Bảo hiểm xã hội theo mô hình đa tầng- Những vấn đề đặt ra trong cải cách chính sách BHXH

Trên thế giới hiện chưa có một khái niệm thống nhất về BHXH đa tầng, tuy nhiên một số tổ chức quốc tế đưa ra các khái niệm về hệ thống hưu trí đa tầng (OECD), hệ thống hưu trí đa trụ cột (World Bank) hoặc sàn an sinh xã hội (ILO) để khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng cho phù hợp.

 Hệ thống hưu trí đa tầng theo quan điểm của OECD

Tầng 1: Mang tính chất bắt buộc, đặc trưng là ngân sách Nhà nước bảo đảm thu nhập ở một mức thích hợp đối với người hết tuổi lao động. Mỗi quốc gia có thể lựa chọn thiết kế chính sách theo 3 mô hình sau: (1) Lương hưu cơ bản, (2) Lương hưu xã hội dựa trên xác minh thu nhập hoặc (3) Lương hưu tối thiểu.

Tầng 2: Mang tính chất bắt buộc, đặc trưng là sự đóng góp của người dân để tích lũy cho tuổi già. Có thể do Nhà nước hoặc tư nhân cung cấp. Nếu do Nhà nước cung cấp thì có 3 mô hình đó là (1) Mức hưởng xác định, (2) Tích điểm hoặc (3) Tài khoản cá nhân tượng trưng. Nếu do tư nhân cung cấp thì có 2 mô hình đó là (1) Mức hưởng xác định hoặc (2) Mức đóng xác định.

Tầng 3: Mang tính chất tự nguyện, đặc trưng là sự đóng góp của người dân để tích lũy cho tuổi già, do tư nhân cung cấp, có 2 mô hình đó là (1) Mức hưởng xác định hoặc (2) Mức đóng xác định.

Đối chiếu theo mô hình của OECD thì ở Việt Nam đã manh nha có hệ thống hưu trí đa tầng, cụ thể:

Tầng 1: Lương hưu xã hội dựa trên xác minh thu nhập, hay nói cách khác là chính sách trợ cấp xã hội cho người cao tuổi (80+/60+ và nghèo/60+ và khuyết tật) theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Ngoài ra có thể tính thêm trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng, một nét đặc trưng của Việt Nam.

Tầng 2: BHXH bắt buộc do BHXH Việt Nam đang tổ chức thực hiện. Hiện có khoảng 14,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Có khoảng 1,7 triệu người đang hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng từ quỹ BHXH và 1,3 triệu người đang hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng từ ngân sách Nhà nước (nghỉ hưu trước năm 1995).
Tầng 3, gồm : (1) Bảo hiểm hưu trí bổ sung theo Nghị định số 88/2016/NĐ-CP do Bộ Tài chính trình ban hành, tuy nhiên hiện nay chưa thu hút được người tham gia và (2) Sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo Thông tư số 115/2013/TT-BTC và Thông tư số 150/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 thì kỳ vọng đến năm 2020, có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (tầng 3) theo hình thức ủy thác đầu tư.

BHXH tự nguyện ở Việt Nam hiện nay không khớp với hình thức nào trong mô hình 3 tầng của OECD, có thể vì không quốc gia nào trong khối OECD có chính sách tương tự nên không đưa vào mô hình chung.

Hệ thống hưu trí đa trụ cột theo quan điểm của Ngân hàng thế giới- World Bank

Nhằm phát triển mô hình hệ thống hưu trí với mục tiêu đảm bảo an toàn tài chính cho người cao tuổi, năm 1994, WB đưa ra mô hình “mẫu” với 3 trụ cột: Hưu trí BHXH (Trụ cột 1), Hưu trí nghề nghiệp (Trụ cột 2), Tiết kiệm/ Hưu trí tự nguyện (Trụ cột 3). Năm 2005, WB tiếp tục bổ sung thêm hai trụ cột vào mô hình: Phúc lợi xã hội (Trụ cột 0) và các chương trình hỗ trợ phi tài chính của Chính phủ (Trụ cột 4), cụ thể như sơ đồ dưới đây:

Đối chiếu với mô hình 5 trụ cột của WB thì Việt Nam đã cơ bản hình thành hệ thống hưu trí đa trụ cột gồm: (1) Trợ cấp bảo trợ xã hội cho người cao tuổi (Trụ cột 0), (2) BHXH bắt buộc bao gồm lương hưu và thẻ BHYT miễn phí cho người hưởng lương hưu (Trụ cột 1 và Trụ cột 4) và (3) Bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện/ Sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện (Trụ cột 3).

Sàn an sinh xã hội theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế


Ngày 14-6-2012, kỳ họp lần thứ 101, Hội nghị Lao động quốc tế được tổ chức tại Geneva đã thông qua Khuyến nghị R.202 về sàn an sinh xã hội khuyến nghị mỗi quốc gia thành viên nên xây dựng sàn an sinh xã hội để bảo vệ người dân trước một số rủi ro trong cuộc sống: (1) dịch vụ chăm sóc y tế; (2) dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc và các dịch vụ thiết yếu khác cho trẻ em; (3) thu nhập tối thiểu trong những trường hợp mất thu nhập do ốm đau, thất nghiệp, thai sản và khuyết tật và (4) thu nhập cơ bản, tối thiểu cho người già.

Đối chiếu với R.202 thì ở Việt Nam hiện nay đã có (1) trên 86% dân số có BHYT; (2) chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; (3) khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc, được trợ cấp bằng tiền khi ốm đau, thất nghiệp, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và (4) trên 47% người cao tuổi được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Mô hình BHXH đa tầng cho Việt Nam

Từ những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, có thể khẳng định trong tương lai cần xây dựng mô hình BHXH đa tầng ở Việt Nam theo hướng mỗi rủi ro cần có nhiều phương thức và nguồn lực để bảo đảm về sức khỏe và thu nhập cho người dân.

1. Dưới góc độ nhân khẩu học, theo cách tiếp cận vòng đời, có thể chia thành 3 nhóm là trẻ em, lực lượng lao động và người già. Trong đó, lực lượng lao động là lực lượng tạo ra của cải vật chất, là lực lượng chính đóng góp nguồn lực (cả thuế và phí BHXH) để bảo đảm an sinh xã hội cho chính bản thân họ (ốm đau, thai sản, thất nghiệp, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) cũng như cho trẻ em (dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc y tế…) và người già (thu nhập, chăm sóc y tế). Khuyến khích người lao động nâng cao năng suất lao động, tích cực đóng góp BHXH cũng như tự tích lũy để lo cho tuổi già; khuyến khích người già tham gia một phần vào quá trình sản xuất với những công việc phù hợp để tạo thêm thu nhập bổ sung; tạo điều kiện để trẻ em có nguồn dinh dưỡng tốt, được chăm sóc y tế tốt cũng như được giáo dục - đào tạo tốt vì đây là lực lượng lao động tương lai của đất nước.

2. Dưới góc độ các chính sách an sinh xã hội cần được thiết kế trong một tổng thể chung và lấy con người làm trung tâm. Các chính sách an sinh xã hội cần đa dạng nhưng không chồng lấn. Chính sách an sinh xã hội thiết kế dựa trên những rủi ro mà mỗi người có thể gặp phải. Để giúp đỡ người dân vượt qua được những rủi ro đó, có thể chỉ cần một chính sách an sinh xã hội (đơn tầng) hoặc nhiều chính sách an sinh xã hội (đa tầng). Ví dụ, một người về già có thể có 3 nguồn lương hưu là: (1) lương hưu xã hội (trợ cấp bảo trợ xã hội); (2) lương hưu BHXH và (3) lương hưu bổ sung/ lương hưu từ sản phẩm hưu trí tự nguyện. Một phụ nữ khi sinh có thể được hưởng 2 nguồn tiền từ: (1) chế độ thai sản của BHXH bắt buộc và (2) chi trả khi sinh con từ một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Một công nhân bị ốm có thể được (1) Chi trả chi phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT và (2) Chi trả trợ cấp ốm đau từ quỹ BHXH.

Một số vấn đề đặt ra trong cải cách BHXH ở Việt Nam

Hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng hướng tới bảo hiểm hưu trí toàn dân, nghĩa là mọi người dân hết tuổi lao động đều có lương hưu:

Hiện nay, mới chỉ có khoảng 47% người cao tuổi có lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng (Trong tiếng Anh, người cao tuổi có một khoản lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng được gọi chung là pensioner). Trong tương lai, chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng 100% người cao tuổi có lương hưu (pension) với một số lưu ý sau:

Chính thức hóa thật nhiều việc làm không chính thức để tỷ lệ người lao động tham gia BHXH ngày càng cao, qua đó nâng số người cao tuổi nhận lương hưu BHXH (tầng thứ 2).

Khuyến khích người dân tham gia các loại hình bảo hiểm khác ở tầng thứ 3 (OECD) hoặc trụ cột 3 (WB) để bên cạnh lương hưu BHXH còn được hưởng lương hưu bổ sung (cao hơn) trong tương lai.

Hạ dần độ tuổi nhận trợ cấp người cao tuổi từ 80 như hiện nay xuống độ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật về lao động và pháp luật về BHXH (có thể là 65 trong tương lai) để những người không có cơ hội hoặc không đủ khả năng tham gia BHXH có lương hưu cơ bản/ tối thiểu khi về già.

Cải cách chính sách BHXH theo hướng phát huy tối đa chức năng của từng chính sách BHXH và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách BHXH.

Thực tế trong thời gian vừa qua, từng chính sách chưa thực sự phát huy được hết chức năng và phù hợp với bản chất của chính sách, giữa các chính sách chưa có sự kết nối và hỗ trợ để đạt mục tiêu chung. Chẳng hạn, chính sách BHTN mới chỉ thực hiện được chức năng chi trả trợ cấp thất nghiệp, các chính sách chủ động như hỗ trợ đào tạo, giới thiệu và chắp nối việc làm, duy trì việc làm, bảo vệ việc làm còn hạn chế. Chính sách BHTN chưa hỗ trợ được duy trì và mở rộng diện bao phủ của các chính sách khác.
Yêu cầu này càng quan trọng đối với tổ chức thực hiện chính sách BHTN, nhằm đạt được các mục tiêu cốt lõi của chính sách là đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người thất nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm mới, nhanh chóng đưa người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, hạn chế sa thải đối với người lao động. Các trung tâm dịch vụ việc làm công, nơi tổ chức thực hiện chính sách BHTN cần nâng cao khả năng tiếp cận, nâng cao hiệu suất cung cấp dịch vụ, đa dạng hóa và mở rộng thông tin việc làm và cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Để đạt được mục tiêu này cần đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự, xây dựng hệ thống trung tâm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo được niềm tin của người lao động và doanh nghiệp.

TS. Phạm Trường Giang
Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Tạp chí Xây dựng Đảng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều