Những loại thuế phải nộp khi kinh doanh online

Tôi có lập một tài khoản facebook để kinh doanh quần áo đã được 2 năm nay. Qua phương tiện báo đài tôi được biết hiện nay kinh doanh online cũng phải nộp thuế. Vậy như trường hợp của tôi sẽ phải nộp những loại thuế nào và nộp bao nhiêu?

Trả lời như sau:

Khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định: “Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân”. Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 2 Luật này quy định một trong những nhóm đối tượng là người nộp thuế là: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Như vậy, để xác định người nộp thuế phải nộp những loại thuế nào trong những trường hợp nhất định cần phải căn cứ theo quy định của từng văn bản luật thuế cụ thể.

 Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Theo quy định của các văn bản pháp luật thuế hiện hành, các cá nhân kinh doanh, trong đó có kinh doanh online phải nộp một số loại thuế như: thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có).

Với trường hợp của bạn là kinh doanh quần áo nên bạn có thể phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và lệ phí môn bài. Cụ thể như sau:

Thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, nếu là “cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật” và “không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống” thì phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT.

Theo đó, nếu có thu nhập từ kinh doanh quần áo từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên thì số thuế GTGT và thuế TNCN bạn phải nộp được xác định theo quy định tại Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC như sau:

 

Trong đó:

– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Nếu cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN đối với trường hợp phân phối hàng hóa (bán quần áo) của bạn được xác định với mức thuế suất sau: tỷ lệ thuế GTGT là 1%; tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%.

Lệ phí môn bài

Theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, cá nhân kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng/năm và không thuộc trường hợp kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân kinh doanh như trường hợp của bạn được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này:

“Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.”

Như vậy, khi kinh doanh quần áo trên facebook, nếu thu nhập từ hoạt động này của bạn đạt trên 100 triệu đồng/năm thì bạn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và lệ phí môn bài với mức nộp được xác định cụ thể như trên.

Theo Ngọc Nga/Tạp chí Kiểm sát

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều