Vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu: 3 năm cơ cực, xin việc không ai nhận, chẳng đi được đâu

Vợ ông Lương Hữu Phước chia sẻ, vì bản án không khách quan, mà suốt 3 năm trời, chồng bà không thể làm gì được, xin việc không ai nhận. Thậm chí ông đi thăm bạn bè, người thân ở địa phương khác cũng khó, vì có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Căn nhà nhỏ của gia đình ông Phước - bị cáo nhảy lầu tự tử sau khi toà tuyên án - ở khu phố Suối Đá, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, những ngày gần đây có nhiều người lui tới chia buồn. Bà Lê Thị Tư (vợ ông Phước) luôn khóc nức nở mỗi khi có người hỏi đến chuyện của chồng bà. 

Bà Lê Thị Tư cung cấp tài liệu cho PV.

Trong cuộc trò chuyện với PV, nhắc tới ông Phước, bà lại nghẹn ngào. Bà Tư cho biết, gia đình vừa lo xong hậu sự cho ông Phước. Những ngày gần đây, bà cùng luật sư làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, xin làm rõ nhiều “điểm mờ” trong vụ án. 

Biết rằng chồng đã mất, nhưng bà Tư vẫn mong vụ việc được xem xét lại một cách công tâm, khách quan để ông Phước được an nghỉ nơi chín suối. 

Và tâm nguyện bước đầu của bà Tư đã được xem xét, khi ngày 5/6 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm liên quan đến vụ án của chồng bà. 

Điều làm bà Tư buồn nhất cho đến thời điểm bây giờ, là dù chồng bà đã mất hơn một tuần, vụ án được kháng nghị chỉ ra nhiều sai phạm nhưng gia đình không nhận được bất kỳ một lời hỏi thăm nào từ các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Phước.

“Ngày 1/6 tôi có làm đơn gửi TAND tỉnh Bình Phước xem xét tạo điều kiện cho gia đình đến trụ sở tòa án, làm lễ cúng rước vong hồn chồng tôi về thờ cúng. Tuy nhiên, ngày 4/6, TAND tỉnh Bình Phước có văn bản trả lời không chấp nhận vì đề nghị không có cơ sở”, bà Tư chia sẻ. 

Nhắc lại câu chuyện của chồng, bà Tư lại nghẹn ngào kể:  Từ khi xảy ra vụ tại nạn, cuộc sống của gia đình gần như đảo lộn, kinh tế kiệt quệ… Vì bản án không khách quan, mà trong suốt 3 năm trời, ông Phước không thể làm gì được, xin việc không ai nhận. Thậm chí ông muốn đi thăm bạn bè, người thân ở địa phương khác cũng khó vì cơ quan điều tra có lệnh cấm ông đi khỏi nơi cư trú. 

“3 năm trời ông ấy cứ quanh quẩn ở nhà. Thời gian đầu thì chạy đi chạy lại để phục vụ công tác điều tra. Xét xử xong lại đôn đáo cầm đơn cùng luật sư đi kêu oan. 3 năm trời cuộc sống gia đình trở nên cùng cực, không thể làm ăn gì. Phía nhà ông Quý thì luôn bắt đòi bồi thường cả trăm triệu đồng. Bảo sao không kiện người đâm ông Quý?”, bà Tư nói. 

“Chồng tôi muốn xin việc phụ giúp vợ con cũng không được, vì vụ án giải quyết xong, ông ấy vẫn là người đang có án nên không ai nhận. Thậm chí còn bị nhiều người dị nghị, vì mang án hình sự”, bà Tư tâm sự.

Sơ đồ vị trí vụ tai nạn mà ông Phước tự vẽ lại.

Theo bà Tư, trước khi mất ông Phước không trăn trối gì. Nhưng lúc nào, ông cũng nói "đi tù thì đi tù, nhưng oan quá". Những ngày gần đến phiên xử, ông Phước buồn hơn, cứ đi ra đi vào và trầm tư hơn trước.

"Trước khi đến phiên xử, chồng tôi có nói là ngày 26/5 là xét xử và y án, còn ngày 29/5 tòa hẹn ra để tuyên án và nhận quyết định. Khoảng 8h30 ngày 29/5 chồng tôi rời khỏi nhà, đến 10h thì trở về. Lúc về ông ấy không nói gì cả, cũng không ăn cơm mà lên ghế nằm rồi bấm điện thoại", bà Tư nhớ lại.

Ông Phước nằm trên ghế đến 13h mới xuống ăn cơm trưa. Ăn xong lại ngồi chơi và xem điện thoại tiếp. Tuy nhiên, đến khoảng 15h, ông Phước nói với cháu nội rằng, "ông quyết định rồi, ông sẽ đi ở tù" và đi ra khỏi nhà. Khoảng 30 phút sau, công an đến nhà và nói ông Phước đã nhảy lầu.

Được biết, ngày 5/6 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM lấy toàn bộ hồ sơ vụ án và ký quyết định kháng nghị vụ án.

Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND TP.Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề như: Lời khai của Lâm Tươi, chưa giám định tốc độ xe của Lâm Tươi…

Từ đó, TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án để điều tra, xét xử lại.

Được biết, ngày 12/6 tới đây sẽ diễn ra phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án trên.

Ông Quảng Đức Tuyên, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, người ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm ngày 29/5/2020 của TAND tỉnh Bình Phước cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhận thấy vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, nên đây là căn cứ để TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.

 

 

 

Theo Cao Hùng – Đình Việt/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều