Xe công, biên chế và gánh nặng ngân sách

Nợ công năm 2017 dự kiến có thể tăng lên hơn 3 triệu tỉ đồng từ mức 2,8 triệu tỉ đồng của năm 2016. Nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách nhà nước.

 Xe công. Ảnh minh họa, nguồn: CafeF.

Một mối lo quá lớn, ngày càng nặng, giải pháp nào cho món nợ này?

Khẳng định là có, nhiều giải pháp có thể làm được, không tốn một cắc bạc đầu tư, nhưng giảm chi ngân sách ngay lập tức.

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nói: “Nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua xe ôtô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên. Khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới khoán chi”.

Chỉ cần cắt không mua xe công như đề xuất trên thì tiết kiệm một khoản tiền lớn. Đã nói là làm, làm quyết liệt không du di. Từ cấp thứ trưởng trở xuống khoán chi, đi xe riêng, taxi, uber, grab, đi xe máy, xe đạp, xe buýt, đi bộ, mỗi cá nhân tự sắp xếp, tự tiết kiệm cho bản thân sau khi nhận mức khoán chi. Đối với công việc phải đi công tác tập thể, cứ thuê xe dịch vụ, khỏe và rẻ. Thực hiện được việc này có nghĩa là giảm biên chế một lực lượng lái xe, văn phòng, lợi ích đã quá rõ.

Không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành công trình. Không tổ chức các lễ kỷ niệm ngày thành lập rình rang, tiệc tùng, quà cáp, máy bay, khách sạn. Khai thác tối đa họp trực tuyến, quy định lại tiêu chuẩn cán bộ đi máy bay hạng thương gia, hạn chế chuyên cơ nếu như có thể đi máy bay thương mại như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện. Làm được những việc như vậy, cũng tiết kiệm được nhiều tiền để trả nợ.

Để tiết kiệm ngân sách hiệu quả, ổn định, lâu bền, phải giảm ngay biên chế, những ban, ngành, cơ quan đã hoàn thành sứ mạng lịch sử, nên sắp xếp, sáp nhập. Không tinh giản biên chế, không đủ tiền để nuôi gần 11 triệu người hưởng lương và 2,5 triệu cán bộ công chức.

Tại sao ai cũng biết có hơn 30% công chức vác ô nhưng lại không mạnh dạn cắt bỏ? Có những địa phương thành lập sở du lịch, sở ngoại vụ, nhưng không có việc để làm, vậy thì không cần phải lập ra một sở, chỉ cần một phòng trong Sở VHTTDL, Công an tỉnh hoặc thuộc UBND địa phương là đủ.

Cần quyết là làm, không chần chừ nữa, nợ to quá rồi.

Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều