Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên lại xin cơ chế đặc thù

Thông điệp chính thức trên vừa được đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Thái Nguyên thông tin tại cuộc giao ban báo chí tháng 9/2018 tổ chức tại chính phòng họp của đơn vị này hôm 28/9 vừa qua.

Thực trạng KCN Trung Thành sau nhiều năm triển khai.

Tính đến nay, Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập 6 KCN tập trung với diện tích 1.420ha, bao gồm KCN Sông Công I (195ha), KCN Sông Công II (250ha), KCN Nam Phổ Yên (120ha), KCN Yên Bình (400ha), KCN Điềm Thụy (350ha), KCN Quyết Thắng (105ha).

Năm 2011, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180ha, nay là khu A) với tổng mức đầu tư của dự án là trên 1.400 tỷ đồng và nhiều dự án phụ trợ khác…

Sau hơn 2 năm loay hoay triển khai dự án, với nguồn kinh phí được cấp là 2,4 tỷ đồng, năm 2013 Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã đề xuất với tỉnh Thái Nguyên cho vận dụng và sử dụng toàn bộ tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần cho 50 năm của các nhà đầu tư thứ cấp để tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Điềm Thuỵ A.

Quyết định cho phép Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên thực hiện “cơ chế đặc thù” nêu trên phần nào cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư bởi theo quy định của pháp luật nhà đầu tư có quyền được trả tiền thuê đất hàng năm.

Trước thực tế vừa là đơn vị quản lý Nhà nước vừa làm chủ đầu tư và Trưởng Ban Quản lý các KCN có thể ký hai văn bản với hai chức danh khác nhau nên nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thái Nguyên đành tuân theo quy định khác luật nêu trên để công việc thuận buồm xuôi gió.

Và với vai trò là cơ quan thẩm định cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư vào KCN, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên dễ dàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp hơn các doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng KCN khác trên địa bàn bởi chính những nhà đầu tư này cũng phải “cắp hồ sơ” đến để Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên xem xét.

Hậu quả tất yếu là việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN do doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp vô vàn khó khăn.

Chẳng hạn như: KCN Quyết Thắng có vị trí khá thuận lợi tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô 200ha. Thế nhưng, “vì nhiều lý do” nhà đầu tư là Cty CP thương mại và đầu tư Hoàn Việt đã lặng lẽ rút khỏi dự án đầu tư KCN đầy béo bở này và đến nay KCN vẫn chưa được triển khai.

Ngay như trong 4 KCN đã đi vào hoạt động bao gồm: KCN Sông Công I (195ha), KCN Nam Phổ Yên (120ha), KCN Yên Bình (400ha), KCN Điềm Thụy (350ha) thì chỉ có KCN Sông Công I và KCN Yên Bình là có sức hút tốt với nhà đầu tư, còn KCN Nam Phổ Yên và KCN Điềm Thụy cũng lộ rõ nhiều bất cập.

Cụ thể, tại KCN Nam Phổ Yên do Cty Xuân Kiên VINAXUKI, Cty TNHH Lệ Trạch Đài Loan làm chủ đầu tư thuộc xã Trung Thành, xã Thuận Thành, phía Nam thị xã Phổ Yên có vị trí rất thuận lợi là giáp cảng Đa Phúc, nằm dọc hai bên trục đường QL3 và điểm đấu nối đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cách sân bay quốc tế Nội Bài 25km quy mô 200ha nhưng từ khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận năm 2009 đến nay hoạt động thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất khá “èo uột”.

Tương tự, tại KCN Điềm Thụy B có tổng diện tích theo quy hoạch được duyệt là 170ha do Cty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư cũng mới chỉ lấp đầy được khoảng 30ha trái ngược hoàn toàn với khu A - phần diện tích 180ha do Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Sau khi thực hiện thành công thu hút đầu tư tại KCN Điềm Thụy A, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho Ban làm chủ đầu tư thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II diện tích 250ha tại xã Tân Quang, TP Sông Công.

Ông Phan Mạnh Cường - Trưởng Ban Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cho biết: Mới đây Ban tiếp tục đề xuất với tỉnh Thái Nguyên cho phép tổ chức thực hiện cơ chế “vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm”.

Theo đó, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên “Đề nghị Bộ Tài chính ban hành cơ chế cho phép các Ban Quản lý các KCN cấp tỉnh được chủ động vay vốn của Ngân hàng Phát triển để triển khai dự án hạ tầng KCN ở giai đoạn đầu khi KCN chưa có mặt bằng sạch và hạ tầng kết nối. Lãi vay được tính vào chi phí đầu tư của dự án, đồng thời Ban Quản lý các KCN phải cam kết vận động thu hút các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm để hoàn trả vốn vay”.

Như vậy đồng nghĩa với việc nhà đầu tư muốn trả tiền thuê đất hàng năm theo đúng quy định pháp luật cũng khó có “cửa” để đầu tư vào KCN Sông Công II.

 

Được biết trước đó Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cũng đã đề xuất được quyền ra quyết định xử phạt đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch trong KCN.

Trước các câu hỏi của đại diện các báo: Xây dựng, Thái Nguyên về việc với “cơ chế đặc thù” tài chính nêu trên liệu có tiếp tục tạo nên đặc quyền và bất bình đẳng trong kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có lĩnh vực phát triển hạ tầng các KCN hay không? Hơn nữa, trong khi còn rất nhiều KCN trống (như KCN Điềm Thụy B, KCN Nam Phổ Yên) tại sao Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên không kiến nghị với tỉnh thu hồi hoặc phối hợp với doanh nghiệp để phát triển mà lại phải đầu tư KCN Sông Công II có thể gây lãng phí lớn về nguồn lực tài chính và đất đai? Đại diện Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã không trả lời trực tiếp và thông tin “sẽ tham mưu với tỉnh sau”.

Theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế được sửa đổi bởi Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 Ban quản lý KCN có chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với KCN và cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan, nhưng không có quy định nào cho phép Ban quản lý KCN được phép kinh doanh làm chủ đầu tư KCN.

Theo Thái Nguyên Nhân /Báo Xây dựng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều