Biến tướng dự án BT: Thổi giá công trình, đổi đất vàng giá rẻ

Ít bị người dân phản ứng như các dự án BOT, các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) được các chuyên gia và Kiểm toán Nhà nước nhận định rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu minh bạch vì lợi ích nhóm và vì siêu lợi nhuận khi giá trị công trình bị đẩy cao, còn giá đất quy đổi bị hạ thấp.

Ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - chủ trì hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”. Ảnh K.H 

Nhà nước tổn thất 2 lần

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi là sáng kiến của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nửa đầu những năm 1990 khi ngân sách nhà nước tại địa phương không đủ để phát triển hạ tầng mà nhà nước chỉ có đất đai là quý. Nhà nước hợp đồng với nhà đầu tư (NĐT) bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng và trả bằng đất đai. Cơ chế này được nhiều địa phương áp dụng và trở thành một phong trào với nhiều dấu hiệu bị biến tướng.

Với góc nhìn trực diện, ngày 19.10, KTNN đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong đó đề cập tới những lỗ hổng pháp lý khiến sáng kiến trên bị biến tướng làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước. Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng KTNN - cho rằng hình thức đầu tư kiểu BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đình Hòa - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - cho rằng nếu dự án BOT chứa đựng rủi ro đơn thì dự án BT chứa đựng rủi ro kép khiến Nhà nước tổn thất 2 lần. Cụ thể, phương án tài chính (giá trị dự án BT) không được công khai, minh bạch và đấu thầu do đó không xác định được chi phí đầu tư của “Vật ngang giá”. Thông thường mức đầu tư được NĐT kê khai cao hơn rất nhiều so với thực tế trong khi đất đưa ra trao đổi không được xác định công khai minh bạch theo cơ chế thị trường, do đó “vật trao đổi” thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều.

Chi phí xây dựng cao, đất được định giá thấp nhưng người sử dụng không phải trả phí trực tiếp nên cảm nhận mơ hồ và không có phản ứng trực diện. Cái phải trả cho NĐT là quyền sử dụng đất và người dân thường ít khi để ý đến nguồn lực quốc gia, tài sản quốc gia, coi đó như là của công, không ảnh hưởng gì đến mình. “Đây là một giao dịch đầu tư - thương mại điển hình phi thị trường và lợi ích nhóm” - ông Hòa thẳng thắn nhận xét.

Chẳng hạn giá 197ha đất đối ứng cho Tập đoàn Nam Cường để xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông dài hơn 5km tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài vào thời điểm bàn giao quỹ đất chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường hoàn thành, giá đất tại đây (khu đô thị Dương Nội) đã lên mức 30-40 triệu đồng/m2. Thực tiễn cho thấy nhiều dự án không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà trước hết nhằm phục vụ lợi ích của NĐT và lợi ích nhóm.

Báo chí cũng đã lên tiếng về các dự án BT sai phạm mà tiêu biểu là dự án xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41km đường từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín). Nhà nước trả cho NĐT các khu đất để xây Khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng, nhưng sau 9 năm thực hiện dự án chỉ xây dựng được 12km đường còn đất đai đối ứng đã được bán cho chủ đầu tư khác. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều NĐT yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.

Dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội do Cienco 5 làm chủ đầu tư với 41km đường từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín), sau 9 năm thực hiện dự án chỉ xây dựng được 12km đường còn đất đai đối ứng đã được bán cho chủ đầu tư khác! Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cơ chế hổng lỗ chỗ, bịt thế nào?

GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT - nhận định đã đến lúc vĩnh biệt thực sự cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, có thể chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn rất thiếu đồng thời cần phải lấp đầy khoảng trống pháp luật về giá trị bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng, kiểm toán tài chính để đánh giá giá trị đối với công trình hạ tầng; về định giá đất đai trả cho NĐT.

Ông đã chỉ ra hàng loạt khoảng trống và chồng chéo về pháp luật liên quan tới các dự án BT dẫn tới nhiều bất lợi cho Nhà nước khi triển khai và đề nghị cần đấu giá khu đất để trả cho NĐT lấy tiền xây dựng hạ tầng và chỉ giao đất sau khi công trình hạ tầng đã được hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể, cần có quy định sử dụng đất ở để trả cho NĐT hạ tầng phải phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở cân đối với hạ tầng trong phát triển đô thị. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát và quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan khi nhận được ý kiến giám sát của dân và có quy định trách nhiệm kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất về triển khai các dự án BT của UBND cấp tỉnh nơi có dự án và của các bộ có liên quan như: Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ TNMT, Thanh tra Chính phủ.

Còn Ths Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp, KTNN - kiến nghị xem xét thay đổi hình thức thanh toán dự án BT bằng quỹ đất để chuyển sang thanh toán bằng tiền theo hình thức trả chậm, trong đó quy định cụ thể các cơ chế, yếu tố trong phương án tài chính đảm bảo quyền lợi cho NĐT và khuyến khích NĐT tham gia thực hiện dự án, quy định chặt chẽ tỉ lệ vốn chủ sở hữu của NĐT, chi phí lãi vay cũng như xác định tỉ suất lợi nhuận của NĐT, phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án và có quy định cụ thể về chi phí biến động tỉ giá trong thời gian xây dựng trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước, NĐT liên quan đến tiến độ thực hiện dự án.

Liên quan tới vấn đề này, PGS-TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - đề nghị cần đánh giá và đổi mới quy trình thủ tục triển khai dự án BT, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát các dự án BOT, BT ngay từ khi đề xuất dự án, thiết kế, xây dựng dự toán, thẩm định và phê duyệt dự án, ký kết hợp đồng BT và thực hiện dự án.

Chưa có báo cáo toàn cảnh về các dự án BT

PGS-TS Nguyễn Đình Hòa - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán: Tại sao trong 05 năm trở lại đây, các dự án BOT dường như có phần “im ắng” hơn và dự án BT lại đang trở thành một cơn “sốt” thực sự trên khắp cả nước? Hiện chưa có một báo cáo đầy đủ nào về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ với ví dụ ở Hà Nội cũng đủ thấy quy mô và tầm vóc của các dự án BT tại địa phương lớn biết chừng nào: Chỉ với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng và từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án BT.

Những hệ quả của cơn sốt dự án BT

Theo TS Nguyễn Hữu Hiểu - Phó Trưởng khoa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - ngoài rủi ro thất thoát nguồn tài sản công, các dự án BT còn có rủi ro công trình kết cấu hạ tầng được bàn giao với chi phí cao và/hoặc với chất lượng thấp do công tác lựa chọn NĐT thiếu tính cạnh tranh trong khi lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án BT thực mang lại cho nền kinh tế lại thấp do sự thiếu tính toán, cân nhắc trong việc triển khai dự án BT.

21 dự án BT “vênh” gần 4.000 tỉ đồng

Ths Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp, KTNN - cho biết qua kiểm toán 21 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỉ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỉ đồng/30.425 tỉ đồng) và nhận định quản lý dự án đang là khâu lỏng lẻo nhất, con số thất thoát là rất cao, mang tính phổ biến chứ không phải cá biệt trong khi đó hiện chưa có chế tài khi chủ đầu tư vi phạm về tiến độ, chủ đầu tư cũng không bị áp lực phải thực hiện dự án như cam kết.

Đầu tư công núp bóng BT

Ths Trần Minh Tiến - Phó Trưởng Khoa, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - phân tích với những dự án BT được thanh toán bằng nguồn vốn Trái phiếu chính phủ, sau khi được phê duyệt và phân bổ, địa phương nhanh chóng dùng tiền này chi trả cho các NĐT ngay trong quá trình đang thi công. Trong trường hợp này, hình thức thanh toán rõ ràng là đầu tư công nhưng lại dưới mác hợp đồng BT.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc năm 2013 là một ví dụ khi giá trị nghiệm thu là 1.415.294 triệu đồng trong khi giá trị giải ngân vốn ngân sách 1.459.222 triệu đồng.

Vậy vấn đề đặt ra là: “Phải chăng đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công - tư đã bị biến tướng thành công - công”? Qua đó có thể thấy, thay vì phải kiểm soát quản lý chặt chẽ như đầu tư công, cơ quan chức năng lại nới lỏng, phó mặc cho NĐT. 

Theo Khánh Hòa/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều