Xây đường lên kè sông: Bài học về tính cấp thiết, hiệu quả đối với các dự án đầu tư xây dựng tại tỉnh Tuyên Quang

(Mặt trận) - Ngày 08/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước. Tuy  nhiên, tại một số địa phương, tình trạng lãng  phí,  thất  thoát  trong  xây  dựng  cơ  bản  đã  và đang là một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc dư luận vì hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng có nguy cơ “đổ sông, đổ bể” vì những đại công trình vô ích, thiếu tầm nhìn.

Thời gian qua, người dân địa phương sinh sống ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang vô cùng sửng sốt trước việc UBND thành phố Tuyên Quang cho đầu tư con đường “lấn sông Lô”.

Việc bỏ hàng trăm tỷ đồng ra để xây trên bờ kè đê, khiến dư luận đi từ ngạc nhiên đến nghi ngờ về năng lực quản lý của lãnh đạo địa phương cũng như việc làm này có ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Lô hay không? Chưa kể, sông Lô thường xuyên có lũ lớn, gây úng ngập.

Khó hiểu công trình hàng trăm tỷ đồng xây đường trên kè sông

Tuyến đường đang được thi công

Trao đổi với phóng viên, chị Lê Thị Thu, nhà ở phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang cho biết: Nhà chị gần ngay cầu Nông Tiến, nên hàng ngày đi làm, đi chợ, chị đều qua lại tuyến đường này. Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, chị thấy máy xúc, máy gạt, ô tô xe máy được nhà thầu tập kết tại đây để đổ đất, san gạt ầm ĩ. Một số nhà thuyền neo đậu cũng bị yêu cầu di dời đi. Hỏi ra mới biết họ đang làm đường.

Nhìn nhận bằng cảm quan của một người dân sinh sống tại đây, chị Thu cho biết: “Cả tỉnh Tuyên Quang nói chung và thành phố Tuyên Quang vẫn là 1 địa phương nghèo. Biết bao công trình, dự án cần phải đầu tư, nhưng họ không làm, không đầu tư, giờ lại làm con đường dọc theo triền đê trên sông Lô, làm chúng tôi thấy tính hiệu quả không có. Bởi dọc theo dòng sông, phía bên thành phố đã có đường rồi. Giờ lại làm xuống dưới để làm gì, ai đi ? Hay chỉ lại là nơi tu tập, hàng quán bán trà đá làm nảy sinh các vấn đề về an ninh trật tự như ở khu vực quảng trường ấy. Rồi chưa kể tính an toàn của công trình và của người dân sử dụng nữa”, chị Thu chia sẻ.

Còn kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm, người từng thi công xây dựng tại công trình thủy điện Tuyên Quang cho biết: Đúng là nhiều dấu hiệu bất thường, bởi khu vực này là nơi giao lưu giữa 2 dòng chảy sông Gâm và sông Lô. Tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến bất thường. Năm thì nước dâng cao, năm thì lại ít nước. Mặc dù có rất nhiều thủy điện phía trên, nhưng vẫn phải đề phòng để tránh tai họa. Đằng này, lãnh đạo lại phê duyệt cái dự án đầy “rủi ro” này khiến chúng tôi cảm thấy khó hiểu. Đã đến lúc cần phải làm rõ dự án này, xem có được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho xây dựng lên triền đê hay không? Có đánh giá tác động môi trường hay không?… Rồi đến mùa mưa lũ, nếu nước dâng cao dẫn đến nguy cơ hư hỏng đường sá thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm… Phải làm rõ những vấn đề đó mới thấy được tính khả khi, tính bức thiết của dự án, mới tránh tình trạng phê duyệt “tùy tiện”, kỹ sư Tâm bày tỏ quan ngại.

Qua tìm hiểu và trao đổi trực tiếp với hàng loạt người dân địa phương như chị Nguyễn Thị Hương, anh Trần Văn Đạt… đều sinh sống ở thành phố Tuyên Quang, đa số các ý kiến được ghi nhận đều cho rằng, dự án này không phù hợp, không đem lại lợi ích thực sự. Số tiền đó nên đầu tư những công trình khác có ích hơn.

Nguy cơ thất thoát, lãng phí từ những công trình thiếu tầm nhìn

Một đoạn khác đang thi công trên kè sông Lô.

Qua tìm hiểu, Dự án đầu tư xây dựng hai tuyến đường dọc sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài trên 7,9 km, tổng mức đầu tư 435 tỷ đồng. Thời gian thi công hoàn thiện dự án 2017 đến năm 2020.

Tuyến số 1, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 2C tại khu vực cầu Thôn Thượng thuộc xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang), tuyến đi theo hướng Đông Tây ra bờ sông Lô, bám theo kè đi dưới cầu Nông Tiến, men theo bờ trái sông Lô đến địa phận tổ 15, phường Nông Tiến, đấu nối nút giao Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C và đường Hồ Chí Minh thuộc xã Thái Bình (Yên Sơn). Chiều dài tuyến này trên 5,08 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.

Tuyến số 2, điểm đầu tuyến đấu nối với khu ẩm thực đã được phê duyệt quy hoạch tại phường Minh Xuân. Tuyến đi theo quy hoạch khu ẩm thực được duyệt, trùng với đường Nguyễn Văn Cừ đến điểm giao với đường Chiến thắng sông Lô. Tại đây tuyến đi bám bên dưới kè dọc bờ sông, đến km 2+750 theo đường hiện trạng và kết thúc tại ví trí giao với đường Chiến Thắng sông Lô thuộc phường Tân Quang. Chiều dài tuyến trên 2,8 km. Bình đồ tuyến cơ bản mở mới đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tận dụng tối đa kè cũ và đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường đô thị. 

Để đảm bảo công trình được thực hiện theo đúng kế hoạch, thời gian qua thành phố đã thực hiện các bước kiểm kê đất đai, kiến trúc và hoa màu, hiện đang thực hiện các bước giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho việc thi công theo đúng kế hoạch.

Theo đó, phường Nông Tiến có 222 hộ, 5 tổ chức trong dự kiến bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có 25 hộ dự kiến tái định cư, hiện thành phố đã kiểm kê xong 185 hộ. Phường Tân Quang và phường Minh Xuân, thành phố đã kiểm kê xong 29 hộ và 4 tổ chức. Đối với xã Thái Bình (Yên Sơn) có 30 hộ trong dự kiến bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó dự kiến có 12 hộ bố trí tái định cư. Bắt đầu từ đầu tháng 6/2018, tuyến đường dọc hai bờ sông Lô của thành phố Tuyên Quang đã chính thức được thi công.

Hiện tại, đã có hai gói thầu triển khai thi công xây dựng. Đối với bờ trái sông Lô, gói thầu số 1, Công ty TNHH Phúc Thành An (Vĩnh Phúc) đang thi công phần mặt bằng, đào đất không thích hợp, chọn vị trí khoan cọc nhồi. Liên danh nhà thầu tại gói thầu số 6, Công ty TNHH Hiệp Phú và Công ty Cổ phần Công nghiệp Tân Hà (TP Tuyên Quang) cũng đang thi công phần nền, đào đất không thích hợp để triển khai dự án.

Có thể thấy, việc đầu tư con đường ven sông khoảng 7,9 km thì tiêu tốn hết 435 tỷ đồng, khiến cho chi phí mỗi km sẽ ngốn ngân sách nhà nước con số là 55 tỷ. Nếu đem so với GDP của tỉnh Tuyên Quang thì suất chi tiêu này là quá lớn, liệu có khuất tất, bất thường xảy ra tại dự án này?

Phải chăng, tỉnh Tuyên Quang không còn dự án nào hệ trọng và cấp thiết hơn dự án làm đường chồng lấn lên triền đê sông Lô. Cấp nào phê duyệt, ai là người quyết định chủ trương đầu tư khi dự án phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đe dọa đên an toàn công trình? Đã đến lúc các Bộ, ngành Trung ương cần sớm vào cuộc để làm rõ tính khả thi, tránh tình trạng lãng phí, nguy cơ thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước?

Ngân sách nhà nước không phải là “bầu sữa” mà để một số địa phương  đua nhau mà vắt kiệt, và vắt rất vô trách nhiệm, trong khi có rất nhiều việc thiết thực khác cần đến ngân sách. Nếu chúng ta cắt bớt đi được những khoản chi đầu tư công không cần thiết thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác hữu ích hơn, tập trung vào những vấn đề bức bách hơn trong đời sống xã hội.

Trụ sở UBND Thành phố Tuyên Quang.

Hàng loạt sai phạm trong hoạt động chi ngân sách vừa đã được các cơ quan chức năng phanh phui trong thời gian vừa qua. Qua nhiều vụ việc cho thấy, trong xây dựng cơ bản, bao gồm các khâu: nghiên cứu  tiền  khả  thi,  lập  luận  chứng,  khảo  sát,  thiết  kế   kỹ  thuật,  lập  dự  toán...  và  giai  đoạn  thi  công, giải ngân vốn đều được thực hiện quá yếu kém và con người thực hiện cũng vô trách nhiệm, làm việc sơ sài.

Do đó, cần phải xem xét một cách nghiêm túc, đánh giá trách nhiệm của từng bộ phận nếu để xảy ra tham nhũng, lãng phí gây thất thoát ngân sách. Qua đó, mọi tiêu cực cần phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm sai phạm.

Bởi vậy, cần phải có các giải pháp đồng bộ phòng, chống, ngăn chặn hành vi vi phạm, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư nhà nước (nhất là vốn NSNN) đối với tất cả các chủ thể có liên quan, không có ngoại lệ. Cụ thể:

Một là, cần ngăn chặn sự lãng phí ngay tại khâu phê duyệt dự án chủ yếu xuất phát từ quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ... Điều này dẫn tới dự án không hiệu quả, hoặc “đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư...

Hai là, để khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, tiến hành sàng lọc, phân bổ và giám sát các dự án đầu tư; tăng cường các giải pháp chống đầu tư phân tán, dàn trải; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn của Nhà nước.

Ba là, đối với các dự án đầu tư dàn trải, gây lãng phí, bị đội vốn, chậm tiến độ hoặc đầu tư thua lỗ, không hiệu quả, các cơ quan chức năng như: công an, thanh tra cần vào cuộc điều tra làm rõ các hành vi vi phạm luật  trong đầu tư và sử dụng vốn.

Đức Hải – Đà Giang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều