Xây dựng trái phép ở Thủ Đức-TP.HCM: Người dân lâm cảnh “màn trời, chiếu đất” khi Tết cận kề

Trong khi các “điểm nóng” khác với nhiều công trình quy mô hơn nhưng vẫn “im re” thì các gia đình có công với cách mạng, gia đình văn hoá… cần chỗ ở lại bị cưỡng chế không thương tiếc.

Trong khi các “điểm nóng” khác với nhiều công trình quy mô hơn nhưng vẫn “im re” thì các gia đình có công với cách mạng, gia đình văn hoá… cần chỗ ở lại bị cưỡng chế không thương tiếc.

Những ngày qua, lực lượng chức năng của UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục tổ chức cưỡng chế một số nhà dân xây dựng trái phép trên địa bàn. Điều đáng nói, đây là những ngôi nhà đã tồn tại từ lâu đã được chính quyền cấp điện, nước… nay lại cưỡng chế, khiến họ rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất, khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Họ càng bức xúc hơn, khi các “điểm nóng” khác với nhiều công trình quy mô hơn nhưng vẫn “im re”. Trong khi đó, các gia đình có công với cách mạng, gia đình văn hoá… cần chỗ ở lại bị cưỡng chế không thương tiếc.

Trong số này, theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ có hoàn cảnh neo đơn, già yếu, thậm chí là những người có công với cách mạng. Đây là điều hết sức đau xót, vì khi xây dựng chính quyền đã làm ngơ, sau một thời gian, người dân đã vào ở, ổn định cuộc sống lại tiến hành cưỡng chế gây ra hệ lụy kéo dài và dẫn tới tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp hết sức phức tạp.

Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hiền và Nguyễn Văn Kiên ở đường 42, khu phố 8, phường HIệp Bình Chánh là những gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra còn hàng loạt hộ khác cũng bị đập nhà, dù vào ở trong thời gian dài. “Chúng tôi ở đây lâu rồi, thế nhưng chính quyền vẫn tiến hành vào cưỡng chế. Tuy nhiên, nhiều nơi khác xây dựng trái phép với quy mô lớn hơn song họ lại không cưỡng chế. Trong khi đó, có nhiều hộ lại có công với cách mạng nhưng họ vẫn đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất”, bà H., một người dân ở khu vực này cho biết.

Cảnh màn trời chiếu đất của nhiều hộ dân tại phường Hiệp Bình Chánh

Thậm chí, có những hộ là gia đình đã được công nhận là gia đình văn hoá… cũng bị cưỡng chế. Bà N.T.H., ngụ đường số 10, khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Gia đình tôi đã xây dựng căn nhà cách đây mấy năm. Khi vào ở, đã được công an phường cấp sổ tạm trú để tôi xin điện, nước, truyền hình.  Sau đó, chúng tôi tiếp tục sinh sống, đồng thời luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương, giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp xây dựng khu phố và đã được Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh ký giấy công nhận là gia đình văn hóa 3 năm liền, 2012-2015”.

“Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, chính UBND phường Hiệp Bình Chánh lại ban hành quyết định và tiến hành cưỡng chế, phá dỡ nhà của tôi. Do hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, công việc không ổn định... nên việc phá dỡ nhà khiến chúng tôi càng khó khăn hơn”, bà H. nói thêm.

Quả bóng trách nhiệm

Các chuyên gia cho rằng, việc chính quyền các địa phương thực hiện không quyết liệt đã dẫn tới tình trạng nêu trên. Luật sư Hoàng Thái, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: “Khi một công trình xây dựng đặt viên gạch đầu tiên chắc chắn sẽ có lực lượng chức năng đến liểm tra, thế nhưng có nhiều công trình vẫn ngang nhiên thi công dù không có giấy phép. Đặc biệt hơn, tình trạng các công trình này thi công xong mới có quyết định xử phạt hành chính cũng diễn ra phổ biến”. 

“Điều này không chỉ làm tiền lệ xấu cho các trường hợp khác mà còn phản ánh bộ máy công quyền “làm ngơ” hoặc thiếu quyết liệt trong quản lý địa bàn. Nó cũng gây ra sự lãng phí và thiệt hại cho người dân khi phải bỏ chi phí xây dựng rồi lại tháo dỡ, đập phá. Nếu chính quyền quyết liệt, mạnh tay ngay từ đầu và quản lý mình bạch thì những trường hợp như trên không còn tình trạng người dân phải bức xúc, vì đã ở một thời gian dài mới xử lý”, luật sư Thái nói thêm.

Các căn nhà của người dân bị cưỡng chế

Luật sư Thái cũng phân tích: “Đây là câu hỏi cần phải được trả lời một cách thỏa đáng và trách nhiệm thuộc về ai, khi để tình trạng đó xảy ra. Hơn nữa nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác mà đầu tiên, thiệt thòi là người dân. Hơn thế nữa, đây cũng là nguyên nhân cho tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây phức tạp tình hình. Đồng thời, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.

Cũng theo luật sư này: “Để xảy ra tình trạng này còn gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, vì nếu phát hiện ngay từ đầu sẽ không tốt kinh phí để họp hành, ban hàng văn bản, quyết định, thành lập đoàn đi cưỡng chế, thuê mướn nhân công thực hiện... Trong khi đó, chính quyền địa phương còn rất nhiều nhiều việc phải làm và cần nguồn ngân sách này, đặc biệt trong việc chăm lo đời sống an sinh cho người dân được tốt hơn”.

Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để tình hình xây dựng trái phép, sai phép diễn biến phức tạp, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết: “Mọi hành vi sai quy định của cán bộ, nhân viên thuộc UBND quận, UBND các phường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với việc kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với công trình vi phạm được UBND quận Thủ Đức chỉ đạo xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật”.

Theo Thanh Tùng - Hoàng Việt/Công lý và Xã hội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều