Báo Đức ca ngợi sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam

Trang tin chuyên về kinh tế và tài chính của Đức wallstreet-online.de vừa đưa tin rằng không có một quốc gia nào có quy mô tương đương trên thế giới lại giành được thành tựu lớn về chỉ số tự do kinh tế như Việt Nam kể từ năm 1995.
Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel tại khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội) chuyên lắp ráp hệ thống dây dẫn điện cho các loại ô tô, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN 

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo cho biết, theo bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của 176 quốc gia và vùng lãnh thổ do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố, độ tự do về kinh tế của Việt Nam được đánh giá ở mức 61,8 điểm, đứng ở vị trí thứ 72. Kết quả này tốt hơn 1,2 điểm so với chỉ số đánh giá của năm ngoái. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 14/39 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt tổng kết quả của Việt Nam nằm trên mức trung bình của thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, theo bài báo, thứ hạng mà Việt Nam đạt được này không quan trọng bằng sự thay đổi của nền kinh tế đất nước. Nếu xét một quốc gia có quy mô tương đương thì không có nước nào trên toàn thế giới có được độ tự do về kinh tế tốt như Việt Nam kể từ năm 1995. Vào năm 1995 - năm đầu tiên lập Chỉ số tự do kinh tế, con số này của Việt Nam mới chỉ đạt 41,7% và như vậy đến nay, Việt Nam đã tăng 20 điểm. Để so sánh, năm 1995, Chỉ số tự do kinh tế của Trung Quốc đạt 52 điểm, nhưng đến nay lại giảm gần 4 điểm, xuống còn 48,3 điểm, xếp thứ 154, kém Việt Nam 82 bậc. Ngay cả Mỹ và Anh cũng kém hơn hồi năm 1995, với mức chỉ số thấp nhất kể từ khi chỉ số này được đưa ra.

Quỹ Di sản đánh giá nền kinh tế Việt Nam ngày càng định hướng thị trường mạnh hơn khi dần hội nhập vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Các cải cách bao gồm tư nhân hóa một phần doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa thương mại và ngày càng công nhận quyền sở hữu tư nhân. Việt Nam được xếp hạng tốt trong lĩnh vực "Sức khỏe tài khoá" (Fiscal Health) và "Chi tiêu Chính phủ" (Government Spending); trong khi xếp hạng trung bình trong lĩnh vực "Tự do kinh doanh và Tự do tiền tệ" (Business Freedom und Monetary Freedom).

Tác giả bài báo nhận định, nếu Việt Nam tiếp tục con đường được khởi xướng từ năm 1986 với tên gọi "Đổi Mới", Việt Nam có cơ hội tốt để trở thành một trong những quốc gia mạnh về kinh tế trên thế giới. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, với nền kinh tế sôi động mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời cho những người làm việc chăm chỉ và các doanh nhân. Từ một quốc gia không thể sản xuất đủ gạo cung cấp cho người dân trước khi bắt đầu cải cách thị trường, Việt Nam nay đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu hàng điện tử quan trọng.

Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Báo Tin tức)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều