Bán đất, vay mượn để xây trụ sở to

Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chính thức “lắc đầu” với đề xuất xây dựng trụ sở nghìn tỉ từ Hà Giang. Nguyên do Hà Giang là địa phương nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế và đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn.

 Trụ sở UBND tỉnh Hà Giang hiện nay. Ảnh: Cổng TTĐT Hà Giang.

Đây là số liệu: Trụ sở này dự kiến có 2 tòa tháp 12 tầng, ngót 30.000m2 xây dựng phục vụ cho 1.284 công chức, viên chức. Tổng mức đầu tư theo tính toán là hơn 1.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí đầu tư 565,4 tỉ đồng, lãi vay 127,5 tỉ đồng... theo hình thức hợp tác công tư BTL (xây dựng- chuyển giao- thuê dịch vụ).

Có nghĩa, nguồn vốn là từ các nguồn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, nguồn đấu giá đất, nguồn chi thường xuyên của các sở ngành và nguồn hỗ trợ từ ngân sách TƯ.

Hà Giang là tỉnh nghèo, nghèo lắm. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết 2017 lên tới 34,41%. Trong hơn 30 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, Hà Giang có tận 6.

Hà Giang nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều lắm. Chiến dịch “đại công trường” hồi đầu những năm 2000 với 1.400 công trình được khởi công để lại khoản nợ khổng lồ không biết bao giờ mới trả xong. Số liệu đây: 236 công trình chất lượng không đảm bảo; 254 công trình đã xuống cấp, 111 công trình ngừng thi công, bỏ dở. Đến giữa 2005, nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản lên tới gần 1.000 tỉ đồng, vượt khả năng thanh toán.

Trong khi đó, số thu ngân sách của Hà Giang thuộc nhóm cuối bảng. Chẳng hạn cả năm 2017, dù đạt 100,4% so với nghị quyết HĐND, thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt 1.641 tỉ đồng.

Hồi cuối năm ngoái, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Hà Giang về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh này phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tự cân đối được 40-50% ngân sách, để giảm trợ cấp từ TƯ.

Bộ trưởng tiền nhiệm Bùi Quang Vinh từng lý giải chuyện đầu tư địa phương rằng: Từ năm 2006 đến nay, toàn bộ dự án nhóm A, B, C đều đã được giao cho các địa phương thẩm định và phê duyệt, Thủ tướng chỉ phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, các địa phương được toàn quyền trong việc quyết định dự án đầu tư.

Nhưng ông cũng khẳng định: Việc trao quyền phải gắn với trách nhiệm của người ký quyết định đầu tư. Khi công trình được quyết định đầu tư, khởi công, đương nhiên phải có tiền. Không có tiền mà vẫn làm, thì người ra quyết định đầu tư phải chịu kỷ luật. Nhưng thực tế, chẳng có ai chịu kỷ luật cả.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đã khá sòng phẳng trong trường hợp này. Và có lẽ, cần phải kiên quyết hơn nữa với những trường hợp “xây lấy được” tương tự.

Chứ với tỉ lệ hộ nghèo nghèo rất cao, nợ nần còn lớn, thu chỉ bằng 1/3 mức chi... thì đề xuất một trụ sở nghìn tỉ không phải chỉ là vô lý mà là vô cảm.

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều