Cần nhìn nhận, đánh giá khách quan về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới

(Mặt trận) - Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đều có vị trí, vai trò, đóng góp to lớn, quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, doanh nghiệp và doanh nhân trong từng thành phần kinh tế cũng có những hạn chế, yếu kém nhất định. Bài viết nêu các giải pháp để xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.

Doanh nhân và vai trò của doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới

Trên cơ sở những chuyển biến tích cực trong đời sống thực tiễn của đất nước, từ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI (năm 1986) của Đảng với tinh thần thừa nhận kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang xây dựng cơ chế quản lý có kế hoạch theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, Đại hội VII (năm 1991) của Đảng đặt vấn đề: xây dựng đội ngũ trí thức, nhà kinh doanh, người quản lý, chuyên gia công nghệ và công nhân lành nghề để đảm đương, gánh vác nhiệm vụ trước mắt và chuẩn bị tốt cho đất nước và thế hệ trẻ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI1. Tiếp đó, Đại hội VIII (năm 1996), Đảng sử dụng khái niệm “nhà doanh nghiệp”, “nhà kinh doanh” với chủ trương: “Tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ǎn lâu dài”2. Đại hội IX (năm 2001), Đảng nêu chủ trương rất sáng rõ và sâu sắc: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là sự nghiệp của toàn dân, của mọi thành phần kinh tế... Tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc, xoá bỏ mọi trở lực để khơi dậy nguồn lực to lớn trong dân, cổ vũ các nhà kinh doanh và mọi người dân ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước3. Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Văn kiện Đại hội X (năm 2006) dùng thuật ngữ “doanh nhân” và khẳng định doanh nhân là bộ phận cấu thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XI (năm 2011) sử dụng khái niệm “đội ngũ doanh nhân” với định hướng, chủ trương: “Phát huy tiềm năng và vai trò tích cực của đội ngũ doanh nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh; mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hàng hoá, dịch vụ cho đất nước và xuất khẩu; đóng góp cho ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hoá Việt Nam; đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4. Ngày 9/12/2011 Bộ chính trị khóa XI ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hiến pháp 2013, tại khoản 3 Điều 51 khẳng định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trước năm 1991 (khi Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và Luật Công ty năm 1990 chưa có hiệu lực) chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp. Hiện nay, với gần 800.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh, theo đó, số lượng doanh nhân tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh lên đến hàng triệu người5. Trong thời kỳ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện, trước hết là về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Về kinh tế, với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và thế giới, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước6.

Về chính trị, doanh nhân không chỉ tham gia với tư cách công dân, doanh nghiệp thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, nhất là về lĩnh vực kinh tế, mà họ còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của các địa phương, của đất nước trong việc xây dựng, góp ý, giám sát, phản biện, quyết định chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương với tư cách là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Về xã hội, doanh nhân là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Sự ra đời, phát triển, lớn mạnh của doanh nhân góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, trong đó, doanh nhân là một bộ phận cấu thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc; doanh nhân là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế, xã hội giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà máy, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà nông. Doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ góp phần quan trọng trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế, gia tăng ngân sách - điều kiện, tiền đề vật chất để thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội mà doanh nghiệp, doanh nhân còn trực tiếp tham gia thực hiện nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, trong đó có hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Về văn hóa, doanh nhân Việt Nam hiện nay kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực nỗ lực xóa đói, thoát nghèo, vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân đã tạo ra những phẩm chất, giá trị văn hóa, lối sống mới: tự lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, đất nước. Doanh nhân được xã hội ngưỡng mộ, tôn vinh; họ như là “anh hùng thời đại”, nhân vật trung tâm của thời kỳ phát triển mới của đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít người, nhất là giới trẻ; họ nuôi khát vọng, ý chí làm giàu, dấn thân, lập thân lập nghiệp, cống hiến bằng con đường kinh doanh.

Đại đa số doanh nghiệp, hầu hết doanh nhân làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo đang nỗ lực vươn mình vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; họ xem trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với người tiêu dùng và với nhà nước, cộng đồng xã hội là những yếu tố đem lại chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và làm nên thương hiệu của doanh nghiệp. Qua sàng lọc khắc nghiệt của thị trường đa số doanh nghiệp phát triển, đa số doanh nhân thành công, qua đó đóng góp to lớn trên nhiều phương diện cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những yếu kém, hạn chế của doanh nghiệp, doanh nhân và pháp luật cũng đã và đang xử lý những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội. Những hạn chế, yếu kém đó do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân sâu xa từ điều kiện kinh tế - xã hội nông nghiệp, chưa có truyền thống kinh doanh; có nguyên nhân do sự mới mẻ, hấp dẫn của kinh tế thị trường cùng với những yếu tố tự phát, tiêu cực chứa đựng rủi ro của nó; có nguyên nhân từ hạn chế về tri thức, trình độ văn hóa, năng lực kinh doanh, ý thức pháp luật của doanh nhân; có nguyên nhân từ những bất cập của luật pháp và công tác quản lý nhà nước… Cả lịch sử và logic đều cho thấy, với một nền kinh tế mới chuyển đổi, kể cả một nền kinh tế thị trường “hoàn hảo”, “đầy đủ” với lịch sử phát triển hàng trăm năm thì vẫn không tránh khỏi những hạn chế, bất cập ít nhiều tương tự.

Thực tế cho thấy, vai trò, đóng góp to lớn không thể phủ nhận của khối doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong nhiều lĩnh vực đời sống, trước hết là lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, dẫu “một người lo bằng cả kho người làm” thì cũng không phải doanh nhân tự mình, riêng mình bằng lao động quản lý, điều hành có thể tạo ra đóng góp ấy, mà đó là thành quả tổng hợp được tạo ra không chỉ bằng lao động vật chất trực tiếp có tính chất quyết định của hàng triệu công nhân, lao động, mà còn bằng sự hỗ trợ, định hướng, dẫn đường của Đảng, Nhà nước thông qua việc xây dựng chính sách, thể chế phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại… 

Về kinh tế tư nhân gắn liền với đội ngũ doanh nhân trong khu vực kinh tế này (với sự phát triển, lớn mạnh và những đóng góp to lớn đối với đất nước: chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động xã hội, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội), Đảng ta khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”7. Tuy nhiên, không thể vì vai trò quan trọng đó mà xem nhẹ doanh nghiệp nhà nước, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và cổ vũ cho tư nhân hóa. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc tư nhân hóa là vấn đề rất phức tạp, có thành công nhưng rủi ro, thất bại cũng rất nhiều. Do đó, cả về thực tế và định hướng, Đảng đã rất đúng đắn khi khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ”8.

Về doanh nghiệp nhà nước9 và doanh nhân trong khu vực này, trong nhiều năm qua phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém, nhất là tình trạng tham nhũng, làm ăn thua lỗ gây thất thoát nhiều tiền bạc, tài sản của nhà nước, của nhân dân và tổn hại nghiêm trọng uy tín của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự điều chỉnh, đổi mới chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về doanh nghiệp nhà nước, kể cả việc kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, doanh nhân yếu kém, tham nhũng, các doanh nghiệp nhà nước và đội ngũ doanh nhân trong khu vực này đã có đổi mới, vượt qua khó khăn, thích ứng với kinh tế thị trường và bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước và doanh nhân trong khu vực này đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện góp phần để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân: đóng góp khoảng 28% cho tăng trưởng, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động (8,3%); giữ vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực nền tảng cho tăng trưởng, phát triển như năng lượng, tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, xuất khẩu lương thực, hàng không…; đi đầu trong đầu tư vào những vùng khó khăn, những lĩnh vực đầu tư có tỷ suất lợi nhuận thấp; và đồng thời với nhiệm vụ kinh doanh, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, hỗ trợ cộng đồng, tham gia thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Hiện nay, trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, doanh nhân trong khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò to lớn góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Giải pháp tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

Cách đây 10 năm, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với 7 nhóm phương hướng, nhiệm vụ: 1) Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; 2) Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nhân; 3) Hỗ trợ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; 4) Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; 5) Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; 6) Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; 7) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. Với tư duy, tầm nhìn chiến lược đúng đắn, về cơ bản, 7 nhóm phương hướng, nhiệm vụ trên đây vẫn nguyên giá trị chỉ đạo, định hướng cho việc triển khai các giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Qua hơn 35 năm đổi mới, tình hình đất nước, vị thế, tiềm lực, uy tín của đất nước khác nhiều so với 10 năm trước. Bối cảnh quốc quốc tế cũng có những đổi thay to lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Sự đan xen thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong bối cảnh mới đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới, nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kể cả việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng. Với tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng. Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”10…

Triển khai thực hiện chủ trương đó cần nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng 3 giải pháp đột phá.

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cộng đồng xã hội, người lao động, người sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba, để thực hiện có hiệu quả hai đột phá trên, điện kiện đầu tiên và xuyên suốt là xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về doanh nhân, về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân. Khắc phục những nhận thức phiến diện, định kiến; phê phán những nhận thức sai trái, lệch lạc về các thành phần kinh tế, xã hội, trong đó có các bộ phận doanh nhân trong các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Nguyễn Anh Tuấn

TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr 189.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 55, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr 376.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 60, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr 243.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 242.

5. Xem Doanh nhân Việt Nam - Thành quả của công cuộc đổi mới, tại trang: https://dangcongsan.vn/kinh-te/doanh-nhan-viet-nam-thanh-qua-cua-cong-cuoc-doi-moi-565492.html.

6. Nguyễn Chí Hải: Nhận diện đội ngũ doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI, tại trang: https://doanhnhansaigon.vn/chan-dung-doanh-nhan/nhan-dien-doi-ngu-doanh-nhan-viet-nam-the-ky-xxi-1096743.html. 

7,8. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

9. Doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước được cấu thành bởi: 1) Bộ phận doanh nghiệp gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần hoặc phần vốn chi phối; 2) Bộ phận phi doanh nghiệp: các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, đất đai, rừng, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia...

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 168.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều