Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Điều 5, Điều 8 Thông tư số 145/2017/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể nguồn tài chính chi thường xuyên và nội dung chi thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị là đơn vị sự nghiệp công lập, tự túc hoàn toàn kinh phí hoạt động theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ. Chức năng nhiệm vụ chính được UBND tỉnh Quảng Trị giao là triển khai tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để tạo quỹ đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), đo đạc địa chính, tư vấn xác định giá đất và dịch vụ tư vấn đầu tư cho các đơn vị khác trên địa bàn.

Nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị bao gồm:

- Chi phí quản lý dự án của các dự án đầu tư do Trung tâm làm chủ đầu tư.

- Các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng tự thực hiện đối với các dự án do Trung tâm làm chủ đầu tư như: Chi phí giám sát, lập hồ sơ mời thầu, đo đạc địa chính, xác định giá đất cụ thể, đo đạc địa chính, tổ chức thực hiện GPMB.

- Chi phí hoạt động dịch vụ tư vấn cho các chủ đầu tư, tổ chức và các đơn vị khác khi có nhu cầu.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị hỏi, đối với các nguồn kinh phí nêu trên có được xem là nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị, quy chế chi tiêu nội bộ có thể xây dựng các định mức chi cao hơn định mức của cơ quan Nhà nước ban hành?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 5, Điều 8 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thì nguồn tài chính và nội dung chi thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định như sau:

“Điều 5. Phân loại mức độ tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác

1. Nguồn tài chính chi thường xuyên

a) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao: Dịch vụ tư vấn, thiết kế, quy hoạch, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông, công thương, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, dịch vụ sự nghiệp khác; các nguồn thu hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật (bao gồm hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nếu có);

b) Nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí hoặc chưa tính đủ chi phí theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 12; Điểm b, Khoản 1, Điều 13 và Điểm b, Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên trên cơ sở số lượng người làm việc và định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (sau đây gọi là Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ);

đ) Nguồn thu từ hoạt động khác (nếu có), gồm: Tiền lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết; lãi tiền gửi ngân hàng; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung chi thường xuyên

a) Chi tiền lương cho cán bộ, viên chức, người lao động theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Chi hoạt động chuyên môn cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;

c) Chi quản lý;

d) Chi thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ;

đ) Chi trích khấu hao tài sản cố định theo quy định;

e) Chi thường xuyên khác (nếu có)”.

“Điều 8. Sử dụng nguồn tài chính

1. Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Thông tư này để chi thường xuyên. Các nội dung chi (bao gồm chi tiền lương, trích khấu hao tài sản cố định hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, hoạt động dịch vụ khác), thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Thông tư này.

2. Chi từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các nhiệm vụ chi không thường xuyên (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản cho đơn vị, theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nếu có); từ nguồn thu phí được để lại chi nhiệm vụ không thường xuyên (nếu có); từ nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ và chi từ nguồn khác, theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 của Thông tư này”.

Như vậy, tại Điều 5, Điều 8 Thông tư số 145/2017/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể nguồn tài chính chi thường xuyên và nội dung chi thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; đề nghị Trung tâm căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.

Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, tại Điều 15 và Phụ lục số 1 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể nội dung quy chế chi tiêu nội bộ trong đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác đề nghị Trung tâm thực hiện theo quy định.

Theo Chinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều