Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc: Lời kêu cứu của một cựu binh bị nhiễm chất độc màu da cam

(Mặt trận) - Vì nhắc nhở gia đình hàng xóm giữ gìn vệ sinh chung cho thôn xóm mà ông Bùi Tiến Phương - cựu chiến binh, nạn nhân nhiễm chất hóa học đã bị một số đối tượng hành hung, gây thương tích. Vụ việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, đã và đang gây bức xúc dư luận.

Ông Bùi Tiến Phương bị đánh nhập viện với nhiều thương tích.

Theo phản ánh của ông Bùi Tiến Phương (SN 1950), trú tại thôn Nội, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vào lúc 17 giờ ngày 2/9/2017, gia đình ông Bùi Văn Đ. (hàng xóm cạnh nhà ông Phương) có bơm nước bẩn, chấu xát gạo sang nhà Phương và cống thoát nước chung của thôn xóm. Thấy vậy, ông Phương có nhắc nhở gia đình ông Đ. không được làm như vậy vì ảnh hưởng đến vệ sinh chung của xóm, đặc biệt là nước bẩn tràn vào nhà ông Phương.

Tuy nhiên, không những không tiếp thu ý kiến tốt của ông Phương, gia đình ông Đ. đã chửi bới và đe doạ định hành hung ông Phương. Nhưng may mắn là có hàng xóm chứng kiến sự việc và can ngăn, nên sự việc đã dừng ở đó. Những tưởng va chạm lời qua tiếng lại thế là xong, không ngờ đến khoảng 23h30 cùng ngày, ông Bùi Văn Đ. đã lôi kéo một số đối tượng đi xe máy đến cổng nhà ông Phương rú ga to, đập cổng nhà ông Phương.

Thấy có người đập phá ngoài cổng, ông Phương đi ra vừa mở hé cổng thì một đối tượng lao thẳng xe máy vào người. Thấy có người chuẩn bị hành hung, ông Phương tránh được, thì ngay lập tức, một đối tượng khác từ phía sau dùng gạch đập thẳng vào mặt ông Phương. Ngoài ra, ông Bùi Văn Đ. và nhiều con cháu, anh em dùng gạch đá ném vào nhà ông Phương.

Rãnh thoát nước của xóm bị gia đình ông Bùi Văn Đ. xả nước bẩn. (Ảnh: NM)

Hậu quả của vụ việc bị đánh đập dã man, ông Bùi Tiến Phương đã được người thân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Theo kết quả được bệnh viện xác nhận, ông Phương bị chấn thương hàm mặt do xô xát.

Sự việc trên đã được gia đình ông Bùi Tiến Phương và người dân trình báo với Trưởng thôn nơi ông Phương sinh sống và các cấp chính quyền huyện Vĩnh Tường. Các cơ quan chức năng cũng đã đến hiện trường để lập biên bản xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Khiến gia đình nạn nhân của người có công với cách mạng và dư luận địa phương đặt câu hỏi, phải chăng có hay không sự bao che của chính quyền các cấp huyện Vĩnh Tường trong vụ việc này. Hay đây là vụ việc “quá nhỏ”, không đáng để các cơ quan chức năng địa phương để ý, giải quyết?

 Gia đình ông Phương thuộc gia đình nghèo, khó khăn của địa phương. (Ảnh: NM)

Tuy là gia đình chính sách, có công với cách mạng, nhưng gia cảnh của ông Phương hết sức khó khăn bởi 2 đứa con của ông Phương cũng bị nhiễm chất độc màu da cam do di truyền từ bố. Hiện tại, bà Lê Thị Cáy - vợ ông Bùi Văn Phương là lao động chính trong gia đình, ngày ngày vẫn vất vả lo toan, mưu sinh nuôi chồng và 2 đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam.

Trước những biến bất thường của vụ việc nêu trên bởi người bị hại là cựu chiến binh nhiễm chất độc hóa học, đã đến lúc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Lao động - Thương binh tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường cần vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc, có cơ chế, chính sách giúp đỡ gia đình có công với cách mạng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Công an huyện Vĩnh Tường cần sớm hoàn tất việc xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung, gây thương tích cho ông Bùi Văn Phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 104, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

 

Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều