Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ Công an đề nghị làm rõ vụ xe Ranger Rover gây tai nạn bỏ trốn tại quận Hai Bà Trưng

(Mặt trận) - Đối với vụ việc nữ sinh bị xe Ranger Rover do Phạm Thế Duy (SN 1980) điều khiển gây tai nạn rồi bỏ trốn xảy ra tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội ngày 07/12/2018, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ Công an đã có văn bản chuyển Công an Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết.

Cháu Trần Lê Minh Trang nhập viện trong tình trạng bị chấn thương nặng.

Ngày 07/01/2019, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng đã ký ban hành văn bản số 145/VPCP-V.I chuyển đơn kiến nghị của ông Trần Văn Quân, bố của cháu Trần Lê Minh Trang (SN 1999, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) - nạn nhân của vụ tại nạn đến Công an Hà Nội.

Nội dung văn bản nêu: “Ngày 18/12/2018, cơ quan báo chí đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chuyển kèm theo đơn kiến nghị của ông Trần Văn Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn giao thông do xe màu trắng mang nhãn hiệu Ranger Rover vượt đèn đỏ gây ra vào hồi 23h30 ngày 07/12/2018 tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung báo chí phản ánh kèm theo đơn của ông Trần Văn Quân đến Công an Thành phố Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định”.

Tiếp đó, lãnh đạo Thanh tra Bộ Công an sau khi xem xét nội dung đơn của ông Trần Văn Quân: căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư số 68/2013/TT-BCA ngày 26/12/2013 của Bộ Công an hướng dẫn xử lý khiếu nại, khiếu kiện, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân đã chuyển đơn trên của ông Trần Văn Quân đến Giám đốc Công an thành phố Hà Nội để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chiếc xe Range Rover, biển kiểm soát 30A - 279.99 do Phạm Thế Duy (SN 1980, ở Quảng Ninh) gây tai nạn rồi bỏ trốn bị công an thu giữ.

Theo ông Trần Văn Quân - bố đẻ cháu Trần Lê Minh Trang cho biết, ông được Công an quận Hai Bà Trưng (đơn vị thụ lý vụ tai nạn) thông báo, chiếc xe Ranger Rover mang biển kiểm soát 30A - 279.99 do Phạm Thế Duy (SN 1980, tại Quảng Ninh) là người trực tiếp cầm lái sau khi vượt đèn đỏ rồi gây tại nạn cho con gái ông đã tăng ga, nhanh chóng bỏ chạy khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu giúp người bị nạn.

Đến nay, sau gần 3 tháng xảy ra vụ tai nạn, cháu Trần Lê Minh Trang dù đã được các y, bác sỹ điều trị tích cực, tuy nhiên, sức khỏe của cháu Trang còn rất yếu, tiềm ẩn các nguy cơ di chứng lâu dài về não kể cả khi đã được phẫu thuật.

Cũng theo ông Trần Văn Quân, “Ban đầu, xuất hiện đối tượng Nguyễn Mạnh Hồng (SN 1990, tại tỉnh Tuyên Quang) nhận thay là người gây ra tai nạn, tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng xác định được Phạm Thế Duy (SN 1980, ở tỉnh Quảng Ninh) là người trực tiếp điều khiển chiếc xe Range Rover mang biển kiểm soát 30A - 279.99 gây tai nạn cho con gái tôi. Qua đấu tranh, Duy đã thừa nhận toàn bộ hành vi”.

“Cơ quan công an đã thông báo cho gia đình được biết về kết quả giám định thương tật của cháu Trang là dưới 61% nên sẽ không khởi tố vụ án” - ông Quân nói.

Trong những ngày gần đây, biết được thông tin lại có xe Ranger Rover gây tai nạn rồi bỏ trốn cướp đi sinh mạng của 2 người trong đêm tối lại khiến sự bức xúc, nỗi đau xót của gia đình nạn nhận Trần Lê Minh Trang càng dâng trào.

“Đúng là có tiền mua được xe sang nhưng không mua được ý thức của “giới thượng lưu” giàu sổi, giờ với tôi và người tham gia giao thông có lẽ đây đã thành cơn ác mộng.

Thực lòng, tôi cũng muốn quên đi cho nhẹ lòng, để còn làm nhiều việc có ích khác cho mình và cho đời. Nhưng tối qua, có người thông báo về vụ Ranger Rover đâm chết 2 mạng người và bỏ chạy không vết tích ở Ba Đình, Hà Nội. Tôi bàng hoàng và nghĩ nhiều về sự loạn ẩu trong giao thông dường như vô phương vãn hồi, về những thân phận bé nhỏ không may bị những kẻ tha hóa nhân tính, đạo đức xuống cấp đâm phải.

Vụ con gái mình rành rành ra đó, đến nay đã sắp tròn 90 ngày rồi mà mọi thứ vẫn còn trong im lặng. Từ Văn phòng Chính phủ, giờ là Thanh tra Bộ Công an... gửi Công an thành phố Hà Nội hẳn hoi, mà xem ra chẳng động đến ao bèo.” - ông Quân bức xúc.

Qua câu chuyện xảy đến với gia đình mình và 2 vong linh đã tử nạn sớm được siêu thoát an lành, ông Trần Văn Quân mong các phóng viên, nhà báo, các luật sư cùng dư luận hết lòng vì công lý và khát vọng xây dựng một xã hội lành mạnh lên tiếng mạnh mẽ, không chỉ vì việc riêng xảy đến đối với gia ông Quân, mà hơn tất cả vì lẽ công bằng và sự bình yên cuộc sống.

Dù có công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Công an thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết nhưng xung quanh vụ tai nạn lại có những “vùng cấm” kỳ lạ đến khó kiểu.

Đến nay, ngoài 1 lần tiếp trực tiếp và một số lần trao đổi qua điện thoại với một cán bộ điều tra tên Nam, hiện gia đình cháu Trang chưa được cung cấp thông tin gì mới hơn.

Tiến trình điều tra, xử lý vụ việc được Cơ quan CSĐT quận Hai Bà Trưng thực hiện như thế nào? Lái xe Phạm Thế Duy là ai, có nhân thân ra sao? Thời điểm gây ra tai nạn, lái xe có sử dụng chất kích thích nào không? Các vấn đề pháp lý về giấy phép lái xe của người gây tai nạn, chủ sở hữu phương tiện gây tai nạn, tình tiết, diễn biến vụ tai nại diễn ra thế nào?

Sau khi tìm ra thủ phạm, đã nhiều lần PV liên hệ với Công an quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, một điều bất thường là cơ quan công an khá kiến tiếng mọi thông tin liên quan đến vụ việc.

Ngay cả khi trao đổi trực tiếp với cán bộ trực tiếp điều tra thì cũng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là vụ tại nạn đang trong quá trình điều tra, việc khởi hay không đang xem xét.

Những câu hỏi như trên gia đình cháu Trần Lê Minh Trang không hề hay biết, báo chí không được cung cấp thông tin.

Chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng nặng sau vụ tai nạn.

Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường là hành vi không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử trong văn hóa giao thông, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, vẫn còn rất nhiều người sau khi gây tai nạn, liền trốn khỏi hiện trường mà không cứu giúp người bị nạn, gây bức xúc trong dư luận.

Một lần nữa, trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc và tạo tính răn đe trong xã hội đối với những hành vi vi phạm pháp luật, gia đình nạn nhân Trần Lê Minh Trang mong muốn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội… quan tâm xem xét và có chỉ đạo kịp thời để giải quyết, xử lý nghiêm minh vụ tai nạn theo đúng quy định pháp luật; đồng thời công khai, minh bạch thông tin, kết quả điều tra xử lý cho gia đình nạn nhân, báo chí và dư luận được biết kết quả giải quyết.

Theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Khoản 17 điều 8 của Luật giao thông đường bộ cũng quy định bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm là một trong hành vi bị nghiêm cấm.

Đối với người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn, về xử lý hành chính, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị xử lý như sau: Đối với người điều khiển ô tô: mức phạt từ 05 - 06 triệu đồng; Đối với người điều khiển xe máy: mức phạt từ 02 - 03 triệu đồng; Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện: mức phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng. Ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên, người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn còn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông theo quy định của bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông được quy định là một tình tiết tăng nặng trong tội vi phạm quy định về tham gia giao thông. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 10 năm tù.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: … bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Ngoài ra, mức phạt tù còn đến mức 15 năm tù, theo quy định cụ thể...

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều