Khi bị đe dọa, người bị hại yêu cầu cơ quan nào bảo vệ?

Tháng 6/2018, tôi bị mất chiếc xe máy vừa mua 45 triệu đồng. Tôi biết D là đối tượng bất hảo ở địa phương trộm cắp tài sản của mình nên đã làm đơn tố giác D với Cơ quan công an huyện X và được xác định với tư cách người bị hại. Gần đây, D thường xuyên gọi điện đe dọa nên tôi và người thân rất hoang mang. Vậy, tôi có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức nào bảo vệ?.

Ảnh minh họa.
Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:

 - Vì bạn được Cơ quan điều tra huyện X xác định là người bị hại trong vụ án, lại thường xuyên bị D đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình và người thân thích, nên bạn và người thân thuộc đối tượng được bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 484 BLTTHS năm 2015:

“1. Những người được bảo vệ gồm: a) Người tố giác tội phạm; b) Người làm chứng; c) Bị hại; d) Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại”.

- Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 485 BLTTHS năm 2015 thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Công an huyện X có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với bạn và người thân thích. Vì vậy, bạn có thể đề nghị Công an huyện X ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Khoản 1, 2 Điều 485 BLTTHS năm 2015 đã quy định:

1. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ gồm:

a) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;

b) Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b)…”

- Về yêu cầu, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ, tại khoản 1, 2 Điều 487 BLTTHS năm 2015 quy định:

1. Người được bảo vệ có quyền làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Văn bản đề nghị, yêu cầu có các nội dung chính:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;

c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;

d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị. Trường hợp đề nghị của cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó ký tên và đóng dấu.

2. Trường hợp khẩn cấp, người được bảo vệ trực tiếp đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền nhận được đề nghị, yêu cầu phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ bảo vệ…”

Với quy định này, bạn có thể làm đơn yêu cầu Cơ quan điều tra huyện X bảo vệ. Trường hợp khẩn cấp, có thể trực tiếp đề nghị hoặc gọi điện nhưng sau đó phải nộp đơn đề nghị.

 Cơ quan điều tra sẽ xem xét đề nghị, yêu cầu của bạn, nếu có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của bạn và người thân bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại, thì Công an huyện X sẽ quyết định lựa chọn áp dụng những biện pháp như: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật; các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật…”, được quy định tại khoản 1 Điều 486 BLTTHS năm 2015 để bảo vệ.

Theo Nguyễn Cường/Tạp chí Kiểm sát

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều