5 tỉ USD sai mục đích và chuyện thoát nghèo

Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh vừa đưa ra một con số: Có khoảng 5 tỉ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích.

 Ảnh minh họa.

Phát ngôn chính xác của Phó Tổng TTCP như thế này: Mỗi năm Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi, xử lý vi phạm 2 tỉ USD, ngành thanh tra cũng lên tới 3 tỉ USD. Như vậy, đã có tổng cộng 5 tỉ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích, trong khi ngân sách quốc gia mỗi năm có khoảng 50 tỉ USD.

Tức là 1/10 NSNN đã chi không đúng mục đích. Và Phó Tổng TTCP cho rằng: “Người đứng đầu phải hướng đến văn hóa từ chức, nếu kết luận kiểm toán chỉ ra vi phạm nghiêm trọng ở đơn vị đó”.

Chúng ta có thêm một con số: Trong 2 năm 2015-2016, 1.016 cá nhân đã bị xử lý do các vi phạm trong quản lý và điều hành ngân sách. Trong đó, buộc thôi việc 47 người, cách chức 71 người, giáng chức 7 người, khai trừ khỏi đảng 11 người và 11 bị chuyển điều tra hình sự, 12 người khác bị tù giam. Còn lại là cảnh cáo, khiển trách và... kiểm điểm nghiêm khắc (nguồn: Báo cáo gửi QH của Bộ Nội vụ).

Trong khi đó, một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức là khoảng 1.458 nghìn đồng/tháng và 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống.

Đấy là thời điểm tháng 8.2013. 5 năm qua, cuộc sống của họ đã được cải thiện hơn, nhưng chẳng hạn 2017, vẫn còn 181,4 nghìn lượt hộ thiếu đói. Còn trong lực lượng công nhân lao động trực tiếp, 54% số người cho rằng tiền lương tiền công đang không tương xứng với sức lao động - kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN.

Hình như giữa 1/10 ngân sách sử dụng không đúng mục đích, chưa kể tới các khả năng tham nhũng, trục lợi - với mức thu nhập quá thấp của nông dân và cuộc sống nhọc nhằn của công nhân, hai lực lượng lao động trực tiếp lớn nhất trong xã hội, có sự liên quan chặt chẽ.

Thực tế chỉ cần 1/10 của 1/10 ngân sách sử dụng không đúng mục đích ấy cũng đủ góp phần làm được nhiều việc cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nhìn vào những hoàn cảnh quá đỗi nhọc nhằn của không ít người trong xã hội, có vẻ, những hình thức kiểu như kiểm điểm, hay những lời kêu gọi “văn hóa từ chức” dường như không có sức thuyết phục.

Sao lại là từ chức hay “kiểm điểm nghiêm khắc” rút kinh nghiệm sâu sắc mà được khi hành vi sử dụng không đúng mục đích đang tước đi cơ hội thoát nghèo của không ít người dân đang tồn tại với cuộc sống mấp mé hai chữ tối thiểu?

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều