Nói xấu nhau trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Trong khi vụ việc một bác sĩ bị phạt 5 triệu đồng vì đăng tải nội dung liên quan đến Bộ trưởng Bộ Y tế lên mạng xã hội chưa lắng xuống thì câu hỏi được dư luận đặt ra là như thế nào được gọi là nói xấu, và nói xấu nhau trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt ra sao.

 Nói xấu nhau trên mạng xã hội có thể bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Lại Xuân Cường - Đoàn LS TP Hà Nội bày tỏ quan điểm rằng việc góp ý và "nói xấu" là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Góp ý là đưa ra các quan điểm cá nhân, ý kiến của mình về một sự việc nào đó để đánh giá sự việc trên tinh thần xây dựng. Còn "nói xấu" là việc đưa ra các thông tin không có, không đúng sự thật, xuyên tạc nhằm hạ uy tín tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

“Trong thời đại công nghệ thông tin bùng phát hiện nay, các trang mạng xã hội, trang mạng cá nhân rất phổ biến nên việc cá nhân nêu quan điểm của mình trên các trang mạng về một vấn đề cũng thường có những quan điểm trái chiều nhau.  Để xác định quan  điểm cá nhân đó là góp ý hay " nói xấu", cần căn cứ, đối chiếu như tôi vừa phân tích để từ đó đánh giá và đưa ra kết luận” – luật sư Cường phân tích.

Cũng theo luật sư, tại điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-Cp ngày 15.7.2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã quy định các hành vi bị cấm: "Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân", tất cả các hành vi xuyên tạc, đưa thông tin không có,  không đúng sự thật, vu khống nhằm xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân đều bị cấm.

Tại điểm g, khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, gây rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác.

Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định  tại điều 226 Bộ luật hình sự năm 1999 về "Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính".

Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Có thể bị phạt tù từ hai năm đến năm năm nếu “Phạm tội có tổ chức; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.

Theo Nguyễn Hà/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều