt trận) - Ngày 23/10/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 11261/VPCP-V.I làm rõ thông tin báo chí phản ánh, đồng thời chuyển đơn khiếu nại của Công ty TNHH Hồng Hưng (trụ sở tổ 23 phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) liên quan đến việc thu hồi dự án Hồng Hưng đến UBND tỉnh Thái Nguyên để được xem xét, giải quyết.

Văn bản của Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định và thông báo kết quả đến Tạp chí Mặt trận.

Nội dung văn bản nêu rõ: “Tạp chí Mặt trận có văn bản số 171/CV-TCMT ngày 10/10/2017 gửi Thủ tưóng Chính phủ chuyển kèm theo đơn của Công ty TNHH Hồng Hưng, trụ sở tại tổ 23, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên khiếu nại liên quan đến việc thu hồi dự án Hồng Hưng, tỉnh Thái Nguyên.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn nêu trên đến UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, giải quyết theo quy định và thông báo kết quả đến Tạp chí Mặt trận”.

Trước đó, Tạp chí Mặt trận đã có loạt bài phản ánh vụ việc Công ty TNHH Hồng Hưng (viết tắt là Công ty Hồng Hưng) dù đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên nhưng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì sự “o ép” của chính quyền địa phương.

Cụ thể, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy Chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng từ năm 2012 và có Quyết định giao đất vào năm 2013, Công ty Hồng Hưng đã hoàn tất các thủ tục hành chính, chuẩn bị đầy đủ kinh phí, đã thanh toán bồi thường đầy đủ tiền giải phóng mặt bằng, hợp đồng với các đơn vị thiết kế, thi công, cung cấp vật tư, lựa chọn nhà thầu… và đã làm lễ khởi công xây dựng.

Công việc tưởng chừng rất suôn sẻ, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo đúng tiến độ, hạch toán kinh doanh tốt là có một dự án thành công. Nhưng đến phút chót, dự án vấp phải trở ngại là cửa hàng bán xe máy Honda nằm “trái phép” trong đất dự án không chịu di dời, trả lại mặt bằng cho Công ty. Mặc dù, diện tích cửa hàng xe máy đang sử dụng là thuê lại của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi và đã hết hợp đồng. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi cũng đã nhận tiền đền bù để trả lại đất phục vụ dự án.

Ngày 19/2/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành văn bản số 282/UBND - TH về giải phóng mặt bằng cửa hàng xe máy Honda. Văn bản vừa ra chưa ráo mực thì ngày 10/3/2014 chính UBND tỉnh Thái Nguyên lại có văn bản số 451 về việc dừng thực hiện văn bản số 282 để chờ ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy theo Thông báo số 984-TB-TU.

Theo Thông báo này Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu giữ nguyên hiện trạng diện tích đất dự án vì lý do “an ninh chính trị như báo cáo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh”. Trải qua cả năm trời chờ đợi ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Tỉnh ủy Thái Nguyên, các kế hoạch thi công, cũng như dự toán chi phí vật liệu xây dựng đều phải hủy bỏ vì không phù hợp với thời điểm. Chủ đầu tư còn phải bồi thường cho các hợp đồng hợp tác với các nhà thầu… Thiệt hại nặng nề nhưng dự án còn thì chủ đầu tư vẫn còn hy vọng và tiếp tục khắc khoải chờ đợi.

Năm 2015, Thông báo của Tỉnh ủy Thái Nguyên nêu lý do dừng dự án vì “an ninh chính trị như báo cáo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh”.

Hai năm sau, lý do thu hồi dự án của Công ty Hồng Hưng đã được tỉnh Thái Nguyên “chuyển” thành “không phù hợp quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dù rằng, quy hoạch ấy được phê duyệt sau khi dự án được chấp thuận đầu tư đến 4 năm.

Hơn một năm sau, đến tháng 8/2015, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên mới ra thêm Thông báo 1964-TB-TU giao UBND tỉnh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn Hồng Hưng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định rõ các chi phí hợp pháp của Cty Hồng Hưng với Dự án, cho Cty thoái vốn do không thực hiện dự án.

Lúc này, doanh nghiệp đã bị đẩy đến đường cùng, cực chẳng đã ông Hưng đành phải làm đơn kêu cứu gửi tới Thủ tướng Chính phủ…

Nhận đơn, nhiều lần Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn yêu cầu tỉnh Thái Nguyên giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Hưng nhưng tỉnh vẫn phớt lờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, không chịu giải quyết dứt điểm.

Mới đây nhất, ngày 6/7/2017, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà một lần nữa gửi công văn yêu cầu tỉnh Thái Nguyên báo cáo cụ thể nội dung ảnh hưởng “an ninh chính trị” như thế nào, thời hạn trả lời trước ngày 15/8/2017.

Tuy nhiên, khi báo cáo Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã lờ đi không giải thích về thông báo tạm dừng vì lý do an ninh chính trị. Thay vào đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã nại ra một lý do khác để thu hồi: Dự án không phù hợp với quy hoạch theo Quyết định số 2486/QĐTTg ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên đến năm 2035; Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên (trong đó có tuyến đường giao thông đi qua toàn bộ diện tích đất 1.288 m2 của Dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ thương mại và khách sạn của Công ty Hồng Hưng).

Rõ ràng, việc UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Chính phủ rằng Dự án xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng của Công ty Hồng Hưng không phù hợp với quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ là không đúng sự thật.

Bởi lẽ, Quyết định 2486 phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng nêu rõ định hướng: “Thành phố Thái Nguyên phát triển hai bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị sinh thái, đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng: Trung tâm lịch sử hiện hữu; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng; các khu cải tạo nâng cấp; khu phát triển mới; khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc; khu vực du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao; khu dự trữ phát triển và nông nghiệp đô thị”.

Như vậy, Dự án xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng của Công ty Hồng Hưng nằm ven bờ sông Cầu là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển thương mại, dịch vụ theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2013, tỉnh Thái Nguyên đã điều chỉnh quy hoạch cục bộ điểm đấu nối đường Bắc Kạn và Thanh Niên để tạo điều kiện thực hiện dự án TTTM Hồng Hưng

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đối với những khu dân cư lịch sử hiện hữu tỉnh Thái Nguyên cần phải tôn trọng quy hoạch cũ từ năm 2005, chỉ được phép chỉnh trang đô thị để tránh quy hoạch chồng lên quy hoạch, gây thiệt hại cho nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên đã vin cớ thực hiện phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng, vẽ một con đường, xuyên qua Dự án của Cty Hồng Hưng mặc dù trước đó (ngày 13/3/2013), chính UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 468 về việc phê duyệt điều chỉnh điểm đấu nối đường Thanh Niên giao với đường Bắc Kạn tại tổ 23, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên với nội dung là: “Điều chỉnh điểm đấu nối đường Thanh Niên giao với đường Bắc Kạn từ vị trí giáp trạm xăng hiện có dịch chuyển về phía Đông Nam giáp với cống số 3 hiện có. Lý do điều chỉnh để thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Khách sạn Hồng Hưng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư”.

Quyết định này cho thấy quy hoạch con đường đã được lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhiệm kì trước phê duyệt và điểm đấu nối của đường sẽ nằm sát cạnh Dự án.

Vậy nhưng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhiệm kì trước càng quyết tâm triển khai dự án bao nhiêu thì lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhiệm kì này càng quyết tâm “thổi bay” dự án bấy nhiêu? Hết viện lý do an ninh chính trị, lại đến lý do không phù hợp quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí còn cố tình điều chỉnh lại cả quy hoạch đã được điều chỉnh để doanh nghiệp không thể thực hiện được dự án.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thu hồi và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty Hồng Hưng

Tại sao tỉnh Thái Nguyên lại làm vậy? Phải chăng là để trả đũa một doanh nghiệp đã dám khiếu nại việc làm sai trái của lãnh đạo tỉnh lên Trung ương? Hay là để khẳng định quyền lực “tối thượng” của một cá nhân nào đó đang nắm trong tay trọng trách? Cho dù với nguyên nhân, động cơ nào thì tỉnh Thái Nguyên cũng đang tạo một tiền lệ xấu o ép doanh nghiệp, khiến ông chủ của Công ty Hồng Hưng đã phải thốt lên rằng “Đáng sợ với môi trường đầu tư tại Thái Nguyên!”

Dù chưa chưa biết các hợp đồng BT sẽ được ký kết như thế nào nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn tạp điều kiện hết mức cho nhà đầu tư Phúc Lộc - CIENCO 8 phá đê, xây kè sông Cầu.

Điều doanh nghiệp Hồng Hưng “sợ” đầu tư tại Thái Nguyên cũng không phải là không có lý bởi trên thực tế tỉnh Thái Nguyên tìm mọi cách để “thổi bay” dự án của doanh nghiệp này dù nhà đầu tư đã chi phí rất nhiều tiền, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã xem xét thấu đáo và có sự đồng thuận cao. Trong khi đó, với sự có mặt của nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) chưa biết các hợp đồng BT sẽ được ký kết như thế nào, hiệu quả 9 dự án khủng do liên doanh này “ôm” ra sao nhưng địa phương đã “hết sức nhanh nhẹn” chi tiền GPMB, thậm chí “thả cửa” cho doanh nghiệp thi công dù dự án chưa đủ cơ sở pháp lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều