Không đăng ký kết hôn, tài sản chung chia thế nào?

Chúng tôi được hai bên cha mẹ, họ hàng và cơ quan tổ chức cưới hỏi. Đến nay đã chung sống được 6 năm và có hai con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn. Trong quá trình chung sống vợ chồng tôi mua được hai căn hộ nhưng sổ đỏ thì chỉ đứng trên chồng tôi. Thời gian gần đây chúng tôi mâu thuẫn đến mức không thể sống chung được. Bây giờ tôi muốn ly hôn thì tài sản chung sẽ được chia thế nào?

 (Nguồn: Internet)

Trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn, tức là sau khi nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Do hai bạn không đăng ký kết hôn nên chỉ được coi là sự kiện nam và nữ sống chung với nhau như vợ chồng, tài sản được thiết lập trong thời gian này có thể được coi là tài sản chung và khi không còn mong muốn sống chung nữa, hai bạn không phải thực hiện thủ tục ly hôn, tài sản chung của hai bạn trong thời kỳ này được phân chia theo quy định của pháp luật dân sự.

Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Đối với 02 căn nhà được mua trong thời kì hai bạn sống chung với nhau như vợ chồng nhưng sổ đỏ chỉ đứng tên chồng bạn, nếu bạn có đủ căn cứ, giấy tờ chứng minh khối tài sản đó được mua từ tiền chung của hai bạn trong thời kì này thì 02 căn nhà đó vẫn được coi là tài sản chung của nam nữ trong thời gian chung sống với nhau như vợ chồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 nêu trên, nếu hai bạn không thể thỏa thuận về việc chia tài sản chung thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan để giải quyết vấn đề tài sản chung. Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chia tài sản thuộc sở hữu chung như sau:

“1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Theo Ngọc Nga/Tạp chí Kiểm sát

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều