Vợ ông chủ tịch tỉnh không đi nước ngoài và chuyện cái “ruộng dưa”

Trong khi Cà Mau rút tên “vợ đồng chí chủ tịch tỉnh” trong danh sách đoàn công tác tới Nga thì Thanh Hóa cũng giảm chi phí gần 1 tỉ đồng cho đoàn “quảng bá địa phương tại Mỹ” so với dự kiến ban đầu.

 Trụ sở UBND tỉnh Cà Mau (Ảnh: camau.gov.vn)

Những động thái trên rõ ràng là rất tích cực sau những phản ứng từ dư luận. “Vợ đồng chí chủ tịch tỉnh” đã không còn có trong danh sách đoàn, kể cả khi Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau khẳng định các doanh nghiệp đi Nga tự túc về kinh phí, kể cả bà Triệu Thu Hồng cũng là kinh phí tự túc.

Suy cho cùng, đây là những ồn ào không đáng có. Những ồn ào gây ảnh hưởng trực tiếp thanh danh những người lãnh đạo một địa phương. Hãy nghe Chủ tịch Cà Mau nói trên báo: Tôi đang đi công tác xa, vừa đọc được thông tin trên báo chí. Tôi chỉ đạo anh em rà soát lại, doanh nghiệp nào thiết thực mới được đi và tôi khẳng định bà xã tôi không đi.

Ông Chủ tịch không hề muốn vợ đi. Bởi như thành ngữ “Đi qua ruộng dưa không cúi xuống sửa dép”, dù vợ đồng chí chủ tịch có đi bằng kinh phí tự túc, bằng tiền túi cá nhân thì điều tiếng vẫn xảy ra, không chỉ với cá nhân ông chủ tịch, mà còn là cả hình ảnh địa phương.

Rất khó để bảo người dân không phản ứng khi họ không tìm thấy bất cứ mối liên quan nào giữa “vợ đồng chí chủ tịch” và “công tác” tham gia Hội chợ World Food Moscow, kết hợp khảo sát thị trường tại Nga. Nhất là khi kinh phí tổ chức được ghi rõ là “sử dụng từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại đã giao cho Sở Công Thương năm 2018 để chi các chi phí cho chuyến đi, các thành viên đơn vị hành chính, sự nghiệp...”.

Rất khó để được chấp nhận với một tỉnh còn nghèo, hàng năm vẫn phải nhận gạo cứu đói như Thanh Hóa mà dự chi những khách sạn 700-800 USD/đêm. Chưa kể, tỉnh này cũng vừa “lọt top” có nhiều đoàn đi nước ngoài nhất, chỉ sau Đồng Nai, với 627 đoàn gần 2.700 lượt cán bộ đi nước ngoài giai đoạn 2012-2016- như trong kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ.

Những phản ứng là tích cực, nhưng suy cho cùng, để tránh những ồn ào tương tự, có lẽ chỉ nhờ vào sự tự giác chấp hành quy định thôi thì chưa đủ.

Bởi chúng chỉ chấm dứt chừng nào những người lãnh đạo địa phương ý thức, tránh ngay ngay từ đầu “nỗi oan ruộng dưa”.

Bởi những điều tiếng sẽ không còn chừng nào sự công khai đủ để cán bộ, người dân có thể giám sát - không chỉ cụ thể là chuyện danh sách đoàn đi nước ngoài.

Bởi những “điều chỉnh” hôm nay chỉ thực sự là tích cực nếu nó không phải chỉ là đối phó với dư luận.

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều