“Virus trì trệ” làm phát sinh “điểm nóng” gây bức xúc ở Chí Linh, Hải Dương: Bài học quản lý và trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo địa phương

(Mặt trận) - Từ những số liệu sai, “lập lờ đánh lận con đen” mà UBND thành phố Chí Linh đệ trình nhiều cấp, ngành kí duyệt, thẩm định dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ đổ bể gói thầu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Điều này cho cho thấy, cách thức chỉ đạo điều hành, lề lối làm việc của bộ máy công quyền, trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo địa phương này đang rất có vấn đề.

Khu đất vừa đấu thầu triển khai Dự án xây dựng khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh. Ảnh: Báo TN&MT

Khi cấp dưới trình sai, đẩy cấp trên vào “thế khó”

Như đã thông tin, cuộc đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới tại Khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đang ở giai đoạn cao trào bỗng dưng “đứt gánh”. Việc thẩm định hồ sơ đấu thầu đã lọt “qua cửa” nhiều cấp ngành của tỉnh và thành phố Chí Linh, thậm chí đã trình đến Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái ký quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư nhưng vẫn để xảy ra sai sót rất nghiêm trọng khiến gói thầu đứng trước nguy cơ đổ bể.

Những sai phạm trong quá trình lập, trình, tham mưu, đề xuất của UBND thành phố Chí Linh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) tỉnh Hải Dương đối với Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới tại Khu phố Hưng Đạo không chỉ khiến lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh Hải Dương rơi vào thế kẹt vì đã trót “bút sa” vào nhiều văn bản, giấy tờ mà còn làm cho các nhà thầu bị “lạc đề”, ảnh hưởng tới kết quả bỏ thầu của một số doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Theo đó, từ những số liệu “lập lờ đánh lận con đen” được UBND thành phố Chí Linh đưa ra trong hồ sơ đầu thầu, được Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương thẩm định, làm tờ trình, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ký ban hành Quyết định số 498/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

 

Quyết định số 498/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ngày 31/01/2019 do ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kí ban hành.

Qua sơ tuyển, chọn lọc các nhà thầu có đủ điều kiện, năng lực tham gia dự thầu, Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã chọn ra 2 nhà thầu là: Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Đô thị HUD6 và Liên danh Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (Liên danh Việt Hân - Nam Quang).

Dự án khu dân cư mới phố Hưng Đạo có tổng diện tích quy hoạch 65.146 m2. Tổng mức đầu tư của dự án (tạm tính chưa bao gồm tiền sử dụng đất) là 82,054 tỷ đồng. Trong đó, phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB xây dựng Khu dân cư mới khu phố Hưng Đạo khoảng 18 tỷ 329 triệu đồng.

Theo hồ sơ mời thầu, về diện tích đất ở phải GPMB là 200 m2. Kinh phí bồi thường cho đất ở khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thực tế thì diện tích bồi thường đất ở của dự án không phải 200 m2.

Vậy nhưng, theo trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính của Văn phòng đăng ký QSDĐ TP Chí Linh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương phê duyệt thì phần đất ở đô thị (ODT) phải bồi thường, GPMB của dự án là 2.398,3 m2, liên quan tới trên 70 hộ dân, gấp gần 12 lần so với số liệu hồ sơ mời thầu và tổng số tiền phải đền bù chênh lệch khoảng 22 tỷ đồng so với hạng mục này trong hồ sơ mời thầu.

Như vậy, hồ sơ mời thầu đã mời thiếu 2.198.3 m2 đất ở so với thực tế. Vì vậy giá trị bồi thường GPMB do nhà đầu tư đề xuất sẽ không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lập hồ sơ đề xuất tài chính của nhà đầu tư. Rõ ràng số liệu trong hồ sơ mời thầu sai lệch với thực tế quá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, làm sai lệch giá trị bỏ thầu và kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ không chính xác. Không những thế, việc đưa ra số liệu đền bù đất ở ít hơn thực tế gần 12 lần sẽ làm thiệt hại cho nhà thầu, thất thu cho ngân sách nhà nước một khoản tiền không nhỏ.

 

Hồ sơ mời thầu do ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh ký ban một đằng, số liệu một nẻo khiến các doanh nghiệp bị “lạc đề”.

Khi được hỏi về vấn đề này, trả lời Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh, người ký vào hồ sơ mời thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu, phương án sơ bộ là như vậy, các đơn vị tham gia đấu thầu phải tự tìm hiểu, cân đối mà bỏ thầu.

Hỏi về việc có sự chênh lệch về diện tích đất ở phải đền bù quá lớn, thực tế như thế nào, ông Nguyễn Văn Cương từ chối trả lời báo chí. Ông Cương cho rằng đang trong thời gian chấm thầu nên chưa thể thông tin. Việc số liệu mời thầu thế nào do đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Sơn Thành thực hiện.

Hỏi về việc đưa ra diện tích đất ở phải đền bù quá ít so với thực tế sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ thầu không chính xác, UBND thành phố Chí Linh có cho kiểm tra, nếu không đúng có xử lý, đấu thầu lại?, ông Nguyễn Văn Cương trả lời về việc này  thành phố chỉ làm theo sự chỉ đạo của tỉnh(?).

Như vậy, câu trả lời của ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh có “phủi tay” trách nhiệm đối với những gì do chính ông này ký ban hành? Tại sao thay vì cầu thị, sòng phẳng trong mọi vấn đề, ông Nguyễn Văn Cương lại tìm cách đổ lỗi cho đơn vị tư vấn, rồi “đá quả bóng” lên cho UBND tỉnh Hải Dương phân xử?

Vậy đối với số liệu mời thầu do đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Sơn Thành thực hiện, ông Nguyễn Văn Cương có chỉ đạo các phòng, ban chức năng của thành phố kiểm tra, rà soát lại không? Hay ông Cương vì tin tưởng đơn vị tư vấn mà “nhắm mắt, phóng bút” thẳng tay ký vào hồ sơ mời thầu?

Đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh đã ký văn bản số 12/UBND-BQLDA ngày 08/01/2020 gửi Cục Quản lý đầu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỏi về tình huống “trớ trêu” mà cả hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương gặp phải khi mở túi đề xuất tài chính của các nhà thầu.

Tại văn bản, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh đã phải tính đến phương án hủy thầu khi thừa nhận nếu tiếp tục thực hiện tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có thể nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án. Cụ thể là không đáp ứng được về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cá nhân nào phải chịu trách nhiệm đối với nguy cơ lãng phí, sai phạm?

 

 

Văn bản số 135/QLĐT-PPP ngày 13/02/2020 của Cục Quản lý đầu thầu.

Tại văn bản số 135/QLĐT-PPP ngày 13/02/2020, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ KH&ĐT Vũ Quỳnh Lê đã có trả lời UBND thành phố Chí Linh, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương và chỉ ra trách nhiệm của các cấp ngành tỉnh Hải Dương khi để xảy ra sai sót nghiêm trọng trong quá trình mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư tại Dự án KDC mới tại khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh.

Theo đó, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt HSMT có sự sai sót khi để xảy ra sự không thống nhất giữa các cứ thực hiện (có 3 số liệu khác nhau) và tính thiếu diện tích đất ở, chi phí bồi thường, GPMB. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB; lập, thẩm định, phê duyệt HSMT. Đồng thời, phần diện tích tính thiếu có được coi là đất ở không và diện tích, chi phí bồi thường, GPMB chính xác là bao nhiêu cần được UBND tỉnh Hải Dương xác định trên cơ sở ý kiến tham mưu của cơ quan quản lý về đất đai, xây dựng.

Như vậy, trách nhiệm của Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương và UBND thành phố Chí Linh trong vụ việc này là gì? Quá trình lập, thẩm định, phát hành HSMT, đánh giá HSDT của UBND thành phố Chí Linh và đơn vị tư vấn lập HSMST là Công ty Cổ phần Sơn Thành diễn ra như thế nào?

Phải chăng đối với vụ việc này, UBND thành phố Chí Linh và Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương đang đẩy Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái vào thế khó, “tiến thì nhiều rào cản, dễ sai sót, lùi thì lãng phí về thời gian và chi phí”? Bên cạnh đó, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu hoặc quyết định hủy thầu và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình. Với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương khi tham mưu, lập Tờ trình, Báo cáo thẩm định đối với dự án đã để xảy ra sai sót?

Cán bộ, công chức phải là người thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết lắng nghe ý kiến của dân, cảm thông, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của nhân dân; biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân.

Trong thời gian qua, nhiều người đã nhắc đến tình trạng một số cán bộ “vô cảm” trước những vấn đề của người dân, đi ngược lại với chủ trương “xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, khiến cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội không hài lòng.

Cụ thể ở đây là tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tác phong. Biểu hiện cụ thể là tình trạng khiếu kiện vượt cấp còn diễn biến phức tạp, có nguyên nhân chủ yếu do cấp ủy, chính quyền cơ sở chậm nắm bắt tình hình, giải quyết không hiệu quả; những “phàn nàn” về bệnh quan liêu, cửa quyền vẫn chưa dứt hẳn.

Như vậy, biện pháp nào để giải quyết dứt điểm những vụ việc “rối như canh hẹ” tại thành phố Chí Linh, có lẽ không ai khác, ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cần có câu trả lời trước nhân dân và dư luận đối với vấn đề này.

Với sự xuất hiện, hoành hành của loại “virus trì trệ” tại thành phố Chí Linh, là lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Dương Thái cũng cần phải có biện pháp quyết liệt, đặt ra thời hạn cuối cùng và biện pháp xử lý những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm nếu như thuộc cấp vẫn cố tình chây ỳ.

Xa dân, thờ ơ vô cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên với dân là chuyện không mới, song nó luôn là vấn đề thời sự, bởi mọi xung đột, điểm nóng đều xuất phát từ nguyên nhân xa dân. Vậy, đâu là giải pháp để trị dứt điểm loại virus trì trệ đang hoành hành tại thành phố Chí Linh?

Một là, cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật không những làm gương xấu cho xã hội, tổn thất cho Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân mà còn gây tổn thất và hậu quả khôn lường trên nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế - chính trị - xã hội.

Do đó, cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu phải quán triệt quan điểm của Đảng, nêu gương là phương thức lãnh đạo của Đảng, có vai trò dẫn dắt, chỉ dẫn mọi người làm theo. Cán bộ phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình; phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích của dân lên trên hết.

Hai là, xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm có thế là việc làm đau xót. Nhưng đau xót cũng phải làm, nếu không thì không bao giờ xây dựng được Đảng trong sạch vững mạnh, không bao giờ có được niềm tin trong nhân dân. Do đó, đề nghị, Tỉnh ủy Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn diện, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời làm rõ có hay không hành vi “ưu ái” nhà thầu tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư mới phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh?, tiến hành thanh tra, kiểm tra dấu hiệu buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Chí Linh, công khai, minh bạch hình thức xử lý đối với các cán bộ nếu để xảy ra sai phạm theo đúng kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.

Ba là, trong các mối quan hệ xã hội, những mối quan hệ về kinh tế và liên quan đến lợi ích kinh tế là quan hệ nhạy cảm nhất, dễ bị lợi dụng và dễ sa ngã nhất. Ranh giới giữa mối quan hệ “tình cảm” với “động cơ không trong sáng” là rất mong manh. Bởi vậy, phải xây dựng môi trường đấu thầu thực sự minh bạch, hiệu quả. Đặc biệt, trong trường hợp này, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp tại các gói thầu sẽ bị đẩy lùi.


Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều