Vụ “súc miệng” bằng nước lau bảng: Trường sư phạm "bỏ quên" dạy đạo đức cho giáo viên?

Việc cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Không biết những trường sư phạm dạy giáo viên tương lai những gì mà khi các cô vào nghề lại không có kỹ năng ứng xử với học sinh và xử lý các tình huống sư phạm cơ bản?

Các trường đã dạy những gì mà giáo viên lại giáo dục học sinh bằng những hình phạt khó có thể tưởng tượng như: Xát ớt vào miệng trẻ, bắt trẻ uống nước giặt từ giẻ lau, hay bắt học sinh quỳ trên ghế suốt cả tiết học?

Đây là những câu hỏi bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN - đặt ra khi chỉ trong vòng một tháng xảy ra nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh và nhận lại bằng bạo lực từ phụ huynh và những người họ dạy dỗ.

Đặc biệt, mới đây nhất là việc cô giáo ở Hải Phòng trừng phạt học sinh nói chuyện trong lớp bằng cách bắt em súc miệng bằng nước giặt giẻ lau.

“Giáo viên lên lớp ngoài truyền đạt kiến thức cho học sinh còn là tấm gương sống cho học sinh noi theo, từ cách ứng xử, đối nhân xử thế, đến chuyện ăn mặc, vệ sinh cá nhân, mọi hành động đều được học trò chú ý. Cô giáo dạy trẻ giữ gìn vệ sinh thân thể mà lại bắt trẻ ngậm trong miệng thứ nước bẩn đấy, chứng tỏ nhận thức của cô có vấn đề” - bà Ninh Thị Hồng chia sẻ.

Một chi tiết trong vụ việc khiến bà băn khoăn: Cô giáo tốt nghiệp đại học kinh tế và có văn bằng 2 hệ đại học sư phạm tiểu học do Trường ĐH Hải Phòng cấp. Cô là con gái của một vị lãnh đạo phòng giáo dục huyện An Dương. Trường Tiểu học An Đồng mới ký hợp đồng lao động cho cô vào đầu tháng 8.2017 theo hình thức hợp đồng ngắn hạn.

“Tôi không hiểu tại sao giáo viên mới ký hợp đồng lại được giao làm công tác chủ nhiệm? Học sinh tiểu học mỗi lớp chỉ có một cô giáo vừa chủ nhiệm vừa dạy học, đòi hỏi cô phải có kỹ năng sư phạm tốt. Tại sao lại để cô giáo vừa ra trường làm công tác chủ nhiệm ngay mà không có sự kèm cặp của người có kinh nghiệm? Việc này thể hiện sự tắc trách của nhà trường. Liệu có việc ưu ái con ông cháu cha ở đây?" - bà Hồng thẳng thắn.

Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN cũng kiến nghị Bộ GDĐT cần xem lại quy trình đào tạo giáo viên hiện nay. Ngoài dạy về chuyên môn, các trường sư phạm cần dạy những nhà giáo tương lai về đạo đức, cách ứng xử với học sinh trên tinh thần tôn trọng quyền trẻ em. Các trường học cần có những quy tắc ứng xử, quy định rõ những hình phạt nào là tích cực, hình phạt nào giáo viên không được làm.

Đồng quan điểm, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng GDĐT cũng cho rằng, Bộ GDĐT cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Đầu tiên là gấp rút xây dựng quy định cụ thể về hình phạt, những việc không được làm trong trường học, rồi tuyên truyền đến từng giáo viên để thống nhất trên toàn quốc. Thứ hai, nếu khâu đào tạo giáo viên không chú trọng đến việc rèn đạo đức nhà giáo, không “chuẩn” ngay từ gốc, còn hiện tượng "vơ bèo gạt tép" như thời gian qua, sẽ khó tránh những việc đáng tiếc xảy ra trong tương lai.

Theo Bích Hà/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều