Tai nạn trên đường từ công ty về nhà có phải là tai nạn lao động?

Tôi là công nhân kỹ thuật phụ trách sửa máy của một công ty may. Cách đây nửa tháng, tuy là ngày chủ nhật, nhưng do công ty có sự cố về máy móc nên tôi được triệu tập đến công ty để khắc phục sự cố, không may trên đường từ công ty về nhà tôi bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy chân phải. Vậy trường hợp của tôi có được coi là tai nạn lao động không?

Trả lời như sau:

Tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật lao động năm 2013 quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.”.

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Đồng thời, tại khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định số 45/2013/NĐ – CP Quy định chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định các trường hợp được coi là tai nạn lao động bao gồm:

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.”

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 trên đây, nếu địa điểm và thời gian xảy ra tai nạn là hợp lý trên tuyến đường từ công ty về nhà thì tai nạn giao thông mà bạn gặp phải được xác định là tai nạn lao động.

Tuy nhiên, để được xác định là tai nạn lao động thì tai nạn đó của bạn phải không thuộc các trường hợp sau đây theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015:

“a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.”

Theo Ngọc Nga/Tạp chí Kiểm sát

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều