Bức tranh thu hút FDI quý I: Mừng, lo lẫn lộn

Gần 11 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm hứa hẹn sẽ có kỷ lục mới được lập khi năm 2019 kết thúc. Tuy nhiên các chuyên gia nêu, xu hướng vốn đầu tư từ các nước trong đó có Trung Quốc đang dịch chuyển nhanh sang nước ta, giúp bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế, mặt khác đòi hỏi sự cẩn trọng trong tiếp nhận vốn đầu tư.

Điểm sáng nhất

Thu hút vốn FDI được Chính phủ đánh giá là điểm sáng lớn nhất của bức tranh kinh tế - xã hội quý I.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.3, tổng vốn FDI đăng ký mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, thu hút FDI quý I năm nay đạt mức kỷ lục về giá trị vốn đăng ký so với cùng kỳ trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, quý I.2016 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 4,03 tỷ USD; quý I.2017 là 7,71 tỷ USD và quý I năm ngoái là 5,8 tỷ USD. Lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng 77,7% tổng số vốn đăng ký; tiếp đó là kinh doanh bất động sản, chiếm 7,2%.

 Quý I có gần 11 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, cả vốn cấp mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I tăng kỷ lục phần lớn là do sức bật mạnh mẽ của vốn đầu tư gián tiếp. Và trong khoản vốn đầu tư gián tiếp này, chỉ riêng dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hong Kong, Trung Quốc) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage đã có giá trị lên tới 3,85 tỷ USD.

Một chi tiết thú vị nữa là trong tháng 3.2019, Djibouti - quốc gia ở Đông Phi đã có 2 dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam lên con số 131.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó!

Sẽ có “dòng thác” FDI?

Giới chuyên gia kinh tế nhận định sẽ có “dòng thác” FDI chảy vào Việt Nam trong thời gian tới đây và nhiều thông tin ở thời điểm hiện tại có thể chứng thực cho nhận định này.

Đang có những dự án FDI “xếp hàng” chờ cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào nước ta. Ở Bắc Giang, Công ty Hana Micron (Hàn Quốc) có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tới để xây một nhà máy mới sản xuất bộ nhớ điện thoại di động và chất bán dẫn hệ thống. Ngoài ra, nếu cả Apparel Far Eastern và Meiko Electronics đều sớm được cơ quan chức năng Việt Nam “gật đầu”, thì vốn đầu tư tăng thêm vào Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể. Apparel Far Eastern đang làm thủ tục tăng vốn thêm 610 triệu USD, còn Meiko chuẩn bị tăng thêm 200 triệu USD.

Ngoài ra còn phải kể tới xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đang tìm cơ hội đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Macquarie Capital (Australia) trong cuộc làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết “đã nghiên cứu rất kỹ và sẽ sớm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại Việt Nam”. Còn Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Đầu tư Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) Mohammed Ibrahim Al Shaibani cũng đã khẳng định sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong một báo cáo gửi đến Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến cho xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc chịu sự trừng phạt của Mỹ. Thật ra, theo TS. Trần Văn Thọ, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khuynh hướng này đã bắt đầu từ 4-5 năm trước khi tiền lương ở Trung Quốc tăng cao, bây giờ với tình hình mới sẽ mạnh mẽ hơn, nhất là trường hợp các dự án hướng vào xuất khẩu.

Cẩn trọng “đón thác”

Trên thực tế, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, trong quý I, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư 137 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 723,18 triệu USD. Nếu xét theo con số này, Trung Quốc đang dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam 3 tháng qua. Trong khi đó, quý I.2016, Trung Quốc chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 297 triệu USD, đứng vị trí thứ 6; quý I.2017 con số là 823,6 triệu USD, đứng thứ 3.

“Gió đã đổi chiều”, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, nhận xét. Ông cho biết, kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút vốn FDI, Trung Quốc hầu như không có tên trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể và liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn. Trong góc nhìn của TS. Bùi Trinh, người am tường về thống kê, các nhà đầu tư Trung Quốc chọn Việt Nam vì chiến lược của Chính phủ nước này hiện nay có phần thay đổi, đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để thu lợi từ sở hữu, bù đắp cho những khó khăn ở trong nước nhằm làm tăng tổng thu nhập quốc gia và cuối cùng là làm tăng tiết kiệm trong nước.

Ghi nhận dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam trên mọi lĩnh vực là cơ hội để nước ta bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế, nhưng “cần hết sức cẩn trọng trong tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn”. TS. Bùi Trinh phân tích: Trung Quốc và Việt Nam đều là sản xuất gia công, nhưng Trung Quốc đang ở cấp độ cao hơn, sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn. Một đồng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam lan tỏa đến thu nhập của Trung Quốc 0,79 đồng; trong khi đó, 1 đồng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ lan tỏa đến thu nhập của Việt Nam có 0,47 đồng. Như vậy, có thể thấy trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thì phía Việt Nam không được hưởng lợi bằng.

Theo GS. Nguyễn Mại, một chuyên gia lâu năm về FDI, ngoài chuyện cần cảnh giác và kiểm soát các dự án kém chất lượng, hoặc các dự án đầu tư vào Việt Nam nhằm lẩn tránh xuất xứ hàng hóa, thì dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vẫn rất đáng quý. Ông nhiều lần nói rằng, không có lý do gì để chúng ta không có định hướng để tận dụng lợi thế của Việt Nam, như gần gũi về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư… để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Quốc cả.

Dòng thác vốn FDI đổ vào Việt Nam đang hiển hiện, Việt Nam nên nhân cơ hội này chuẩn bị đón đầu dòng thác FDI với chính sách mới có tính chiến lược hơn, đặc biệt chỉ khuyến khích, ưu đãi những dự án nhằm thay thế nhập khẩu các sản phẩm cần công nghệ cao ở trung và thượng nguồn, TS. Trần Văn Thọ gợi ý. 

Theo Hà Lan/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều