Xuất xứ bức ảnh đẹp “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”?

(Mặt trận) - Bức ảnh đẹp, giàu giá trị nghệ thuật nói trên là do tác giả Lâm Hồng Long, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam chụp (tác giả là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đầu tiên vinh dự được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996).
Bức ảnh được chụp trong đêm 10/9/1960, tại vườn Bách Thảo (Hà Nội), khi Bác Hồ đến tham dự đêm liên hoan văn nghệ cùng với đồng bào thủ đô chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam thành công tốt đẹp(xem ảnh).

Khi nhân dân thủ đô đến dự lễ đã tề tựu đông đủ, Bác Hồ đến và dừng lại bên dàn nhạc, đồng chí nhạc trưởng đã trân trọng  mời Bác chỉ huy dàn nhạc, Bác đã cầm đũa chỉ huy bắt nhịp cho tất cả quần chúng có mặt tại đêm dạ hội cùng hát bài ca “Kết đoàn”.

Trong khung cảnh trời đêm, trước bức phông sẫm màu của cây lá vườn Bách Thảo, Bác lại đứng đối diện với nhạc công và quay lưng về phía khán, thính giả nên rất khó chụp, Tác giả đã quan sát và phán đoán thế nào cũng có lúc Bác quay nhìn lại công chúng, bởi lẽ Bác luôn luôn gần gũi với nhân dân, nên đã chọn đứng sau lưng Bác. Và điều dự đoán, mong đợi đã đến, đúng lúc Bác quay lại, tác giả đã bấm máy và chỉ được một kiểu phim 6x6, tốc độ 1.50 giây, cửa điều sáng F8, cự ly 5 mét, dùng ánh sáng đèn Flass.

Đã 47 năm, Bác Hồ đi xa, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Bức ảnh đẹp “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” (lời trong bài “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường) sẽ mãi mãi đi vào lịch sử và là một biểu tượng vô cùng đẹp đẽ và đầy ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta.

 

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều