Chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ: Sao không nghĩ đến tăng lương cho giáo viên?

Từ những lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ, khả năng thực hiện các đề án nghìn tỉ cũng như những bất cập về điều kiện cơ sở vật chất, thu nhập của giáo viên, Dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục (đề án) có thể được chi 12.000 tỉ đồng, đào tạo 9.000 tiến sĩ đang gây ra những ý kiến tranh luận trái chiều.

 Nhiều chuyên gia đề xuất dùng kinh phí 12.000 tỉ đồng tăng thu nhập cho giáo viên. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Lo ngại về chất lượng là có cơ sở

Nhắc đến những cuộc “chạy đua” đào tạo tiến sĩ hay những sự việc mà dư luận vẫn châm biếm gọi là “lò đào tạo tiến sĩ”, “lò ấp tiến sĩ”, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) - nhận định việc xã hội lo ngại về chất lượng đào tạo của đề án, không có niềm tin vào đề án cũng hoàn toàn có cơ sở. Bởi trong thời gian qua, các câu chuyện về những lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ siêu tốc, tiến sĩ “dỏm”... cả ở trong và ngoài nước gây bàng hoàng, mất niềm tin. Đào tạo tiến sĩ cả trong nước và ngoài nước đang có nhiều bất cập như cơ sở vật chất hạn chế, số lượng người làm hướng dẫn không đủ, uy tín của nơi đào tạo không đảm bảo, chất lượng đào tạo kém, khả năng kiểm soát...

“Phải thành thật thừa nhận rằng, hiện nay ở Việt Nam việc đào tạo tiến sĩ vẫn diễn ra một cách qua loa, dễ dãi. Đến ngay tên đề tài nghiên cứu tiến sĩ cũng có những cái rất… buồn cười. Dường như Bộ GDĐT vẫn còn “nhẹ tay”, ông Khuyến cho hay.

Trước thực tế như vậy, ông Khuyến bày tỏ, chúng ta không thể không lo lắng về chất lượng các tiến sĩ tương lai. Việc chi 12.000 tỉ đồng cho đề án đều do người dân và con em của họ sau này phải đóng thuế chứ không phải tiền cho không. Nếu Bộ GDĐT không thực hiện được đề án, chi tiêu không đúng thì sẽ khiến xã hội mất lòng tin. Thực tế, Bộ GDĐT đã từng có những đề án chưa tốt như Đề án Ngoại ngữ 2020, Đề án Mô hình trường học mới VNEN... tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại kết quả cao.

Đồng quan điểm, GS-TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng: Đây là một chủ trương tốt nhưng vấn đề là thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả thực sự. Thời gian qua, dư luận không lạ gì với những câu chuyện tiến sĩ “giấy” rồi lạm phát tiến sĩ. Vậy chúng ta có khả năng đào tạo ra tiến sĩ thực hay lại là những tiến sĩ “giấy”? Nếu lần này chúng ta tiếp tục đào tạo ra 9.000 “tiến sĩ giấy” nữa thì đó quả là điều đáng lo ngại.

Bộ GDĐT phải có những giải pháp và cần hết sức thận trọng để không đi vào vết xe đổ theo kiểu đào tạo mang nặng tính hình thức trước đó. “Lần này chúng ta hãy mạnh tay và kiên quyết đào tạo thế hệ có thể thực hiện công cuộc đổi mới chứ đừng vì “nể nang” để rồi kéo theo cả một hệ lụy lớn” - ông Bảo nói.

Chăm lo cho giáo viên để nâng cao chuyên môn

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng: Tất nhiên, đào tạo một nhà khoa học chính đáng là một sự cần thiết nhưng không thể trong một thời gian như vậy (2018-2025) chúng ta có thể đặt mục tiêu đào tạo ra 9.000 tiến sĩ được. Việc đào tạo tiến sĩ khoa học không thể vội vàng như thế được. Việc làm này khiến gợi nhớ về một đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ trước đây khiến người ta “ào ào” làm tiến sĩ mà chất lượng lại không cao. Đặc biệt, đề án còn đề cập đến nâng cao năng lực cho cả cán bộ quản lý, theo ông Nhĩ, cán bộ quản lý không nhất thiết phải là trình độ tiến sĩ. Lâu nay chúng ta sai lầm là phải có bằng cấp mới cho làm quản lý. Bằng cấp chỉ là một phần thôi, còn năng lực quản lý phụ thuộc năng khiếu, góc nhìn riêng.

Về việc chọn lựa người được đi học cũng phải là những cá nhân thực sự xuất sắc, đạt tiêu chí nghiêm ngặt như có ngoại ngữ thông thạo, trình độ công nghệ thông tin vững chắc, trình độ khoa học xuất sắc... Quan trọng nhất, là cái tâm, là ý chí và khả năng gắn bó với nghề.

“Trước nay, mỗi đề án mặc dù luôn có bộ tiêu chí nhất định nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có châm chước, có chi phối dẫn đến một lượng không nhỏ những người không xứng đáng vẫn lọt vào danh sách được cử đi học. Như vậy là không nên” - ông Nhĩ cho hay.

Mặt khác, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, chế tài quản lý cũng cần nghiêm túc hơn. Nếu được cử đi học mà không về phục vụ cho yêu cầu của ngành thì cần phải bồi thường, không phải chỉ số tiền được cấp mà phải gấp nhiều lần. Như vậy, cơ chế mới chặt chẽ và mới giữ được người tài.

Tuy nhìn nhận tính cần thiết là như vậy, nhưng PGS-TS Trần Xuân Nhĩ lại cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, lương giáo viên, cơ sở vật chất còn đang khó khăn thì việc lập đề án 12.000 tỉ đồng với mục tiêu đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ dường như chưa thực sự 
cần thiết.

“Chúng ta hãy dùng khoản tiền này vào việc đầu tư nâng cao đời sống cho giáo viên hay nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chính những việc làm thiết thực đó sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng” - PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Nhấn mạnh thêm quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam - nói: Trong điều kiện hiện nay, lương của giáo viên còn thấp chưa giải quyết được. Nếu lấy con số kinh phí 12.000 tỉ đồng kia để nâng lương cho giáo viên trước sẽ tạo động lực cho họ làm việc thì sẽ tốt hơn là đào tạo thêm tiến sĩ.

Theo Huyên Nguyễn/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều